Tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp là vấn đề sống còn
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại Hội nghị đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ GTVT diễn ra sáng 27/3/2013 tại Hà Nội.
Đi đầu trong tái cơ cấu, ĐMDN
Ông Nguyễn Chiến Thắng – Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết trong năm 2012, Bộ GTVT đã tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN, TCT Hàng hải VN, Đường sắt VN, Hàng không VN. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 12 TCT gồm TCT Công nghiệp ô tô VN, TCT XDCTGT 1, 4, 5, 6, 8; TCT Xây dựng Thăng Long; TCT Xây dựng đường thủy, TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, TCT Vận tải thủy, TCT Quản lý bay VN, TCT Tư vấn thiết kế GTVT.
Về công tác CPH, trong năm 2012, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án CPH Công ty Nạo vét đường thủy 2 thuộc TCT Xây dựng đường thủy; Công ty XD Công trình 136 và Công ty Đường 126 thuộc TCT Xây dựng CTGT 1; thành lập Ban chỉ đạo CPH, tiến hành xác định giá trị DN để CPH đối với 27 DN gồm Công ty Vận tải và xếp dỡ đường thủy; 04 DN thuộc TCT Xây dựng CTGT 8 và 22 DN thuộc lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ được chuyển từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các TCT Xây dựng CTGT 1, 4, 5, 6.
Tính đến hết 31/12/2012, Bộ GTVT có 88 DN 100% vốn nhà nước. Trong số này, có 4 DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, các TCT Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam và Đường sắt Việt Nam); 84 DN do Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thành lập (gồm 16 TCT hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. 5 công ty mẹ là công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu, 59 công ty do các Công ty mẹ - TCT sở hữu 100% vốn điều lệ, 3 công ty thuộc các trường Đại học; 5 công ty thuộc Bộ và 1 công ty thuộc Cục HHVN. Ngoài ra còn có 01 TCT CP mà Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN là TCT CP Đường sông miền Nam. |
Khẳng định tính cấp thiết của việc thực hiện tái cơ cấu, đổi mới DN, ông Đoàn Hùng Viện - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Chính phủ cũng nhấn mạnh Bộ GTVT là một trong những bộ đi đầu trong tái cơ cấu. "Trước đây, Bộ có 401 DN, giờ chỉ có 88 DN. Đây là một con số rất ấn tượng. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt danh sách CPH 10 TCT mẹ trong năm nay, điều này thể hiện quyết tâm lớn của Bộ GTVT trong công tác đặc biệt quan trọng này" - ông Viện cho biết.
Cũng theo ông Viện thì vẫn đề quan trọng nhất hiện nay để thực hiện tốt công tác này là phải có sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, lên kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết.
Cổ phần hóa 10 công ty mẹ trong năm 2013
Trong năm 2013, theo Kế hoạch, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn CNTT VN và 3 TCT HKVN, HHVN, ĐSVN; phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các DN mà Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ; Thực hiện tái cơ cấu TCT Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN, TCT Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tài chính và nguồn vốn đầu tư dự án.
Bộ GTVT đang tiến hành CPH công ty mẹ Tổng công ty Hàng không VN. |
Trong năm, Bộ cũng sẽ hoàn thành việc CPH Công ty mẹ - TCT Hàng không Việt Nam; chuyển Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy 1, CT Nạo vét đường biển 2 và CT Công trình 86 thuộc TCT Xây dựng đường thủy thành CTCP; CPH 30 DN thuộc các TCT và CPH 10 Công ty mẹ các TCT Công nghiệp ô tô VN, TCT XD CTGT 1, 4, 5, 6, 8, TCT Xây dựng Thăng Long, TCT Xây dựng đường thủy, TCT Vận tải thủy và TCT Tư vấn thiết kế GTVT…
Cùng với đó, phải tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, Vinalines theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đánh giá hiệu quả một năm sáp nhập 3 TCT cảng hàng không, hiệu quả việc chuyển các công ty hoa tiêu về 2 TCT Bảo đảm ATHH, hiệu quả chuyển các DN bảo trì sửa chữa về các Cienco...;
Dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình tái cơ cấu, CPH
Trong năm 2012, Bộ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đươc giao. Ngay từ đầu năm 2013, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như thực hiện tái cơ cấu, CPH. Trong quý I, Bộ GTVT đã cơ bản thực hiện nhiệm vụ đê ra, hoàn thành việc trình Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu với Vinalines, TCT ĐSVN và TCT HKVN. Bộ GTVT cũng đã hoàn thành việc phê duyệt đề án tái cơ cấu của tất cả các DN thuộc Bộ; Chỉ đạo việc thực hiện chương trình hành động để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. "Trong quý I, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn khó nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, các DN của Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, lấy lại được tự tin, khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện tái cơ cấu".
