Petrovietnam tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng tốt
Tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục duy trì tốt nhịp độ sản xuất kinh doanh, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính được giao, tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Khai thác dầu thô tháng 4 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 18% kế hoạch tháng 4, tính chung 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch 4 tháng, bằng 41% kế hoạch cả năm 2022 và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản xuất đạm tháng 4 đạt 155.900 tấn, vượt 9% kế hoạch tháng, tính chung 4 tháng đạt 625.400 tấn, vượt 9% kế hoạch 4 tháng và bằng 37% kế hoạch cả năm 2022, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động sản xuất kinh doanh được bảo đảm thông suốt, giữ vững nhịp độ tại các nhà máy, công trình.
Petrovietnam ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng. Bốn tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 292,6 nghìn tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 4 tháng, đạt 52% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 41,8 nghìn tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch 4 tháng, đạt 65% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Từ những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022 là rất khả quan.
Ngày 5/4/2022, mỏ Tê Giác Trắng chính thức đạt mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu, một dấu mốc vô cùng quan trọng. |
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, nhưng từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, thị trường trong và ngoài nước, các vấn đề địa chính trị,… Đồng chí cho biết, Tập đoàn không chủ quan và yêu cầu các đơn vị thành viên tiếp tục nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo, tận dụng nguồn lực, thúc đẩy đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để cập nhật, điều chỉnh trong phương án quản trị điều hành của Tập đoàn, đặc biệt lưu ý vấn đề cung - cầu (cầu có dấu hiệu giảm, yếu dần), bất ổn về giá và làn sóng lạm phát; kiên quyết giữ mục tiêu của tăng trưởng, mục tiêu sản lượng sản xuất, khai thác dầu, tối đa các sản phẩm chế biến để tận dụng cơ hội thị trường.
Bên cạnh đó, tận dụng hệ thống mở rộng thị phần các sản phẩm khí; tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án chiến lược của Tập đoàn, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên tham gia vào các dự án này. Tiếp tục đẩy mạnh, hiện thực hóa các chuỗi liên kết; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn trong từng lĩnh vực, đặc biệt coi CO2 là tài nguyên để tập trung nghiên cứu, tận dụng, đồng bộ với dịch chuyển năng lượng.
Phương Lan (Theo Báo điện tử Chính phủ)