.
.

EVN nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện

Chủ Nhật, 24/10/2021|23:19

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các đơn vị trực thuộc quyết tâm khắc phục khó khăn và ảnh hưởng của dịch COVID-19, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, đặc biệt là những dự án trọng điểm, cấp bách.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, EVN vẫn hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện trọng điểm.
Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, EVN vẫn hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện trọng điểm.

Theo báo cáo của Ban Kế hoạch EVN, trong 9 tháng của năm 2021, tập đoàn đã đưa vào vận hành 2/2 dự án nguồn điện, đó là Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum và Nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim mở rộng, hoàn thành cụm công trình cửa xả Nhà máy Thuỷ điện tích năng Bác Ái. Tập đoàn cũng khởi công 2/4 dự án nguồn điện, đó là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng.

Về lưới điện, EVN đã khởi công 85 công trình và đóng điện 80 công trình 110-500 kV, trong đó có nhiều công trình trọng điểm như đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2, đường dây 500 kV Mỹ Tho-Đức Hòa, đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, đường dây 220 kV Mường Tè-Lai Châu, 220 kV Đông Hà-Lao Bảo; nâng công suất các trạm biến áp 500 kV Nho Quan, Dốc Sỏi, Việt Trì.

Cùng với đó, EVN và các đơn vị thành viên cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện trọng điểm giải toả nguồn năng lượng tái tạo, các nhà máy thuỷ điện nhỏ miền Bắc, các dự án nâng cao năng lực truyền tải, đồng bộ nguồn điện…

Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng của tập đoàn và các đơn vị thành viên vẫn gặp nhiều khó khăn, một số dự án chậm hoặc có nguy cơ chậm tiến độ.

Cụ thể, việc triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các dự án điện đi qua rừng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp. Sự phát triển nóng của nguồn năng lượng tái tạo cũng làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng càng khó khăn trong điều kiện yêu cầu gấp về tiến độ.

EVN cho biết, trong công tác huy động vốn, các ngân hàng trong nước phần lớn đều đã vượt giới hạn tín dụng đối với tập đoàn. Bên cạnh đó, với quy định hiện hành của Nghị định 56/2020/NĐ-CP, EVN cũng đang gặp khó khăn khi thực hiện vay vốn nước ngoài và phải đợi sửa đổi, bổ sung mới có thể tiếp tục thực hiện.

Đó còn là khó khăn do giá một số vật liệu xây dựng, giá kim loại tăng cao, làm tăng chi phí đầu tư các dự án và dẫn đến công tác đấu thầu của các gói thầu phải thực hiện nhiều lần do vượt dự toán, thậm chí một số gói thầu không có nhà thầu tham dự...

Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai các dự án điện của EVN và các đơn vị.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với các đơn vị trực thuộc nhằm rà soát tình hình đầu tư và tiến độ các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên của tập đoàn cần chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn; nâng cao năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đầu tư xây dựng; thường xuyên phối hợp, bám sát với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. 

Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần phải chủ động những giải pháp kiểm soát, hạn chế sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các dự án nguồn và lưới điện; tăng cường giải pháp về bảo vệ môi trường, an toàn lao động trên công trường, đồng thời đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư xây dựng. 

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó giao EVN làm chủ đầu tư đối với những dự án nguồn và lưới điện theo đề nghị của tập đoàn tại Văn bản số 5953/EVN-KH ngày 29/9/2021.

Đồng thời sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng công trình nguồn và lưới điện; có cơ chế, chính sách cho các dự án điện trong việc huy động nguồn vốn vay trong nước, vốn vay ODA, vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ.

Theo chinhphu.vn

.
.
.
.