Tết không nghỉ trên công trường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Chúng tôi trở lại công trường xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào những ngày cuối cùng của năm 2012. Không khí nghỉ Tết 2013 rộn ràng, náo nức trên mọi nẻo đường, nhưng ở công trường này dường như không có ngày nghỉ.
Ghi nhanh của Hồ Thu Thủy
Theo đại diện chủ đầu tư, tiến độ thi công trên công trường của các gói thầu đã đạt từ 24-60% |
Trò chuyện với các kỹ sư, chuyên gia của Chủ đầu tư (Vidifi), các nhà thầu thi công cũng như Tư vấn giám sát trên công trường, chúng tôi được biết, đã có hơn 3.000 công nhân với trên 400 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đã và đang làm việc tại công trường này. Ngày cao điểm có gần 1.500 người làm việc, hiện nay ở nhiều gói thầu công nhân và các chuyên gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam vẫn làm việc liên tục ba ca không nghỉ. Tất cả đều đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, lấy lại thời gian đã bị chậm vì giải phóng mặt bằng, vì xử lý nền đất yếu, quyết tâm thông xe đoạn tuyến qua Tp. Hải Phòng vào cuối năm 2014 và toàn dự án vào cuối năm 2015.
Giám đốc Công ty Sơn Đông vui mừng thông báo gói thầu EX8 sẽ về trước tiến độ |
Ghi nhận của chúng tôi, sau một ngày thị sát công trường từ điểm đầu đến đến cuối, từ gói thầu EX1- EX10 với chiều dài toàn tuyến 105,5km, đi qua 4 tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng là không khí làm việc rất khẩn trương. Một đại công trường với nền đường đắp rộng tới 33m cho 6 làn xe, khối lượng đất đào đắp khổng lồ, nhưng không phải bằng sức người mà chủ yếu là máy móc thi công. Và ở đây, chúng tôi đã chứng kiến trạm trộn bê tông lớn nhất hoạt động với nhiều máy móc thiết bị hiện đại lần đầu tiên được đưa vào thi công đường cao tốc.
Công trường như một bức tranh sinh động với nhiều loại máy móc thiết bị mới |
Trước ống kính phóng viên, những đoàn xe nối đuôi nhau tải cát trên những con đường công vụ gập ghềnh uốn khúc. Nhiều cầu vượt với hệ thống dàn giáo cốp pha, bê tông ken đặc xen giữa những ánh lửa hàn đẹp như pháo hoa trên công trường cho dù thời tiết mùa đông có phần giá rét… Nhiều kỹ sư, chuyên gia người Hàn Quốc, Trung Quốc và tư vấn giám sát người Mỹ như ông Poserph Kuck tại EX7 đều rất vui vì những phần công việc nặng nhọc nhất như công tác giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu của gói thầu đã đi qua. Những dàn giáo giờ đã vươn cao, nhiều cầu đã lao dầm, hai cầu lớn nhất dự án như cầu Thanh An (EX7), Lạch Tray (EX10) đã cơ bản hoàn thành những phần việc khó nhất của kết cấu phần dưới… Tất cả những hình ảnh và âm thanh trên công trường đã đem đến cho chủ và khách niềm vui rạng ngời trong ngày cuối cùng của năm 2012.
Công trường xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày cuối năm như một bức tranh sinh động. Bao trùm lên tất cả là không khí làm việc hối hả, khẩn trương vì tầm quan trọng của dự án, vì đích thông xe vào cuối năm 2014 với hơn 30km đoạn ở Hải Phòng và cuối năm 2015 với toàn dự án.
Được biết, không chỉ lo đến tiến độ, công tác quản lý chất lượng công trình được Chủ đầu tư đặc biệt chú trọng, bởi đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên hiện đại nhất ở Việt Nam được xây dựng với mô hình đặc thù hoàn toàn mới. Chính vì vậy, Chủ đầu tư đã thành lập Ban quản lý dự án và thuê tư vấn giám sát nước ngoài thực hiện công tác giám sát thi công. Một hệ thống quản lý chất lượng được thiết lập từ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát... chủ đầu tư để kiểm soát chất lượng công trình tốt nhất.
Trụ cầu Thanh An đã vươn cao |
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI), sau gần 4 năm kể từ ngày khởi công, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã xong cơ bản, 9/10 gói thầu đã triển khai thi công. Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thực hiện theo hình thức BOT, không được sử dụng vốn Nhà nước. VIDIFI đã tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố để đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập quy hoạch các khu đô thị và khu công nghiệp theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án Đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để đầu tư, thu hồi vốn.
Gặp chúng tôi trên công trường, ông Li Hong Wei (người Trung Quốc) - Giám đốc chất lượng tại gói thàu EX3 cho biết, ông đã sang đây 2 năm, đã làm quen với công việc và khí hậu ở Việt Nam. Vì tiến độ của dự án, Tết này ông không về nước mà ở lại công trường cùng anh chị em công nhân. Theo ông Li Hong Wei, công việc khó khăn nhất hiện nay là tập trung xử lý nền đất lún. Trong khi chờ đợi đơn vị đang tập trung thi công cầu vượt. Tết Dương lịch công trường sẽ không nghỉ, Tết Âm lịch sẽ chỉ bố trí cho công nhân nghỉ một ngày, tất cả vì tiến độ của gói thầu.
