Đóng tàu Việt Nam: thị trường tương lai cơ hội và thách thức
Cơ hội ít hơn và chia đều cho tất cả các hãng đóng tàu trên thế giới. Phương án thiết kế những con tàu phù hợp với môi trường xanh và tiết kiệm là xu hướng tất yếu. Nhiều chuyên gia đến từ các nước có ngành công nghiệp đóng tàu lớn trên thế giới như Nauy, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhận định, ngành đóng tàu thế giới vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cung vượt cầu, ít nhất là đến năm 2014.
Sản phẩm tàu xuất khẩu được đóng mới tại đơn vị của Vinashin |
Giá vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giảm; Giá tàu đóng mới giảm, hiện tượng hủy hợp đồng, giãn thời gian giao tàu vẫn là hiện tượng phổ biến; Số lượng đơn đặt hàng đóng mới, nhất là các loại tàu thông dụng như tàu chở hàng rời, tàu chở dầu, tàu chở container tiếp tục suy giảm; Các hãng đóng tàu phải đối mặt với tình hình cạnh tranh rất gay gắt, đối mặt với các áp lực tái cấu trúc và sự thay đổi thân thiện với môi trường của các công ước hàng hải thế giới. Xu hướng vận động của thị trường thế giới, với sự mất cân bằng cung - cầu cũng tạo ra những thách thức nhưng đồng thời cũng đưa ra những cơ hội mới cho ngành đóng tàu. Đây là những vấn đề được các chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và vận tải thế giới chia sẻ tại Hội thảo Thị trường tương lai - Cơ hội và thách thức trong khuôn khổ Vietship 2012.
Theo ông Andrew Westwood - Phó Chủ tịch, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (DNV), tình trạng dư thừa sẽ vẫn còn tiếp diễn khoảng 3-4 năm nữa bởi khối lượng tàu của một số nước đã quá tải; Các đơn hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục giảm; là những thách thức không nhỏ tới sự phát triển của ngành đóng tàu thế giới, và Việt Nam không là ngoại lệ.
Mặt khác, với yêu cầu ngày càng cao về năng lượng sẽ thúc đẩy thị trường vận tải biển và những con tàu chở dầu ở những vùng sâu hơn, xa hơn. Các nước sử dụng than, dầu đều tăng lên. Cùng với đó, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo cũng ngày càng được quan tâm… Tất cả những điều đó cho thấy cả cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp đóng tàu. “Thị trường tàu chở dầu sẽ có cơ hội. Cùng với chi phí sử dụng để khai thác dầu ngày càng tốn kém hơn thì cũng cần những con tàu chở dầu ở những giếng dầu mới, với dự báo sẽ tăng từ 150 tỷ - 170 tỷ USD trong những năm tới… Tuy nhiên sẽ đòi hỏi về công nghệ khó. Các nhà đóng tàu cần cải tiến trong đóng tàu trước những thách thức tăng giá nhiên liệu, những quy định về môi trường, chi phí vận hành…” - ông Andrew Westwood cho hay.
Cùng quan điểm này, ông Young-Bock You, Giám đốc điều hành Komac cho rằng, hiện tại thế giới đang đối mặt với 3 hiểm họa: không đủ năng lượng, mức giá đắt đỏ và hủy hoại môi trường do tiêu thụ năng lượng phát triển. Cùng với đó, có 3 vấn đề lớn đang là mối quan tâm của ngành công nghiệp tàu thủy trong phạm vi toàn cầu, đó là mọi thứ giá cả đều tăng lên, chủ tàu khó khăn và ngày càng gia tăng sức ép đối với môi trường.
Giải pháp tất yếu chính là làm sao để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Kinh nghiệm của một số công ty đóng tàu lớn trên thế giới cho thấy, họ sử dụng năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo để tiết kiệm nhiên liệu… “Phải tính đến những quy định về bảo vệ môi trường. Thiết kế cần quan tâm vào lĩnh vực công nghệ thân thiện môi trường, tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn” - ông Young-Bock You chia sẻ.
Vinashin đã có thương hiệu trong ngành đóng tàu thế giới. Các bạn cũng đang nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình ở trong nước. Thị trường cũng đang có những bước chuyển mình, tương lai, cơ hội là rất lớn. Chúng ta cần lưu ý, ngay từ khâu thiết kế ban đầu, công tác tiết kiệm, hiệu quả chi phí đóng vai trò quan trọng. Việc tiết kiệm được tính từ mỗi đồng USD để tăng sức cạnh tranh cũng là vấn đề đáng lưu ý.
