.
.

Các giải pháp xúc tiến thương mại nhằm duy trì và phát triển thị trường đóng tàu

Thứ Ba, 03/04/2012|08:41

Năm vừa qua, mặc dù toàn Tập đoàn Vinashin đã có nhiều nỗ lực và cố gắng để duy trì nhịp độ sản xuất và kinh doanh theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên do vừa phải triển khai nhiệm vụ sản xuất vừa phải thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ vay đến hạn trong và ngoài nước, nên hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đều gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sản xuất và huy động nguồn vốn phục vụ sản xuất. Thêm vào đó, thị trường vận tải biển và đóng tàu vẫn chưa phục hồi, do đó việc ký kết thêm được các hợp đồng đóng mới là nhiệm vụ hết sức nặng nề của bộ phận xúc tiến thương mại trong toàn Tập đoàn.

Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến phát biểu tại Hội thảo về đóng tàu trong khuôn khổ Vietship 2012
Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến phát biểu tại Hội thảo về đóng tàu trong khuôn khổ Vietship 2012
Vinashin đang phải đối mặt với thực tế là không đủ sức cạnh tranh về giá đặc biệt là so với Trung Quốc và các nước khác, không đủ mạnh cạnh tranh về chất lượng so với Nhật Bản, Hàn Quốc, không đủ độ tin cậy về thời gian giao tàu và khả năng đảm bảo tài chính cho các dự án,... Đối với các khách hàng trong nước, vấn đề vướng mắc nhất là nguồn tài chính, nhiều chủ tàu đã ký hợp đồng mà không có nguồn để triển khai, do vậy tiến độ đóng tàu không được đảm bảo... Việc đẩy mạnh công tác thị trường, hợp lý hoá sản xuất - giảm giá thành, rút ngắn tiến độ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm tàu biển Việt Nam sẽ góp phần để Tập đoàn Vinashin có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và sẵn sàng đón bắt thị trường khi thị trường đóng tàu thế giới hồi phục.

Để có thể giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh trong chào giá đóng tàu so với các nhà máy đóng tàu trên thế giới, các đơn vị phải nghiên cứu rà soát lại cơ cấu tính toán giá thành trên cơ sở đó đưa ra được một cơ cấu giá thành hợp lý với các chi phí có tính cạnh tranh, cụ thể như sau:

 Chi phí thiết kế: Thông thường tại các nhà máy đóng tàu trên thế giới phần thiết kế công nghệ và thi công do Nhà máy đảm nhận và chi phí này nằm trong chi phí nhân công sản xuất. Các nhà máy chúng ta thường phải mua ngoài với giá thành khoảng 300,000USD-400,000USD/tàu. Nếu các Nhà máy phối hợp với Viện khoa học công nghệ tàu thủy sẽ đảm nhận được phần thiết kế công nghệ, coi đó là một phần chi phí nhân công, thì sẽ giảm đáng kể chi phí  này trong cơ cấu giá thành.

Chi phí vật tư, thiết bị: Thông thường chi phí này chiếm tới 60 - 70% tổng cơ cấu giá thành, do vậy, nếu quản lý không chặt chẽ công tác mua sắm đầu vào thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ cấu giá thành đóng mới. Trước mắt khi vẫn chưa chủ động được nhiều trong việc nội địa hóa sản xuất vật tư thiết bị đóng tàu thì việc yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý mua sắm mà Tập đoàn đã ban hành và quản lý góp phần làm cho toàn Tập đoàn kiểm soát được chi phí mua sắm này, làm cho giá thành mỗi sản phẩm hợp lý, tăng tính cạnh tranh của giá tàu.

