TKV: Không để tiền lương công nhân thấp hơn kế hoạch
Thứ Năm, 09/07/2020|10:24
Sáng 8/7, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức Hội nghị Người lao động Tập đoàn năm 2020. Hội nghị đã thông qua kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Người lao động năm 2019 và triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020.
TKV đặt ra mục tiêu điều hành tiền lương bình quân chung và tiền lương các ngành, nghề không thấp hơn mức lương kế hoạch. |
Tiền lương bình quân tăng gần 14%
Theo báo cáo của TKV, với mục tiêu về tiền lương của người lao động, năm 2019, doanh nghiệp này đã thực hiện vượt mức kế hoạch, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 12,8 triệu đồng/người-tháng, tăng 13,8% so với kế hoạch và tăng 12,8% so với năm 2018.
Sở dĩ tiền lương tăng là do trong năm 2019, Tập đoàn đã chỉ đạo tăng lương 2 đợt (đợt 1 tăng 5% cho thợ lò làm việc trực tiếp tại gương từ 1/1/2019, đợt 2 tăng cho tất cả các đối tượng lao động từ 1/7/2019, trong đó thợ lò tiếp tục tăng thêm 13%, các lao động còn lại tăng 16%, nhất là đội ngũ quản đốc, trưởng phòng và cán bộ quản lý phòng ban là những đối tượng mà những năm trước chưa có điều kiện tăng lương.
Đồng thời, các đơn vị đã sử dụng tiết kiệm lao động so với lao động định mức, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và điều hành tiết giảm các khoản chi phí khác để có nguồn tăng lương, từng bước thực hiện mục tiêu “Doanh nghiệp ít người - trả lương cao”.
Riêng đối với thợ lò, năm 2019 tiền lương bình quân đã đạt 19,7 triệu đồng/người tháng, tăng 13,7% so với thực hiện năm 2018, cơ bản đạt được mục tiêu nếu làm đủ ngày công và đạt định mức thì tiền lương thợ lò được lĩnh 1 triệu đồng/công.
Năm 2019 toàn Tập đoàn đã có 2.605 thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 11,5% tổng số thợ lò, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2018, đặc biệt trong số đó có 108 thợ lò thu nhập trên 400 triệu đồng và 1 thợ lò thu nhập trên 500 triệu đồng.
Về việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, đối với chế độ nghỉ mát, hỗ trợ điều trị, năm 2019 số lao động được đi nghỉ mát là 10.178 người, tăng 27% so với thực hiện năm 2018 với tổng chi phí hỗ trợ 30,4 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018.
Đối với chế độ hỗ trợ cho gia đình thợ lò được nghỉ dưỡng, năm 2019 có 14 đơn vị hầm lò tổ chức cho gia đình thợ lò nghỉ dưỡng với số người đi nghỉ là 2.450 người, tổng kinh phí 14,5 tỷ đồng, chủ yếu đi nghỉ tại các khách sạn cao cấp trong nước.
Đối với chế độ rửa phổi đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, ngoài việc tiếp tục duy trì chế độ rửa phổi đối với người lao động đã mắc bệnh nghề nghiệp thì tại Hội nghị người lao động TKV năm 2019 đã thống nhất mở rộng đối tượng rửa phổi toàn bộ đối với thợ lò có thời gian làm việc từ 20 năm trở lên; trong đó, ưu tiên đối tượng thuộc diện theo dõi bệnh nghề nghiệp, lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, lao động có thành tích trong lao động sản xuất.
Thực hiện nội dung trên, năm 2019, Bệnh viện Than-Khoáng sản đã thực hiện rửa phổi cho 280 người (tăng 12% so với năm 2018), điều trị sau rửa phổi cho 353 người (tăng 27% so với thực hiện năm 2018).
Đồng thời Tập đoàn đã chỉ đạo tăng đơn giá rửa phổi từ 23,6 triệu đồng/ca lên 34,6 triệu đồng/ca. Sau rửa phổi, người lao động sẽ tiếp tục được theo dõi hướng dẫn tập trị liệu phục hồi chức năng tại Bệnh viện Than-Khoáng sản thay cho việc phải di chuyển đến các cơ sở điều dưỡng khác.
Tuy nhiên, trong năm 2019, TKV cũng nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Công tác an toàn vệ sinh lao động có nhiều tiến bộ, số vụ tai nạn lao động giảm 23,5%, nhưng vẫn còn để xảy ra một số vụ tai nạn lao động làm chết người. Công tác tái cơ cấu chưa đạt tiến độ theo kế hoạch.
Thêm vào đó, TKV vẫn chưa thể triển khai công tác đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho hộ gia đình thợ lò, trong khi một số đơn vị đã chuẩn bị được quỹ đất.
