Cơ cấu lại đội tàu biển Vinalines
Tại buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về việc sắp xếp, đổi mới Tổng công ty diễn ra ngày 8/2/2012 tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, tái cơ cấu toàn diện, triệt để đối với Vinalines.
Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết sau khi hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, Vinalines sẽ thu gọn đáng kể các đầu mối doanh nghiệp, từ 88 đầu mối xuống còn 61, gồm 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 34 Công ty con, 15 công ty liên kết và 4 doanh nghiệp có vốn góp.
Vinalines sẽ tiến hành thoái vốn tại các công ty có ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và các đơn vị có tỷ lệ vốn góp thấp, ít hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty.
Vinalines cũng sẽ tiến hành xây dựng đề án rà soát tổng thể để có phương án chuyển nhượng, bán thanh lý một số con tàu hoạt động không hiệu quả để cơ cấu lại đội tàu biển theo hướng trẻ hóa và chuyển đổi loại tàu, tải trọng để phù hợp với nhu cầu vận chuyển hiện tại cũng như tương lai. Đối với việc cơ cấu lại các khoản nợ, Vinalines sẽ lập danh mục các khoản nợ phải trả, phân loại từng đối tượng cho vay, thời hạn vay song song với việc tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài để thực hiện cơ cấu lại.
Dự kiến, Tổng công ty sẽ cần khoảng hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm được giao trong giai đoạn đến năm 2015 gồm Dự án cảng quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ Lạch Huyện, chương trình 32 tàu, 20 tàu. Ông Việt cho rằng, với các giải pháp trên, Vinalines sẽ chủ động được nguồn vốn kinh doanh đội tàu cũng như đảm bảo một phần vốn tự có để làm vốn đối ứng cho các dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết về sắp xếp, đổi mới lại Vinalines, Ban đổi mới doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào việc tái cơ cấu, sắp xếp các đơn vị không thuộc mảng kinh doanh chính, trước hết là giảm 27 đầu mối.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Vinalines phải tập trung phát triển các ngành nghề kinh doanh chính là vận tải biển (đẩy mạnh vận tải viễn dương, làm chủ vận tải nội địa), đầu tư và khai thác cảng biển.
Thứ trưởng khẳng định Vinalines đã đầu tư nhiều cảng lớn, nhưng đầu tư trong nước chưa nhiều, vừa khởi động thì đã rơi vào khủng hoảng như Vân Phong, Lạch Huyện, Ba Ngòi, Cái Cui. Các cảng liên doanh thì lỗ. Do vậy, Thứ trưởng lưu ý về đầu tư, Vinalines phải làm ra tấm ra món. Ngoài Cái Mép Thị Vải, thì tập trung vào Hải Phòng, Cái Lân, Vân Phong. Đối với các đơn vị của Vinashin chuyển sang, Thứ trưởng cho rằng Vinalines cần xây dựng đề án riêng, gắn với Vinashin, từ đó xin cơ chế riêng, có quá trình thực hiện trong vòng từ 3 – 5 năm.
(Vinalines: Tái cơ cấu phải toàn diện, triệt để - Báo Giao thông vận tải ngày 8/2)