Khi thợ mỏ vượt khó
Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới do tác động chưa từng có của dịch COVID-19 và thiên tai. Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực, tinh thần kỷ luật và đồng tâm của tập thể 96.000 CBCNVC, người lao động toàn Tập đoàn, đặc biệt sự tuân thủ kỷ luật, kỷ cương từ cơ quan điều hành bộ máy… đã tạo nên những kỳ tích đóng góp chung vào tăng trưởng dương của đất nước, trong khi trên thế giới rất nhiều nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, TKV ngay lập tức đã kích hoạt, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như thành lập BCĐ phòng, chống dịch do Tổng Giám đốc Tập đoàn trực tiếp làm Trưởng ban. Trước đó, Ban Thường vụ Đảng ủy TKV đã ra chỉ thị yêu cầu cấp ủy, đoàn thể trong hệ thống chính trị toàn Tập đoàn đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên, người lao động để mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm tự dự phòng là chính
Nhờ các giải pháp đồng bộ, kết thúc năm 2020, sản lượng than nguyên khai của TKV đạt 38,5 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch. Sản lượng than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn.
Đáng chú ý, sản lượng điện, sản lượng alumin sản xuất năm 2020 của Tập đoàn đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, sản xuất alumin đạt 1,42 triệu tấn, bằng 109% kế hoạch, tiêu thụ đạt 1,40 triệu tấn, đạt 109% kế hoạch. Tiêu thụ đồng tấm tăng 7% so với năm 2019, kẽm thỏi và các sản phẩm thiếc thỏi đạt 100% kế hoạch. Sản xuất điện đạt 10,6 tỷ Kwh, bằng 108% kế hoạch năm, cao nhất từ trước đến nay.
Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 123.425 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước 19.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 2.600 tỷ đồng.
Nhờ đó TKV bảo đảm thu nhập, việc làm cho hơn 96.000 người lao động với tiền lương bình quân chung 12,8 triệu/người/tháng, không giảm so với kế hoạch trước đó. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 khiến đứt gãy cung cầu, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, trong đó có tác động không nhỏ tới TKV.
Chủ động trách nhiệm an sinh xã hội
Năm 2020 mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng TKV luôn quan tâm, chủ động thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước đối với công tác an sinh xã hội.
Tập đoàn thường xuyên chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, nơi ăn, ở và các chế độ phúc lợi ưu đãi đặc thù của ngành than-khoáng sản. Từ nhiều năm nay, TKV luôn duy trì các hoạt động chăm lo cho những gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có hỗ trợ xóa nhà dột nát.
Đặc biệt, Tập đoàn đã tăng chi phí nghỉ mát, hỗ trợ điều trị và chế độ cho gia đình thợ lò có nhiều thành tích đi tham quan, nghỉ dưỡng. Cuối năm 2020, khi các đơn vị cơ bản hoàn thành kế hoạch, Tập đoàn đã trích hơn 66 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi hỗ trợ 20 đơn vị bổ sung kế hoạch nghỉ dưỡng cho gần 33.000 thợ mỏ đi tham quan tại các danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Ninh.
Chia sẻ trách nhiệm với các địa phương, TKV đã chi 15 tỷ đồng ủng hộ các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thái Bình, Lào Cai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Tĩnh… triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19.
Đây là hành động hết sức kịp thời, thiết thực, thể hiện tinh thần quyết tâm chung sức, đồng lòng của CBCNVC, thợ mỏ TKV trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
TKV cũng đã khẩn trương, kịp thời ủng hộ 20 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ lịch sử, ổn định cuộc sống cho người dân.
Ngoài ra, TKV vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho các huyện nghèo theo chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, gồm các huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Đam Rông (Lâm Đồng), Ba Bể (Bắc Kạn). Đến nay TKV đã hỗ trợ 230 tỷ đồng, tương đương 1.750 ngôi nhà, 37 trường học, 15 trạm y tế, cùng với thiết bị y tế giáo dục 70 tỷ đồng. Với sự giúp đỡ của TKV, năm 2018 huyện Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo.
Theo Chinhphu.vn