“Nhìn sang phía bạn Trung Quốc, quy mô của các doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam không lớn như các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, Vinashin cũng có những lợi thế riêng. Có nhiều ánh sáng ở phía cuối đường hầm” - ông Young-Bock You quả quyết.
Ông Nguyễn Quốc ánh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin cũng cho rằng, các chủ tàu, đối tác, nhà đóng tàu nước ngoài đánh giá cao về kỹ thuật đóng tàu của Việt Nam và rất quan tâm tới việc phát triển bền vững của ngành đóng tàu Việt Nam. Sự phục hồi của ngành đóng tàu sẽ chỉ đến khi được tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị trong sản xuất. Đồng thời, phải có sự hợp tác để đưa ra được những dòng sản phẩm mới hiện đại nhưng lại phải kinh tế và thân thiện với môi trường.
“Tương lai ngành đóng tàu Việt Nam là tốt đẹp. Tất nhiên nó không đến với ai chờ nó mà phải có sự cố gắng rất lớn. Và cạnh tranh trong ngành đóng tàu là một sự cạnh tranh khốc liệt nhất. Tuy nhiên, chúng ta có chiến lược marketing phù hợp và có tái cấu trúc phù hợp để khai thác tất cả các thế mạnh của ta. Ví dụ, chúng ta đi vào dòng tàu Hitech, dòng tàu khó.. bởi lao động của chúng ta không chỉ trẻ, được đào tạo bài bản mà đặc biệt là rất khéo tay. Điều này đã được các chủ tàu nước ngoài đánh giá cao. Tóm lại ngành đóng tàu Việt Nam sẽ có tương lai nếu đặt ưu tiên phù hợp cho nó, có định hướng thị trường đúng. ở đây, theo tôi nên đi vào thị phần mà có sức cạnh tranh ít hơn. Như tập trung vào dòng tàu công nghệ cao như tàu RORO, tàu chở dầu sản phẩm, tàu chở hóa chất loại nhỏ” - ông Nguyễn Quốc ánh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn nhận định.
Thực tế là thời gian qua Vinashin đã từng đóng thành công và bàn giao nhiều con tàu khó. Năm 2010, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã từng đóng và bàn giao tàu chở ô tô 4.900 xe - là một trong những con tàu đỉnh cao của kỹ thuật đóng tàu trên thế giới. Hay việc Nhà máy đóng tàu Phà Rừng đóng thành công seri tàu chở hàng rời 34.000 tấn vỏ kép với mức độ tự động cao, đăng kiểm quốc tế DNV - Na Uy giám sát, được tạp chí Ship&Shipping - 1 tạp chí danh tiếng của thế giới bình chọn là 1 trong 12 con tàu tốt nhất trong năm 2010.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CNTT Phà Rừng cho rằng, cơ hội ít hơn nhưng lại chia đều cho tất cả các hãng đóng tàu trên thế giới. Và phương án thiết kế những con tàu phù hợp với môi trường xanh và tiết kiệm là xu hướng tất yếu. Năng lực của Phà Rừng hoàn toàn có thể đóng được nhiều loại tàu khó.
Theo ông Đạt thì quan trọng là lựa chọn được thiết kế tốt, phù hợp với nhu cầu khách hàng, có quá trình triển khai tốt, kiểm soát thật tốt chất lượng. Công tác tiết kiệm cũng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp và cũng trở thành lợi thế cạnh tranh trong chính sản phẩm.
“Về công tác tiết kiệm thì tôi có thể khái quát thành 2 nhóm: thứ nhất là phải tiết kiệm trong sản xuất, tập trung vào việc kiểm soát kế hoạch. Cuối cùng là làm sao để cho giá tàu thấp hơn. Thứ 2 là tiết kiệm ngay từ việc thiết kế để sao cho khi khách hàng sử dụng sản phẩm tàu của mình họ có thể tiết kiệm được các chi phí. Có như vậy mới tạo ra sự hấp dẫn cho khách hàng khi mua sản phẩm của mình, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm” - ông Đạt nói.
Làm sao để lựa chọn được thiết kế tốt, phù hợp với nhu cầu khách hàng, có quá trình triển khai tốt, kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo tiến độ giao hàng và giá cả phù hợp? Đa số các chuyên gia, chủ tàu lớn trên thế giới đều cho rằng, Việt Nam nên tận dụng lợi thế nhân công ở cả 2 góc độ: giá rẻ và có kỹ thuật, tay nghề khéo léo để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Ngọc Quỳnh