Chi phí khấu hao tài sản cố định: Trong xu thế khủng hoảng thị trường hiện nay, để có thể cạnh tranh, trước mắt, ngoài việc phải cố gắng giảm tối đa các chi phí trực tiếp chúng ta phải xem xét khả năng giãn/giảm các chi phí gián tiếp đến mức thấp nhất có thể để cạnh tranh, lấy được hợp đồng về. Một mặt, để giảm chi phí khấu hao, một trong các giải pháp là tăng ca, tăng thời gian và hiệu suất khai thác tài sản cố định, sử dụng hợp lý và triệt để các tài sản hiện có, bao gồm cả điều chuyển, bán bớt những gì không cần thiết, cho thuê để tận dụng thời gian khai thác tài sản,... đề xuất xin cơ chế cho phép các đơn vị giãn/ giảm chi phí khấu hao; chi phí này sẽ được tính tăng hợp lý khi thị trường hồi phục.

Chi phí nhân công: Mặc dù chi phí trả lương lao động của chúng ta còn thấp, tuy nhiên do năng suất thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, hay phải làm đi làm lại, tổ chức sản xuất không hợp lý, kém hiệu quả,... dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, nên dù lương thấp nhưng chi phí nhân công trong cơ cấu giá thành vẫn thường được xây dựng và thực hiện rất cao. Phải có giải pháp tổ chức quản lý lại sản xuất, ngay từ khâu lập và kiểm soát kế hoạch sản xuất. Nâng cao tay nghề và tăng cường  giám sát để giảm chi phí nhân công cho việc làm đi làm lại. Tăng năng suất lao động, giảm thời gian thi công, tăng lương cho công nhân nhưng về tổng thể phải giảm chi phí nhân công nói chung trong giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Chi phí tài chính và các chi phí khác: Cũng như chi phí nhân công, chi phí tài chính và các chi phí khác bao gồm lãi vay, chi phí bảo lãnh và các chi phí như quản lý, điện năng, bảo hiểm, đăng kiểm,... cũng được xây dựng rất cao vì không chủ động được tiến độ thi công sản phẩm nên khi tính toán giá thành thường đưa dự phòng quá lớn, thường tiến độ dài gấp 2-3 lần so với các nhà máy trên thế giới và trong khu vực. Các mốc tiến độ trong thực tế liên tục bị đẩy lùi, dòng tiền không được đảm bảo sẽ làm dự án bị đình trệ, kéo dài, dẫn đến chi phí như lưu kho lưu bãi, bảo hiểm, đăng kiểm,... cũng bị tăng theo, dẫn đến vượt dự toán, gây lỗ, do vậy, khi tính toán giá thành các đơn vị thường tính các chi phí này cao để dự phòng. Do đó các đơn vị phải có giải pháp cải tiến tổ chức, quản lý sản xuất cũng như quản trị dòng tiền để giảm bớt các chi phí phát sinh ngoài dự toán.

Thời gian qua chúng ta quá phụ thuộc vào thiết kế từ nước ngoài nên sau khi ký hợp đồng đóng mới chúng ta mới tiến hành ký hợp đồng thiết kế, thông thường toàn bộ công tác chuẩn bị thiết kế cũng đã mất khoảng 6 tháng. Công việc này triển khai chậm dẫn tới công tác chuẩn bị sản xuất cũng chậm theo. Do vậy đối với các nhà máy lớn, bắt buộc phải xây dựng và tổ chức phòng thiết kế để thực hiện phần thiết kế thi công, thiết kế công nghệ và thiết kế hoàn công, phù hợp với điều kiện trang bị kỹ thuật của từng đơn vị.

Cải tiến công tác chuẩn bị sản xuất: Phải đưa vào tiêu chuẩn hoá, đảm bảo quá trình chuẩn bị sản xuất được thực hiện khoa học và đồng bộ. Nếu chuẩn bị tốt về mọi mặt từ mặt bằng thi công, triền, đà, ụ, phân xưởng cho sản xuất, thiết kế, vật tư thiết bị đóng tàu, chuẩn bị đội ngũ thợ cần thiết cho từng giai đoạn thi công, hạn chế các phát sinh do không được dự báo và chuẩn bị trước để rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm được chi phí cho vốn vay, giữ đúng tiến độ giao tàu, tạo lòng tin cho chủ tàu.

