.
.

Ðạm Cà Mau khẳng định từng bước đi vững chắc

Thứ Sáu, 24/05/2013|19:02

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, từ giai đoạn xây dựng - hoàn thành và kinh doanh hiệu quả sản phẩm Ðạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) xứng đáng tự hào về những thành tích đã đạt được. Trong suốt chặng đường ấy, PVCFC đã không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng khẳng định bản lĩnh và giấc mơ "Ðạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng" đang dần chắp cánh cho câu chuyện làm giàu của nông dân.

Trung tâm vận hành Nhà máy đạm Cà Mau
Trung tâm vận hành Nhà máy đạm Cà Mau

Bước chuyển mạnh mẽ

Là dự án trọng điểm quốc gia, Nhà máy đạm Cà Mau là một trong những công trình tâm huyết của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phân đạm phục vụ ngành nông nghiệp Việt Nam; giải quyết, cân đối nhu cầu thiếu hụt phân bón u-rê trên thị trường, góp phần hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thi công trên vùng đất sình lầy, phèn mặn của U Minh hạ, dự án đạm Cà Mau gặp  nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng; có những lúc dự án tưởng chừng phải dừng lại, nhiều kỹ sư, công nhân... lần lượt ra đi bởi trăm bề khó khăn phát sinh từ dự án. Với sự quyết tâm của Tập đoàn, cùng sự nỗ lực không mệt mỏi và sáng tạo của một tập thể năng động, đoàn kết, với sự lãnh đạo và quyết tâm cao của Ban quản lý dự án Khí - điện - đạm Cà Mau, dự án đã dần dần lấy lại tiến độ và về đích đúng tiến độ đề ra. Toàn bộ các hạng mục của dự án đã hoàn thành với chất lượng cao, được kiểm tra, thử nghiệm bảo đảm tuyệt đối các yêu cầu về an toàn vận hành, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm môi trường sinh thái trước khi đưa Nhà máy đạm Cà Mau chính thức đi vào vận hành thương mại theo công suất thiết kế. Nhà máy đi vào hoạt động đúng tiến độ và cung ứng kịp thời sản phẩm ra thị trường đã góp phần bảo đảm sự ổn định và chủ động về phân bón cho phát triển nông nghiệp, trước hết là đối với vựa lúa lớn nhất cả nước tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung. Giá trị quyết toán cuối cùng của dự án hơn 700 triệu USD so với tổng mức đầu tư và đã tiết kiệm gần 200 triệu USD cho Nhà nước đã cho thấy hiệu quả to lớn của công tác triển khai dự án.

Thành công nối tiếp thành công, ngày 30-1-2012, Nhà máy đạm Cà Mau đón dòng sản phẩm thương mại đầu tiên trước sự chứng kiến của Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh khu vực ÐBSCL. Nhà máy đạm Cà Mau ra đời mang đến niềm vui, niềm tự hào đối với nông dân trên khắp mọi miền đất nước; nhất là bà con nông dân ÐBSCL. Thị trường phân bón đón nhận sự có mặt chính thức sản phẩm đạm Cà Mau, một sản phẩm uy tín, chất lượng và nhiều lợi thế cạnh tranh; đánh dấu mốc thắng lợi lớn của dự án. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã cung cấp liên tục, ổn định hơn 800 nghìn tấn sản phẩm u-rê chất lượng cao cho khu vực ÐBSCL và các khu vực khác, tiết kiệm hàng trăm triệu USD nhập khẩu phân bón. Chặng đường đã qua đầy cam go, thử thách và cũng thật đáng trân trọng, tự hào từ sự trưởng thành và vững bước đi lên. Ðó là thành quả của một tập thể đoàn kết, năng động, sáng tạo, mà trước hết là vai trò của Ban lãnh đạo có tâm huyết, có tầm nhìn xa ngay từ đầu và đội ngũ CBCNV không ngừng cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bước chuyển mạnh mẽ ấy còn thể hiện bằng những con số ấn tượng trong giai đoạn Nhà máy đạm Cà Mau chính thức được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) tự chủ quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạm Cà Mau. Chỉ trong hơn một năm, từ khi dự án chính thức được bàn giao cho chủ đầu tư, sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ và doanh thu của công ty liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính riêng trong năm 2012, năm đầu và cũng là năm bản lề quan trọng vừa qua, sản lượng sản xuất đạt hơn 481 nghìn tấn u-rê và tổ chức tiêu thụ hiệu quả 444 nghìn tấn,  doanh thu đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Chuỗi thành công ấy có thể khẳng định qua nhận định của Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng khi đến làm việc với Ban Quản lý dự án Khí - điện - đạm Cà Mau: "Hiệu quả của dự án là đáng ghi nhận, có thể nói đây là dự án không chỉ giá trị quyết toán thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư mà cũng là dự án quyết toán nhanh nhất". Yếu tố để tạo nên thành công, hơn ai hết, Ban lãnh đạo công ty cho rằng yếu tố con người chính là nguồn nội lực làm tiền đề cho sự phát triển. Do đó, công ty đã từng bước xây dựng đội ngũ CBCNV các phòng, ban tinh gọn, có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên nghiệp và nhiệt tình, tận tâm trong công việc. Với một nguồn nhân lực trẻ và có trình độ chuyên môn đủ sức làm chủ trong quản lý vận hành, bảo dưỡng,... nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vươn xa hơn, hiện nay PVCFC có gần 800 CBCNV gồm cả những chuyên gia và kỹ sư, công nhân bậc cao... đảm trách toàn bộ vận hành nhà máy. Công ty đang xây dựng, hoàn thiện mô hình và cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn và chuyên môn hóa cao, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của công ty theo từng giai đoạn. Chức năng của các phòng, ban được hoàn thiện theo hướng giao việc cụ thể và phân định rõ ràng, dựa trên bảng giao việc cụ thể. Với đội ngũ nhân sự tinh gọn như vậy, ngoài việc bảo đảm vận hành nhà máy liên tục, ổn định 100% công suất thiết kế, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2,3 nghìn tấn đạm Cà Mau, PVCFC còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tích cực xây dựng các kế hoạch nghiên cứu, tổ chức thực hiện đề tài, sáng kiến kỹ thuật, tập trung nghiên cứu tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các loại cây trồng.

