Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững ngành Than
Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, với những nỗ lực của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động trong toàn Đảng bộ đã tạo nên những thay đổi lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, nhiều đơn vị của Tập đoàn vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Có thể nói, chính sức mạnh của tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" đã giúp TKV ngày càng khẳng định được vị thế của mình về một Tập đoàn kinh tế Nhà nước năng động, trụ cột an ninh năng lượng quốc gia đang tiếp tục phát triển, vươn mình ra tầm khu vực và trên thế giới.
Tạp chí Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trả lời phỏng vấn Tạp chí Đảng ủy Khối. |
PV: Thưa đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối, 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế khu vực và thế giới, song Đảng bộ TKV đã tập trung lãnh đạo đơn vị đạt được kết quả đáng phấn khởi trong phát triển sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng. Đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của Tập đoàn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Nhiệm kỳ qua, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; nền kinh tế đất nước có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp, khó dự báo, tăng trưởng chậm; nhưng với những giải pháp chỉ đạo kiên quyết, phù hợp, Đảng ủy cùng Ban lãnh đạo TKV đã lãnh đạo toàn hệ thống cơ bản hoàn thành các mục tiêu do Đại hội nhiệm kỳ I (2010-2015) đề ra; góp phần kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và Đảng ủy Khối DNTW, Đảng bộ TKV đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động. Tập thể Đảng ủy và Ban lãnh đạo Đảng bộ TKV đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Trong đó, một số chỉ tiêu rất đáng khích lệ, về sản xuất khoáng sản tăng gấp 1,3 đến 3,2 lần; sản xuất điện tăng gấp 4,77 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Tổng mức đầu tư 2011 - 2015 là 112.327 tỷ đồng, bình quân 22.465 tỷ đồng/năm, tăng gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.
Vốn Nhà nước tại Tập đoàn được bảo toàn và phát triển, tốc độ tăng trưởng tài sản bình quân đạt 24,3%/năm. Tổng doanh thu 2011 - 2015 dự kiến đạt 527.878 tỷ đồng ; tổng tài sản năm 2015 dự kiến đạt 183.755 tỷ đồng, tăng gấp 2,23 lần so với năm 2010. Tổng lợi nhuận giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19.413 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 68.817 tỷ đồng, tăng gấp 2,66 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đảm bảo đủ việc làm cho hơn 130.000 lao động, thu nhập bình quân từ 8,2 triệu đến 8,7 triệu đồng/người/tháng.
Đảng bộ Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, góp phần xây dựng TKV thành Tập đoàn kinh tế chủ lực, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước cả về quy mô doanh thu, nộp ngân sách, là tập đoàn đầu ngành về khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, luyện kim, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
PV: Trong giai đoạn tiếp theo, dự báo nhu cầu sử dụng than của nền kinh tế sẽ tăng cao. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, kiện toàn mô hình tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, tổ chức xây dựng Đảng cần được thực hiện như thế nào cho phù hợp với đề án tái cấu trúc TKV, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 thì mục tiêu khai thác than tăng từ 55 triệu tấn năm 2015 lên 65 triệu tấn năm 2020 và 75 triệu tấn năm 2030. Là nhà sản xuất than chính, chiếm trên 90% tổng sản lượng than hàng năm toàn ngành, TKV cần chủ động cung ứng than cho nhu cầu sử dụng đồng thời xây dựng và thực thi chiến lược phát triển ngành than một cách bền vững.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng Đảng bộ Tập đoàn vững mạnh, tập trung lãnh đạo nhằm đạt mục tiêu tiếp tục xây dựng TKV thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, công tác xây dựng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung một số trọng tâm sau:
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Thực hiện tốt các công việc sau Đại hội, xây dựng, triển khai, cụ thể hóa để thực hiện thành công những nội dung Nghị quyết Đại hội đề ra.
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đã kế thừa những nhiệm vụ, công việc giai đoạn 2010-2015. Rà soát, quyết liệt lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, gắn với triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 xác định.
2. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, tổ chức Đảng cần tập trung bàn chuyên đề, ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động khắc phục khó khăn; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt chú trọng lãnh đạo ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; đảm bảo an toàn lao động; tiết giảm chi phí; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp hiện đại… Giữ vững tăng trưởng ổn định, hiệu quả, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ năm cuối kế hoạch 2010-2015, tạo đà cho thực hiện nhiệm vụ năm đầu 2015-2020 từ những tháng cuối năm 2015.
3. Các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh. Coi trọng và tập trung xây dựng Nghị quyết có chất lượng, hiệu quả đối với quy hoạch phát triển, đối với các chiến lược phát triển thị trường, thương hiệu, chiến lược sản phẩm, marketing, chiến lược đầu tư, khoa học công nghệ, chiến lược nguồn nhân lực... và kế hoạch thực thi các chiến lược.
