.
.

"Định vị" ngành đường sắt để hoạch định phát triển

Thứ Sáu, 14/02/2014|15:54

Chiều ngày 13/2, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 1 năm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu nhận định rõ vị trí của vận tải Đường sắt trong tương quan so sánh với các loại hình vận tải khác để Nhà nước có căn cứ đầu tư hay bổ sung cơ chế chính sách cho ngành phát triển hơn nữa
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu nhận định rõ vị trí của vận tải Đường sắt trong tương quan so sánh với các loại hình vận tải khác để Nhà nước có căn cứ đầu tư hay bổ sung cơ chế chính sách cho ngành phát triển hơn nữa

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành Đường sắt, các bộ, ngành nhận định rõ vị trí của loại hình vận tải đường sắt trong tương quan so sánh với các loại hình vận tải khác là đường bộ, đường thủy và đường hàng không để Nhà nước có căn cứ đầu tư hay bổ sung cơ chế chính sách cho ngành Đường sắt phát triển hơn nữa.

Trên thực tế, doanh thu vận tải hàng hóa của ngành Đường sắt đều tăng bình quân từ 11- 15%/năm nhưng thị phần vận tải hàng hóa của đường sắt lại giảm từ 2,56% xuống còn 0,8% trong 10 năm qua, trong khi đây là lĩnh vực thế mạnh của ngành.

Lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng nhìn vào con số trên mà đánh giá thấp vai trò của ngành Đường sắt là không công bằng khi các loại hình vận tải khác được tập trung đầu tư hạ tầng nhiều hơn nên có điều kiện phát triển mạnh hơn đường sắt.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lợi thế vận tải của đường sắt là phạm vi trên 100km. Với phạm vi này, nếu đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho một tuyến đường bộ cao tốc mà không đầu tư cho đường sắt thì chỉ 5-7 năm sau có thể phải làm thêm một con đường mới do xe tải đi lại nhiều sẽ phá đường. Nhưng tính toán để đầu tư cho đường sắt sẽ góp phần giảm lượng xe tải đi đường bộ, tránh lãng phí trong sửa chữa hay làm mới đường bộ.

“Vai trò của đường sắt là quan trọng bậc nhất về vận tải hàng hóa; các nước khác cũng thế”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định.

Đồng tình với các ý kiến phân tích, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ nhu cầu phát triển của ngành Đường sắt so với các loại hình vận tải khác là cần thiết và chính xác.

Tuy nhiên cái khó của ngành Đường sắt là vốn đầu tư ban đầu rất lớn (làm mỗi km đường sắt cao tốc có thể tốn hơn 20 triệu USD), trong khi điều kiện kinh tế của đất nước có hạn. Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành Đường sắt xác định chính xác Chiến lược phát triển ngành, có quyết tâm chính trị rất cao để giải quyết khó khăn này của ngành, hiện đại hóa ngành Đường sắt từng bước, chứ không thể làm chắp vá.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong  định hướng phát triển ngành cần phân định cơ cấu vận tải để xác định vấn đề cần đầu tư; ví dụ vận tải đường sắt Bắc-Nam có cần vận tải hàng hóa không (để cho vận tải đường thủy làm - PV) hay chỉ tập trung vận tải hành khách? Lựa chọn mô hình tổ chức quản lý phù hợp với lĩnh vực Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp đầu tư hay xã hội hóa. Ngành Đường sắt cũng nghiên cứu các cơ chế để đầu tư hạ tầng ở các tuyến đường, nhà ga… thu hút sự tham gia của tư nhân vào phát triển ngành.

Đối với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị Tổng công ty phải thực hiện toàn diện, tập trung vào xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực quản trị, xác định rõ các ngành nghề cần cổ phần hóa, chỉ nắm giữ 100% vốn ở lĩnh vực quan trọng…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng tình với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về nội dung sửa đổi Quyết định 198 của Thủ tướng về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty. Theo đó, sắp xếp lại 3 công ty vận tải đường sắt hiện nay (Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, công ty TNHH MTV vận tải hàng hóa đường sắt) thành 2 công ty vận tải hàng hóa và hành khách theo địa giới hành chính (phía Bắc và phía Nam) để phù hợp với đặc thù của ngành, phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Báo cáo việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015, Tổng công ty cho biết đã ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty TNHH MTV do Tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ; văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại các cán bộ lãnh đạo, viên chức quản lý, điều hành các cấp doanh nghiệp; văn bản hướng dẫn công tác thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Tổng công ty cũng hoàn thành việc xây dựng Đề án Chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2013- 2020.

Đối với công tác thoái vốn, trong năm 2013, Tổng công ty đã xây dựng Kế hoạch thoái hết vốn tại 7 Công ty cổ phần, thoái vốn để giảm tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các công ty cổ phần.

Thành Chung (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.