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh ngiệp phải chăm lo đời sống người lao động. |
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, ban quản lý tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, rà soát lại chiến lược, quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”. Các thủ tục hành chính phải thật đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Giữa các doanh nghiệp cũng phải có sự đồng cảm, chia sẻ với nhau.
Nhấn mạnh "tái cơ cấu và ĐMDN là sự sống còn của DN. Nếu không tái cơ cấu, cổ phần hóa thì về lâu dài, khó có thể tồn tại phát triển", Bộ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt. Tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Việc thoái vốn ngoài ngành phải được thực hiện theo lộ trình, thời điểm phù hợp sao cho đến 2015 hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành.
Đối với công tác CPH, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện đồng thời cả công ty mẹ, công ty con, trong đó tập trung CPH công ty mẹ trước. Song song với việc thực hiện tái cơ cấu, CPH phải thực hiện giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, chăm lo đời sống việc làm cho người lao động. "Chúng ta phải giảm chi phí không cần thiết nhưng tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phải quan tâm". Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong suốt quá trình tái cơ cấu, CPH.
Ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines: Ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines nhấn mạnh: Đề án tái cơ cấu, CPH Vietnam Airlines muốn thực hiện được thì sự nhận thức, quyết tâm là quan trọng nhất. Triển khai đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có một kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công từng cấp, từng nhiệm vụ, từng cá nhân để giải quyết từng vấn đề cụ thể. Ông Thanh cũng cho rằng tái cơ cấu, CPH Vietnam Airlines là chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ nhưng cũng chính là đòi hỏi nội tại của chính Vietnam Airlines. Nếu không tái cơ cấu, tập trung CPH công ty mẹ thì Vietnam Airlines không thể cân đối vốn cho đầu tư phát triển dài hạn. Chính vì vậy, bản thân Vietnam Airlines phải tự quyết tâm, nỗ lực để CPH. Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng HKVN: Khẳng định quyết định thành lập TCT Cảng HKVN là một sự kiện lớn nhất trong tái cơ cấu DNNN ngành hàng không, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV TCT Cảng HKVN cũng nhấn mạnh đây là một quyết sách hết sức đúng đắn. Nhờ việc hợp nhất thành công này, TCT Cảng HKVN tập trung được nguồn vốn để đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa cho các Cảng hàng không miền Bắc, miền Trung. Cụ thể, từ nay đến năm 2015, TCT sẽ tập trung đầu tư 3800 tỷ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; 800 tỷ đồng cho Cảng hàng không Vinh; 800 tỷ cho Cảng hàng không Cát Bi, 600 tỷ cho Cảng hàng không Phú Bài, 150 tỷ cho Cảng hàng không Đà Nẵng, 370 tỷ cho Cảng hàng không Tuy Hòa, hơn 1000 tỷ cho cảng hàng không Tân Sơn Nhất... Ông Phạm Thanh Quang - TGĐ Công ty Mua bán nợ Việt Nam: Về chính sách CPH, ông Phạm Thanh Quang - TGĐ Công ty Mua bán nợ Việt Nam cho biết có những việc do hướng dẫn không rõ nên để chuyển đổi chỉ 1 doanh nghiệp mà phải báo cáo Thủ tướng tới 3 lần. Cũng vì thế mà chậm chuyển đổi, giảm hiệu quả. "Khi DN còn vốn nhà nước, làm ăn có lãi thì không vướng gì khi chuyển đổi. Nhưng với DN thua lỗ phá sản thì để chuyển đổi mô hình hoạt động là vô cùng khó, nhất là trong việc đối chiếu công nợ. Nếu áp cùng một chính sách khác nhau cho những đối tượng khác nhau thì rất khó. Giống như bắt người ốm phải đi làm như người khỏe" – ông Quang ví von. |
Thanh Bình/GTVT