.
.

Vietnam Airlines đương đầu và ''vượt bão'' dịch COVID-19 thế nào?

Thứ Sáu, 08/05/2020|15:08

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chủ động triển khai mở lại các tuyến bay nội địa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của đất nước với vai trò “đi trước mở đường”.

Với việc các hãng bay trong nước và thế giới đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong giai đoạn dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá nhằm vượt cơn bão khủng hoảng.
 
Cụ thể, hãng đã chuyển đổi tàu bay khách thành tàu chở hàng; tái cơ cấu lao động; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Vietnam Airlines đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá nhằm vượt cơn bão khủng hoảng COVID-19.
Vietnam Airlines đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá nhằm vượt cơn bão khủng hoảng COVID-19.
Xoay sở để có doanh thu bù đắp thiệt hại
 
Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, Vietnam Airlines luôn xác định nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho phi công, tiếp viên, nhân viên và hành khách, cộng đồng là ưu tiên cao nhất đồng thời cũng đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
“Tất cả tàu bay của hãng hiện được vệ sinh, khử trùng trước khi đưa vào khai thác; điều chỉnh hàng loạt tiêu chuẩn dịch vụ trên không, mặt đất; mua khẩu trang, găng tay, dung dịch rửa tay để trang bị cho người lao động; thực hiện cách ly theo quy định đối với người lao động (tổ bay, tiếp viên, nhân viên mặt đất) đã tiếp xúc với khách mắc bệnh…,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.
 
Trong giai đoạn vừa qua Vietnam Airlines không chỉ thực hiện dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế mà còn tích cực tham gia nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao như vận chuyển đồng bào từ nước ngoài về nước (14 chuyến), vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế phòng chống dịch từ ngày 27/2-30/4 là 1.000 tấn (riêng hàng khẩu trang là 480 tấn tương đương 34,3 triệu chiếc)… và nhu cầu vận tải hàng không thiết yếu trong nước là nhiệm vụ chính trị đặc biệt.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, trong hoàn cảnh sản xuất giảm đến 95-98%, vận tải hành khách của hàng không gần như dừng lại, vận tải hàng hóa như xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa y tế, nhân viên y tế, công dân hồi hương… trở thành nhu cầu thiết yếu của các nước trên thế giới.
 
“Vietnam Airlines, với vai trò là Hãng hàng không quốc gia đã đẩy nhanh giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật. Các tàu bay chở khách được nhanh chóng chuyển đổi thành tàu chở hàng. Các quy trình, thủ tục liên quan để đảm bảo an toàn theo quy định của quốc tế, Việt Nam đã được phối hợp triển khai rất nhanh chóng. Qua đó, giúp máy bay được khẩn trương đưa vào khai thác thêm, phi công, tiếp viên có thêm hoạt động, giờ bay (phi công, tiếp viên cần duy trì giờ bay để đảm bảo năng định, trình độ). Các chuyến bay này cũng là một dòng doanh thu bù đắp cho thiệt hại vô cùng nặng nề về tài chính của doanh nghiệp, tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong thời điểm hiện tại,” đồng chí Dương Trí Thành chia sẻ.
 
Đi trước mở đường để “vượt bão” COVID-19
 
Để có thể vực dậy sau “cơn bạo bệnh” vì dịch COVID-19, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên, hỗ trợ từ các bạn hàng, đối tác và đặc biệt là hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ.
 
Cụ thể, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tối đa các chi phí nội tại, đặc biệt là chi phí cố định như tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại lực lượng lao động, giảm tiền lương (tháng 4-6 toàn bộ lãnh đạo từ cấp Ban trở lên đi làm việc đầy đủ nhưng không hưởng lương; 75-80% lực lượng lao động gián tiếp tạm ngừng việc, những lao động còn lại đi làm chỉ hưởng lương chức danh để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống).
 
Hãng cũng đã yêu cầu, kêu gọi sự hỗ trợ từ các bạn hàng, đối tác lớn để giảm giá, giãn tiến độ thanh toán, duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Hiện tại, rất nhiều bạn hàng lớn đã chung tay cùng Vietnam Airlines để giảm giá và giãn tiến độ thanh toán trong giai đoạn hiện nay.
 
“Chính phủ cũng đã có những giải pháp ban đầu như giảm một số giá, thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước rất kịp thời ban hành chỉ thị cho các ngân hàng thương mại xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn nợ, giảm lãi vay,” đồng chí Dương Trí Thành nhấn mạnh.

Đến nay kiểm soát dịch bệnh ở nước ta đã đạt được thắng lợi quan trọng, nền kinh tế và hoạt động xã hội tái khởi động, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai mở lại các tuyến bay nội địa đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của đất nước với vai trò “đi trước mở đường".

Theo đó, Vietnam Airlines phối hợp với các đơn vị du lịch như công ty lữ hành, khách sạn, resort lớn, nhà chức trách du lịch xây dựng những chương trình bán kích cầu. Vietnam Airlines đang từng bước giới thiệu các chương trình bán để bắt nhịp dần với sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, như mới đây là các chương trình vé bay chỉ 99.000 đồng/ chiều, 299.000 đồng/chiều cho các hành trình nội địa, vé mua theo gói…
 
Đối với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đánh giá Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ Đông Bắc Á sẽ phục hồi nhanh hơn các nơi khác nên hãng đang tập trung chuẩn bị nguồn lực, tổ chức chăm sóc khách hàng, phối hợp xây dựng các chương trình phát động bán cho các thị trường này sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả.
 
Thẳng thắn cho rằng sự hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hỗ trợ sau dịch bệnh, lãnh đạo Vietnam Airlines đề xuất các giải pháp giải cứu kịp thời, trong đó nhu cầu giải cứu thông qua việc "bơm" vốn bổ sung, cho vay ưu đãi để đảm bảo dòng tiền, duy trì hoạt động, vượt qua khủng hoảng.
 
“Một số Chính phủ các nước đã xem xét hỗ trợ hàng không gián tiếp thông qua bảo lãnh cho vay hay cho vay trực tiếp để các doanh nghiệp có nguồn tiền duy trì hoạt động như Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ trực tiếp các hãng hàng không 25 tỷ USD, Chính phủ Pháp hỗ trợ 7 tỷ Euro cho Air France, Chính phủ Hà Lan hỗ trợ 4 tỷ Euro cho KLM… Thậm chí, nhiều nước đã thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, phí, giá hỗ trợ doanh nghiệp như Trung Quốc, Singapore, Australia…,” lãnh đạo Vietnam Airlines dẫn chứng.
 
Nhấn mạnh giai đoạn khôi phục là thời điểm quyết định, có tính sống còn với các hãng hàng không vào thời điểm này, đồng chí Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa; kiến nghị các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn giá, thậm chí là miễn giá; làm việc với các ngân hàng có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không có tiền để chi trả các chi phí để tiếp tục duy trì các hoạt động.
 
Liên quan đến vận tải hàng không, tại buổi họp giao ban tháng 5 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều ngày 6/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Vụ Vận tải, Cục Hàng không nghiên cứu, đề xuất việc khôi phục một số đường bay thương mại quốc tế với tần suất rất hạn chế, ưu tiên cho các chuyên gia, cho các khách công vụ... đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, thực hiện cách ly đúng như quy định./.
 
Việt Hùng (Theo Vietnam+)
.
.
.
.