Vinacomin: Tăng cường hợp tác với Nhật Bản về công nghệ khai thác than hầm lò
Thứ Sáu, 04/10/2019|17:08
Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang chuyển dịch tỷ trọng từ khai thác than lộ thiên sang giai đoạn tăng mạnh khai thác than hầm lò. Việc chuyển dịch mô hình này không chỉ cần nguồn vốn đầu tư lớn mà còn đòi hỏi TKV phải có nguồn nhân lực bao gồm các chuyên gia, cán bộ và công nhân kỹ thuật giỏi, lành nghề trong lĩnh vực khai thác hầm lò.
“Điều kiện khai thác của ngành than ngày càng khó khăn, nhất là với khai thác than hầm lò”, ông Vũ Thành Lâm, Thành viên Hội đồng thành viên Vinacomin cho biết tại Hội thảo than Việt-Nhật năm 2019 diễn ra ngày 3/10.
Để khắc phục khó khăn, cùng với nhiều giải pháp của Vinacomin, công tác hợp tác quốc tế, nhất là với các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành than của Nhật Bản là một giải pháp quan trọng giúp Vinacomin làm chủ công nghệ khai thác, chế biến, pha trộn than, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
Vinacomin đã hợp tác chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI); Tập đoàn Dầu khí và Tài nguyên khoáng sản kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) và nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực than, khoáng sản của Nhật Bản nhằm cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huy động vốn đầu tư cho phát triển.
“Hiện Vinacomin và các đối tác Nhật Bản đã và đang triển khai 2 chương trình hợp tác quan trọng, gồm: Đào tạo nâng cao kỹ thuật khai thác và An toàn và hợp tác khảo sát thăm dò”, ông Lâm cho biết.
Cụ thể, với Dự án Đào tạo nâng cao kỹ thuật khai thác, tính đến hết năm 2018, đã có 1.797 tu nghiệp sinh của Vinacomin được cử sang Nhật Bản học tập và trên 80 nghìn lượt người lao động của Vinacomin được các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, đào tạo tại Việt Nam. Trong năm 2019, sẽ có 70 cán bộ được Vinacomin cử sang Nhật học tập.
Trong khi đó, với Dự án Hợp tác khảo sát thăm dò, đến hết năm 2018, Vinacomin và các đối tác Nhật Bản đã triển khai 7 dự án khoan thăm dò tại nhiều công ty than với 71 lỗ khoan, tương ứng hơn 44.512m khoan nhằm đánh giá cấu trúc, đặc điểm địa chất của các vỉa than để xây dựng tài liệu, báo cáo địa chất phục vụ hoạt động khai thác.
Trong năm nay, Vinacomin và JOGMEC đã ký biên bản hợp tác khảo sát thăm dò tại khu vực Bắc Bàng Danh với 3 lỗ khoan với 1.385m khoan. Dự án được triển khai từ đầu tháng 10/2019.
Ở tầm vĩ mô, ông Takehiro Katsushi, Trưởng phòng than (Vụ Tài nguyên thiên nhiên, Cục Tài nguyên Năng lượng, METI) cho biết, hiện 90% nhu cầu than của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2018, Nhật bản đã nhập khẩu 189 triệu tấn than từ Việt Nam, Nga và Trung Quốc, chủ yếu là than Anthrasite (than chất lượng cao).
Ông Takehiro Katsushi cũng nhìn nhận, Việt Nam có nguồn than Anthrasite khá phong phú và là nguồn cung rất quan trọng cho Nhật Bản. Do đó, việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trực tiếp là giữa hai tập đoàn Vinacomin và JOGMEC là rất cần thiết.
“Vì vậy, trên cơ sở những hợp tác đã và đang thực hiện, trong thời gian tới, JOGMEC sẽ tiếp tục phối hợp với Vinacomin thực hiện các dự án khoan thăm dò, đánh giá cấu tạo địa chất và tình hình phân bổ vỉa than để xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến bền vững. Cùng với việc hỗ trợ đào tạo, JOGMEC sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao công nghệ về kỹ thuật và quản lý an toàn, kỹ thuật khai thác hầm lò… cho các đối tượng là quản lý mỏ, kỹ thuật viên, giám sát an toàn mỏ… của phía Việt Nam”, ông Ikeda Hajime Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản JOGMEC khẳng định
JOGMEC cũng sẽ xem xét việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật phủ xanh dùng phương pháp thi công phun các loại đất ngậm hạt giống cho đối tác Việt Nam nhằm xử lý các bãi thải sau khai thác.
Phía Vinacomin cũng đề nghị JOGMEC và các bên liên quan của Nhật Bản phối hợp để kiến nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ thực hiện các dự án hợp tác về đào tạo nâng cao năng lực sản xuất than, khảo sát thăm dò… trong các năm tới.
Về hợp tác đào tạo, tập trung chuyên sâu vào các nội dung kỹ thuật như: Kỹ sư quản lý, công nghệ đào lò cơ giới, khoan thăm dò mỏ, khảo sát thiết kế mỏ, an toàn mỏ.
Về hợp tác khảo sát thăm dò, hiện nay Vinacomin đang trình Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò các mỏ: Bảo Đài II, Bảo Đài III, Cuốc Bê, Đông Triều - Phả Lại (I, II, III, IV). Khi các mỏ này được cấp giấy phép thăm dò đề nghị JOGMEC tiếp tục phối hợp để triển khai khảo sát thăm dò bằng công nghệ mới như thăm dò Địa vật lý đã từng thực hiện tại mỏ Cuốc Bê năm 2017.
Đặc biệt, Vinacomin đề nghị phía Nhật Bản xem xét hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá điều kiện khai thác mỏ than Cuốc Bê vì Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, khai thác các mỏ than tương tự nằm dưới đáy biển.
Phan Trang (Theo Chinhphu.vn)
.