Trụ cầu Lạch Tray đẹp như một bức tranh cuối mùa đông |
Tại gói thầu EX4, địa phận Hải Dương, ông Lee Moon Hee - Giám đốc dự án cho biết, gói thầu EX 4 dài 15km có thời hạn thi công 36 tháng, là gói thầu khởi công mới được 15 tháng, mặc dù giai đoạn đầu công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, cũng như công tác xử lý nền đất yếu phức tạp nhưng hiện nay tiến độ đạt được 26%. Tuy nhiên, trên công trường của gói thầu cũng không có chuyện nghỉ Tết trên công trường, bù lại đơn vị rất quan tâm đến điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động.
Tại gói thầu EX4, địa phận Hải Dương, ông Lee Moon Hee - Giám đốc dự án cho biết, trên công trường không có chuyện nghỉ Tết |
Tại cầu Thanh An thuộc gói thầu EX 7, ông Kim Hyo Seok - Giám đốc dự án cho biết: Tại đây lúc cao điểm có 400 công nhân với 8 chuyên gia Hàn Quốc làm việc liên tục 3 ca trên công trường. Tiến độ hiện đã đạt 52%, chỉ còn chậm khoảng 2% so với yêu cầu. Ông cho biết, tại gói thầu này nhiều công nghệ mới như PVD, SCP, SD được áp dụng. Đặc biệt là công nghệ SCP - cọc cát đầm chặt. Riêng công việc xử lý nền đường ở gói thầu này đã đạt được 80%, nhiều trụ cầu của cầu Thanh An đã lên cao, hai đầu cầu đã chuẩn bị lao dầm.
Hơn 2 km đoạn qua Hải Phòng đang trải lớp ATP |
Ở gói thầu EX9, kỹ sư trẻ Hoàng Minh Đức, đại diện của đơn vị tư vấn giám sát đùa vui: Chị thấy đấy, Công ty TNHH Tập đoàn cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) trúng thầu cả gói thầu EX8+EX 9. Họ làm việc rất cần mẫn, cộng với thiết bị máy móc được đưa từ Trung Quốc sang khá đầy đủ, nên tiến độ công việc rất đảm bảo. Hiện nay đoạn hoàn thành xong sớm nhất trên tuyến, địa phận Hải Phòng đã trải lớp ATP rất đẹp, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của dự án. Trạm trộn bê tông hiện đại với công suất lớn trên 300 tấn/h hoạt động liên tục. Nếu cứ tiến độ này, đây sẽ là gói thầu về đích sớm nhất, sớm hơn cả yêu cầu. Theo ông Wang Yu Chi, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn cầu đường Sơn Đông, họ sẽ hoàn thành gói thầu EX9 đầu tiên trên địa phận Hải Phòng vào cuối năm 2013.
Cầu Lạch Tray chuẩn bị lao nhịp |
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án trọng điểm của ngành GTVT và hiện đang giữ nhiều kỷ lục. Đây là lần đầu tiên có một con đường cao tốc hiện đại, quy mô lớn được đầu tư theo hình thức BOT, do ngân hàng làm chủ đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước nhỏ hơn 30% tổng mức đầu tư, đồng thời cũng là con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức khép kín, 2 bên có hệ thống đường gom kết nối với các đường địa phương và 2 dải cây xanh. Phạm vi GPMB là 100m chiều rộng, trong đó mặt cắt ngang mặt đường chính tuyến rộng 33m, tổng chiều dài tuyến 105,5km.
Ông Poserph Kuck, Tư vấn giám sát người Mỹ có mặt trên công trường |
Mới đây, đi kiểm tra tiến độ công trình, Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng đã yêu cầu các nhà thầu huy động thêm máy móc, thiết bị nhân vật lực để khẩn trương thi công tận dụng thời tiết thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bộ GTVT cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành công trình giao thông quan trọng này đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Chia tay anh chị em công nhân cũng như các kỹ sư, chuyên gia trên công trường vào ngày cuối cùng của năm cũ, chúng tôi tin rằng với quyết tâm cao của chủ đầu tư (Vidifi) và các nhà thầu, tư vấn giám sát, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Xuân dường như đến sớm hơn trên công trường này, bởi ở nơi đây nhiều chuyên gia và công nhân sẽ đón Tết ngay trên công trường...
Đây là công trường có khối lượng vật liệu đắp lớn nhất |
Đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức khép kín, 2 bên có hệ thống đường gom kết nối với các đường địa phương và 2 dải cây xanh. Phạm vi GPMB là 100m chiều rộng, trong đó mặt cắt ngang mặt đường chính tuyến rộng 33m, tổng chiều dài tuyến 105,5km. Dự án đi qua 04 tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu Dự án bắt đầu từ đường Vành đai III của thành phố Hà Nội, cách mố cầu Thanh Trì khoảng 1.025m. Điểm cuối Dự án kết thúc tại đập Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. |
H.T.T
Theo GTVT