Cải tiến công tác cung ứng vật tư, thiết bị: Cần đưa công tác này một mặt đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thật và hạn chế đến mức thấp nhất những phát sinh làm chậm tiến độ cung cấp vật tư dẫn đến chậm tiến độ sản xuất. Mặt khác hạn chế việc cung cấp cấp vật tư quá sớm so với tiến độ dẫn đến việc chiếm dụng chi phí tài chính của dự án, gây lãng phí. Như vậy, nên giao quyền chủ động vật tư cho các đơn vị trên cơ sở kiểm soát bằng các Quy chế, Quy trình mua sắm thông qua đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, thẩm định, phê duyệt mua sắm vật tư thiết bị chính và giá trị lớn, kết hợp kiểm soát chi phí và tiến độ theo dự  toán trên cơ sở định mức được Tập đoàn phê duyệt. Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ lựa chọn được nhà cung cấp tối ưu về giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện giao hàng, đồng thời đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý.

Đơn vị cần xây dựng tiến độ mua sắm tổng thể sát với tiến độ sản xuất kinh doanh và thường xuyên cập nhật tiến độ mua sắm khi có thay đổi tiến độ sản xuất. Như vậy hàng hóa nhập về mới đáp ứng tiến độ sản xuất.

Tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất: Với phương châm tiết kiệm thời gian là tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cường các biện pháp tăng năng suất lao động như làm ca, khoán sản phẩm,… qua đó tiết kiệm được cho sản xuất như năng lượng, khấu hao, rút ngắn thời gian thi công. Do đó cần:

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các đơn vị thành viên, có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại công tác tổ chức quản lý sản xuất cho các cán bộ quản lý các cấp, áp dụng tin học vào quản lý, sản xuất để có thể quản lý được mọi công đoạn theo quy chuẩn thống nhất, tập trung.

- Đẩy mạnh công tác tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, chủ động tổ chức làm việc 2 hoặc 3 ca để khai thác tối đa mọi nguồn lực và nâng cao năng suất lao động.

- Cơ quan Tập đoàn tăng cường quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của các đơn

Cải tiến công tác xúc tiến bán hàng: Xây dựng bộ hồ sơ,  tài liệu về các sản phẩm để  những khách hàng có tiềm năng,  có điều kiện cập nhật thông tin sản phẩm mà thị trường yêu cầu, từ đó mới có được sự phản hồi tích cực từ phía thị trường và có thể nắm bắt được nhu cầu ngành hàng trên thị trường.

- Tập đoàn cần xây dựng và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất của các đơn vị thành viên, đồng thời phải theo sát tình hình sản xuất của các nền công nghiệp đóng tàu trong khu vực. Trên cơ sở đó các đơn vị xây dựng dự toán sát với thị trường và năng lực sản xuất.

- Chủ động hơn nữa trong công tác chuẩn bị thiết kế, chủ động xúc tiến sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh hơn khi dựa vào thiết kế do chủ tàu/môi giới đưa đến.

-  Phối hợp tốt hơn nữa giữa Tập đoàn và các đơn vị cũng như giữa các đơn vị để tránh bị cạnh tranh nội bộ, bị chủ tàu dìm giá và tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn Tập đoàn về thị trường, đồng thời  tạo cơ chế để Tập đoàn có thể kiểm soát, điều tiết được công tác thị trường.

- Đối với thị trường xuất khẩu bao gồm các chủ tàu Châu Âu và một số chủ tàu Châu Á, Vinashin sẽ chú trọng tập trung hoạt động marketing, xúc tiến bán hàng vào các loại tàu chuyên dụng như tàu chở xi măng, tàu chở dầu sản phẩm, tàu công tác, tàu LPG cỡ nhỏ, tàu chở khí ethylene, chở nhựa đường, các loại sà lan công trình, tàu kéo, tàu hàng cỡ nhỏ...

- Giữ mối quan hệ với các khách hàng truyền thống để lập kế hoạch cho các gam tàu mới khi có yêu cầu từ các chủ tàu này.

 

KDTM Vinashin

.
.
.
.