Khẳng định thương hiệu

Việc xây dựng một thương hiệu trong môi trường kinh doanh hiện nay là không dễ dàng vì xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sản phẩm cạnh tranh từ các đối thủ trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt. Với lợi thế  được kế thừa thương hiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ðạm Cà Mau vừa có ưu thế về đặc tính sản phẩm có chất lượng tốt do được sản xuất từ nguyên liệu khí tự nhiên, trên dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại của các nước G7, đặc biệt có chính sách kinh doanh hợp lý và một chiến lược ma-két-tinh cụ thể, thương hiệu Ðạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đang ngày càng được nhiều người biết đến và gần gũi với nông dân.

Ðạm Cà Mau ra đời vào thời điểm rất ý nghĩa khi cả nước đang phải đối mặt với bài toán nhập khẩu phân bón, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, nông dân không chỉ không còn lo lắng về tình trạng sốt phân bón, sốt giá hằng năm mà còn hoàn toàn vững tin vào thương hiệu Ðạm Cà Mau bởi chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Với nhiều tính năng nổi trội như phân giải ni-tơ chậm, giúp cây trồng hấp thụ dinh dưỡng hiệu quả, cây trồng khi bón đạm Cà Mau thì xanh bền và tiết kiệm phân bón, ngoài ra cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải và dễ phối trộn... mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Nông dân ÐBSCL đang dần trao gửi trọn niềm tin cho đạm Cà Mau và tin tưởng vào những mùa vụ sản xuất bội thu, hiệu quả trong canh tác.

Tổng Giám đốc PVCFC Lê Mạnh Hùng, chia sẻ: "Trong chiến lược phát triển dài hạn, công ty luôn mong muốn song hành cùng với lợi ích cũng như những khó khăn của bà con nông dân. Trên cơ sở đó, có chính sách bán hàng được xây dựng hướng tới mục tiêu phục vụ, giá cả sản phẩm đạm cạnh tranh, làm hài lòng khách hàng và bà con nông dân. Sản phẩm Ðạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đã và đang tiếp tục đồng hành và cùng chắp cánh cho câu chuyện, mơ ước làm giàu của nông dân trên khắp mọi miền của đất nước.

* Qua hơn một năm vận hành ổn định, an toàn; đến nay Nhà máy đạm Cà Mau đạt sản lượng hơn 800 nghìn tấn sản phẩm và phấn đấu cán mốc một triệu tấn vào tháng 7-2013. Phát huy tối ưu công suất thiết kế 800 nghìn tấn/năm, hiện Nhà máy đạm Cà Mau đạt công suất bình quân hơn 2,3 nghìn tấn đạm/ngày.

* Lợi thế về chất lượng và ưu điểm vượt trội của đạm Cà Mau: Hạt đạm đục, to, dạng viên, chậm tan, dễ phối trộn; giá cả rất cạnh tranh; tiết kiệm và mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực khi sử dụng.

* Thông qua các đối tác và hệ thống đại lý các cấp, Ðạm Cà Mau đã và đang được người tiêu dùng tín nhiệm, tiêu thụ mạnh trên thị trường cả nước, nhất là bà con nông dân tại vựa lúa lớn ÐBSCL.

Lan Anh (Theo Nhân dân)

.
.
.
.