Mỗi đảng viên thực sự tiêu biểu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thi đua, sáng tạo, hiến kế phát triển doanh nghiệp, trước hết tại đơn vị công tác. Tham gia tích cực vào cuộc vận động hiến kế, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước do Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương phát động.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết kịp thời hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy. Phát hiện, tổng hợp, tháo gỡ và đề xuất tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Con người là yếu tố quyết định sự thành công. Cán bộ lãnh đạo, quản trị các cấp có vai trò dẫn dắt người lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, gắn với làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ TKV có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, năng động, nhạy bén trong cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ quản trị cấp cao, vai trò trách nhiệm người đứng đầu.
PV: Ngành than có môi trường làm việc ở nhiều địa phương trong cả nước. Do vậy, công tác chăm lo đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của ngành có vai trò đặc biệt quan trọng. Không chỉ là đội ngũ công nhân kỹ thuật mạnh khỏe, lành nghề, có tác phong công nghiệp; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tri thức kinh doanh hội nhập quốc tế, tư duy sáng tạo, nhạy bén, coi trọng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà còn rất chú trọng đến việc hài hòa với văn hóa địa phương và cộng đồng. Xin đồng chí cho biết ý kiến về vấn đề này?
Đồng chí Bùi Văn Cường: Xây dựng, giữ gìn và phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp có 3 lực lượng lao động cơ bản, giữ vai trò quyết định, đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bao gồm cả các nhà quản trị cấp cao; lực lượng lao động lành nghề; đội ngũ cán bộ, nhân lực khoa học, công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận lao động có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao; có kỹ năng lao động giỏi và có khả năng thích ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất; có sức khỏe và phẩm chất tốt, có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Cán bộ quản trị cấp cao là một bộ phận của nguồn nhân lực chất lượng cao, là người dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân nòng cốt, đóng vai trò quyết định.
Với đặc thù sản xuất kinh doanh của ngành than có địa bàn hoạt động ở nhiều địa phương trên các vùng miền đất nước, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng bộ TKV cần tập trung lãnh đạo, phối hợp thật tốt với lãnh đạo các địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân, tuyển dụng được lực lượng lao động tại chỗ có chất lượng tốt để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Kinh nghiệm cho thấy khi khai thác, sử dụng tốt lực lượng lao động tại chỗ sẽ vừa giúp cho doanh nghiệp có lực lượng lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp; giảm bớt các chi phí liên quan tới sinh hoạt đời sống người lao động; thuận lợi trong giữ gìn an ninh trật tự; huy động kịp thời, đông đảo lực lượng giải quyết khi xảy ra các sự cố; phối hợp tốt hơn với địa phương trong giải quyết công việc; mặt khác, góp phần nâng cao đời sống, mặt bằng chung của nhân dân, tác động tích cực đến chuyển dịch kinh tế, phát huy tiềm năng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ các nhiệm vụ đột xuất của địa phương.
Văn hóa doanh nghiệp là động lực phát triển và là đặc trưng, tài sản, nguồn lực doanh nghiệp, là sự kết hợp giữa môi trường doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp, môi trường lao động và môi trường sống của địa phương. Văn hóa doanh nghiệp làm phong phú thêm văn hóa địa phương và văn hóa địa phương ảnh hưởng sâu sắc, tác động trực tiếp tới môi trường văn hóa doanh nghiệp, nó có mối quan hệ hữu cơ tác động lẫn nhau.
Tập đoàn TKV cần phối hợp chặt chẽ, phát triển hài hòa văn hóa doanh nghiệp với văn hóa địa phương, chắt lọc những điều tốt đẹp trong văn hóa địa phương vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mặt khác lan tỏa tác phong công nghiệp, văn minh công nghiệp tới cộng đồng dân cư nơi danh nghiệp đứng chân. Để phát triển văn hóa hài hòa, doanh nghiệp cần giáo dục lực lượng lao động có đạo đức tốt, lao động giỏi, chấp hành nội quy, quy chế cơ quan, quy định của địa phương; chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, giúp đỡ người dân, tham gia nâng cao dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho địa phương; khám chữa bệnh cho người nghèo; bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, văn hóa cộng đồng địa phương. Các địa phương trong quy hoạch phát triển, trong xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật cần tham khảo ý kiến cộng đồng doanh nghiệp; tạo điều kiện về giao thông, điện đường, trường trạm, cấp thoát nước, an ninh trật tự để các doanh nghiệp phát triển… Như vậy, sẽ tạo sự gần gũi, gắn bó, xây dựng môi trường lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa địa phương gắn với nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thanh Tùng - Lan Hương