Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro với những thành tựu khoa học công nghệ xuất sắc
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập và 30 năm ngày khai thác tấn dầu thô đầu tiên, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vừa tổ chức Hội nghị khoa học và triển lãm “Những thành tựu và sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu của Vietsovpetro”, nhằm nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và áp dụng công nghệ ở Vietsovpetro.
Hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí của Vietsovpetro trong 35 năm qua có ý nghĩa kinh tế - xã hội vô cùng to lớn |
Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài Vietsovpetro qua nhiều thế hệ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc và đề xuất những giải pháp giúp Vietsovpetro vượt qua các khó khăn, thách thức để đạt được các thành công mới.
Tại hội nghị, đã có 21 báo cáo tiêu biểu được trình bày, lựa chọn từ 100 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Vietsovpetro gửi đến ban biên tập. Với nội dung phong phú, từ những kinh nghiệm sản xuất đến các thành tựu khoa học mới nhất trong nghiên cứu của các nhà khoa học về các lĩnh vực từ tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, xây dựng mỏ đến công nghệ khoan, khai thác, thu gom vận chuyển dầu khí, an toàn sức khỏe môi trường và kinh tế mỏ.
Nói về thành tựu 35 năm của Vietsovpetro và vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) đối với sự phát triển của Liên doanh, Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa tóm tắt: “Kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Vietsovpetro đã bắt tay vào công tác nghiên cứu địa chất và xây dựng cơ sở phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Cuối năm 1983, giếng thăm dò đầu tiên được triển khai và giữa năm 1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp ở mỏ Bạch Hổ. Hai năm sau đó, cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 26-6-1986 dòng dầu đầu tiên từ thềm lục địa Việt Nam được khai thác, chính thức mở ra ngành công nghiệp mới - công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Trải qua 35 năm hoạt động liên tục và không ngừng phát triển, khắc phục muôn vàn khó khăn, Vietsovpetro đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn”.
Theo đó, về công tác tìm kiếm - thăm dò, đã tiến hành công tác nghiên cứu địa chất - địa vật lý trên hàng chục Lô hợp đồng, đã tiến hành khoan 91 giếng tìm kiếm, thăm dò và thẩm lượng, phát hiện 7 mỏ dầu khí có giá trị công nghiệp với trữ lượng thu hồi quy dầu trên 285 triệu tấn. Về công tác xây dựng và phát triển mỏ, trên phạm vi Lô 09-1 đã xây dựng một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh phục vụ cho công tác khoan, khai thác, xử lý, thu gom, vận chuyển dầu khí với 4 giàn khoan di động, 2 giàn công nghệ trung tâm, 11 giàn khoan - khai thác cố định và 26 giàn nhẹ. Đã tiến hành xây dựng và đưa vào vận hành hơn 750km đường ống nội mỏ, khoan trên 400 giếng khai thác. Đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 220 triệu tấn dầu, cung cấp vào bờ gần 30 tỉ m3 khí đồng hành.
Hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí của Vietsovpetro trong 35 năm qua có ý nghĩa kinh tế - xã hội vô cùng to lớn, nguồn thu ngoại tệ của Vietsovpetro đã góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đến hết năm 2015 Vietsovpetro đã đạt mức doanh thu từ dầu thô hơn 74 tỉ USD, nộp vào ngân sách Nhà nước trên 46 tỉ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Bên cạnh đó, từ sự phát triển của Vietsovpetro nói riêng và của ngành Dầu khí nói chung đã tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, như khí - điện - đạm, cơ khí chế tạo - lắp ráp, lọc hóa dầu, công nghiệp tàu biển và các dịch vụ dầu khí khác. Trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn 30 năm, công nghiệp dầu khí đã góp phần rất lớn đến việc thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng và cơ cấu kinh tế địa phương.
Trong 35 năm qua, Vietsovpetro đã giải quyết thành công hàng loạt các vấn đề về khoa học công nghệ, có những đóng góp to lớn, quan trọng cho khoa học dầu khí Dầu khí Việt Nam và thế giới. Nhiều công trình khoa học - công nghệ đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cho sự thành công hôm nay của Vietsovpetro và trong tương lai. Trong đó có những công trình tiêu biểu, làm thay đổi căn bản quá trình phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam” đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2011, cùng hàng trăm công trình khoa học - công nghệ khác đã góp phần to lớn vào sự phát triển của ngành Dầu khí nước nhà.
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ghi nhận, biểu dương và cảm ơn đội ngũ nhà khoa học và tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã có những đóng góp to lớn cho ngành Dầu khí nước nhà trong 35 năm qua. Hoạt động KHCN đóng góp to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro nói riêng và Tập đoàn nói chung. 30 năm qua các mỏ vẫn còn được khai thác, có được điều đó nhờ các nhà khoa học, CBCNV Vietsovpetro đã nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc khai thác mỏ. Giai đoạn tới là là thách thức đối với các nhà dầu khi do mỏ ở giai đoạn suy giảm, giá dầu thấp. Tuy nhiên, thuận lợi là đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật có kinh nghiệm chuyên môn, trình độ cao, vì vậy, tổ chức Hội nghị KHCN có ý nghĩa rất quan trọng.
Được biết, công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thành công hệ thống công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu Parafin trong điều kiện đặc thù của các mỏ Vietsovpetro và các mỏ kết nối” được Bộ Công Thương đề xuất với Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2016, đã chính thức được Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh thông qua, phê duyệt. Và công trình thứ hai: “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam” đã được Hội đồng giải thưởng Nhà nước thông qua.
TS Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng đánh giá cao mô hình tổ chức nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ của Vietsovpetro với hạt nhân là Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế Dầu khí biển (Viện NIPI) kết hợp với các phòng ban chức năng của bộ máy điều hành và các đơn vị sản xuất. Mô hình này đã tạo ra hiệu quả to lớn cho hoạt động của Vietsovpetro bắt đầu từ việc hoạch định chiến lược phát triển, đánh giá tiềm năng tài nguyên, lập các kế hoạch thăm dò - xây dựng mỏ - khai thác mỏ trong dài hạn, ngắn hạn cho đến nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ, sáng kiến - sáng chế, nâng cao năng suất lao động trong tất cả các khâu hoạt động của đơn vị.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, khi sản lượng dầu các mỏ đã qua thời kỳ khai thác đỉnh, suy giảm nhanh; các khu vực triển vọng trong vùng hoạt động còn ít tiềm năng; giá dầu đã giảm sâu và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, hoạt động thăm dò và khai thác của Vietsovpetro sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Vietsovpetro xác định công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ mới là một trong những yếu tố nền tảng, then chốt để vượt qua các khó khăn, thách thức, hoạt động ổn định, phát triển bền vững.
P.V