.
.

Vinatex: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm dệt may tại thị trường nội địa

Thứ Ba, 18/12/2012|23:03

Vừa qua, tại Hà Nội, MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả thực hiện Cuộc vận động trong 3 năm qua của Ban chỉ đạo, các ban ngành địa phương, phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Mặc dù 3 năm triển khai cuộc vận động cũng là 3 năm khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam nhưng những kết quả ban đầu như kiềm chế lạm phát ở mức 7,5%, ổn định tỷ giá, xuất khẩu tăng trưởng và nhập siêu giảm cho thấy cuộc vận động đã từng bước đi vào đời sống kinh tế xã hội, nhân dân và các doanh nghiệp. Phó Thủ tướng mong muốn cuộc vận động ngày càng hiệu quả hơn nữa để thực sự là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Để hiện thực điều này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng và phải thuyết phục được doanh nghiệp tìm mọi biện pháp nghiên cứu và phát triển tốt thị trường nội địa, không ngừng cải tiến chất lượng và dịch vụ để người tiêu dùng luôn hài lòng với hàng hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vinh dự được nhận Bằng khen của MTTQ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ nhiều năm qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tập trung đầu tư phát triển và có kế hoạch khai thác thị trường trong nước. Năm 2001, Vinatex đã thành lập hệ thống siêu thị bán lẻ Vinatexmart, với ngành hàng chủ lực là các sản phẩm dệt may nội địa do các công ty thành viên của Tập đoàn và các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn sản xuất. Trong những năm gần đây, hệ thống Vinatexmart đã củng cố và đầu tư mở rộng, tổng số siêu thị bán lẻ lên 82 với mạng lưới tại 24 tỉnh thành vào cuối năm 2012, góp phần quan trọng vào việc đưa hàng dệt may Việt Nam đến mọi miền của Tổ Quốc. Ngoài hệ thống siêu thị Vinatexmart, các đơn vị thành viên của Tập đoàn như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, May Đức Giang, Hanosimex, Phong Phú… cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý chính thức về hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 4.000 điểm bán hàng.
 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Hướng đến mục tiêu phục vụ tối đa người tiêu dùng trong nước, Vinatex cũng đã tổ chức 2 Hội chợ Thời trang thường niên vào tháng 9 tại TP. HCM với quy mô gần 300 gian hàng và tháng 12 tại Hà Nội với quy mô 400 gian hàng, lấy trọng tâm là sản phẩm thời trang thương hiệu Việt. Đây có thể coi là hoạt động nổi bật nhất trong các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động mà Tập đoàn đã thực hiện trong thời gian qua và những năm tới đây. Song hành cùng các sự kiện trên, Vinatex cũng thường niên tổ chức các Tuần lễ thời trang xuân hè, thu đông, hội tụ các doanh nghiệp trong, ngoài Tập đoàn giới thiệu những sản phẩm thời trang có thiết kế mới, có tính ứng dụng cao, chất lượng tốt, giá hợp lý, thực sự đang dần thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về thời trang Việt Nam.

Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm thời trang Việt Nam đến người tiêu dùng, Vinatex đã phối hợp với các đơn vị trong nước, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn nhằm sử dụng sản phẩm của nhau. Tháng 11/2012, trong chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn và Tổng Công ty thuộc Bộ Công Thương, Vinatex đã chủ động ký kết 09 Biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Bộ Công Thương với các Tập đoàn/Tổng Công ty như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty Giấy Việt Nam...

Năm 2012, trước tình hình kinh tế khó khăn, tổng cầu giảm sút, doanh thu nội địa của Vinatex dự kiến sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng gần 10%.Các đơn vị thành viên Tập đoàn có doanh số kinh doanh từ 500 tỷ đồng trở lên tại thị trường nội địa gồm có: Tổng công ty CP Phong Phú,  Tổng công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty Việt Thắng, Tổng công ty CP Dệt May Nam Định, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty May 10…

Để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, tại Hội nghị sơ kết, Phó Tổng Giám đốc Phạm Duy Hạnh thay mặt Vinatex kiến nghị một số giải pháp với Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo cuộc vận động, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng; ban hành các chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ trong đó có ngành dệt may phù hợp với quy định của WTO; có chính sách hỗ trợ các chương trình giới thiệu quảng bá sản phẩm thương hiệu và xây dựng mạng lưới phân phối; ban hành cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí 2-3 năm các khu vực chợ đầu mối đã được nhà nước đầu tư tại các địa phương nhưng chưa khai thác hết...

Vĩnh Hồng - Doãn Tùng

.
.
.
.