Việc triển khai chế độ rửa phổi mới còn bộc lộ bất cập. Nhiều đơn vị chưa tin tưởng vào hiệu quả của việc rửa phổi, nghi ngờ cơ sở của việc mở rộng đối tượng rửa phổi nên chưa mạnh dạn cử người lao động đi rửa phổi.
Đối với chế độ ăn định lượng và bồi dưỡng bằng hiện vật là hai chế độ bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, mặc dù các đơn vị luôn thay đổi thực đơn, tìm cách cải thiện bữa ăn song hầu hết thực đơn các bữa ăn đều dựa trên nhu cầu, thói quen mà chưa có đầy đủ cơ sở khoa học để đối chứng.
Không giảm tiền lương do dịch bệnh
Tại Hội nghị, lãnh đạo TKV nhìn nhận, từ đầu năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với TKV, bằng những giải pháp phòng chống dịch đã triển khai, đến nay không có người lao động nào trong Tập đoàn bị lây nhiễm virus COVID-19, không có đơn vị nào phải dừng sản xuất, phải cách ly do có người nhiễm bệnh.
Một số đơn vị thuộc khối dịch vụ gặp khó khăn về việc làm và tiền lương do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã được TKV hỗ trợ kịp thời kinh phí để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoặc kêu gọi các đơn vị thành viên khác hỗ trợ giải quyết việc làm tạm thời cho người lao động (như các đơn vị vùng Hạ Long hỗ trợ Khách sạn Heritage Hạ Long).
Mặc dù 6 tháng đầu năm nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81% (mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011), nhưng TKV là một trong số ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ được sản xuất kinh doanh ổn định, có lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước tăng, việc làm và thu nhập của hầu hết người lao động vẫn được bảo đảm.
Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn 12,7 triệu đồng/người-tháng, bằng 100% kế hoạch. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 63.167 tỷ đồng và bằng 100% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 11,68 nghìn tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, vì vậy căn cứ vào diễn biến của thị trường tiêu thụ than và khoáng sản, Tập đoàn đề ra mục tiêu chung là tập trung hoàn thiện mô hình vừa sản xuất than, vừa kinh doanh than. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tái cơ cấu, trọng tâm là tái cơ cấu kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý, tinh giản lao động. Kiểm soát chặt chẽ chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của Tập đoàn trong các lĩnh vực. Đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường, an ninh trật tự, an sinh xã hội. Khai thác tối đa các chuỗi giá trị gia tăng cho Tập đoàn, từng bước nâng cao giá trị doanh nghiệp của các đơn vị thành viên. Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2017-2020.
Lãnh đạo TKV khẳng định, doanh nghiệp này đặt ra mục tiêu điều hành tiền lương bình quân chung và tiền lương các ngành, nghề không thấp hơn mức lương kế hoạch. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Về giải pháp, TKV sử dụng linh hoạt các phương pháp trả lương theo Quy chế quản lý lao động và tiền lương của TKV. Điều hành quỹ tiền lương một cách khoa học, đạt hiệu quả cao trên cơ sở dành tối đa nguồn tiền lương để trả lương sản phẩm hàng tháng nhằm tạo động lực tăng ngày công làm việc, tăng năng suất lao động, hạn chế bổ sung lương vào các dịp lễ (trừ việc bổ sung, hỗ trợ tiền lương vào dịp Tết và ngày truyền thống ngành, truyền thống đơn vị).
TKV phấn đấu thực hiện đúng các quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và nội quy lao động của Tập đoàn, không để xảy ra tình trạng người lao động bức xúc, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng khuyến khích các đơn vị thành viên tổ chức cho người lao động đi nghỉ mát, hỗ trợ điều trị; tổ chức tham quan, nghỉ mát cho gia đình, thợ lò có nhiều thành tích theo hướng dẫn của Tập đoàn. Triển khai khảo sát để xây dựng thực đơn và điều chỉnh chế độ ăn cho người lao động một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh lãng phí, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe người lao động.
Đặc biệt, lãnh đạo TKV cũng sẽ phấn đấu nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên người lao động tự nguyện đi rửa phổi để chủ trương mở rộng đối tượng được rửa phổi thực sự đạt hiệu quả.
Tổng giám đốc và Công đoàn TKV nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết Liên tịch về thực hiện thực hiện chương trình nhà ở hộ gia đình để triển khai trong các đơn vị trực thuộc TKV với đối tượng thụ hưởng là thợ lò, cơ điện lò và lao động cần thu hút.
Phan Trang (Theo Chinhphu.vn)
.