.
.

Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN

Thứ Sáu, 24/05/2013|18:57

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định.

Nội dung trên được đưa ra tại dự thảo Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Bộ Công Thương soạn thảo.

Theo dự thảo, PVN là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; chi phối các công ty con và định hướng hoạt động của các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo quy định.

Tập trung 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Theo dự thảo, sẽ phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao; kinh doanh đa ngành. Trong đó,  tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh là: Thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh chính.

Ngành, nghề kinh doanh chính của PVN là: Nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí, khí hoá than, làm dịch vụ về dầu khí ở trong và ngoài nước; kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu, khí, các nguyên liệu hoá phẩm dầu khí; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm lọc hóa dầu…

Theo dự thảo, tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, PVN có thể bổ sung các ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.

Cũng theo dự thảo, vốn điều lệ của PVN do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Tài chính.

Dự thảo cũng nêu rõ, Nhà nước là chủ sở hữu của PVN. Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với PVN.

Cơ cấu tổ chức quản lý PVN

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của PVN gồm: Hội đồng thành viên; Kiểm soát viên; Tổng giám đốc; các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc; các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trong đó, Hội đồng thành viên PVN có từ 5 - 9 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm.

Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của PVN, điều hành hoạt động hàng ngày của PVN theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên PVN, phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên PVN và trước Pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Tổng giám đốc PVN do Bộ Công Thương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế, ký hợp đồng hoặc ký tiếp hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc PVN là 5 năm.

Theo dự thảo, người lao động có thể tham gia quản lý PVN thông qua: Hội nghị Người lao động; tổ chức Công đoàn PVN và thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của Pháp luật.

Thanh Hoài

.
.
.
.