Vinatex quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Học tập, quán triệt nội dung Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”.
Đồng chí Lê Tiến Trường - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex nhấn mạnh tầm quan trọng của Học tập Cuốn sách. |
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nghiên cứu, học tập nội dung Cuốn sách, đồng chí Lê Tiến Trường - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn chia sẻ: Qua nghiên cứu, cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ Tập đoàn bao gồm cả cấp uỷ của 20 cơ sở đảng trực thuộc đã tiếp thu được những nội dung cốt lõi và quan trọng hơn là nắm được tính logic cũng như hệ thống của cuốn sách, giúp thuận lợi trong quá trình nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Trước hết về nhận thức, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận thấy cuốn sách đã góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng và đồng chí Tổng Bí thư đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, lan tỏa quyết tâm to lớn trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự nghiệp quan trọng này.
Cuốn sách cũng giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực; khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp; vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ sớm, từ xa, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận “gốc” tham nhũng, tiêu cực…
Đối với Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, số lượng lao động lớn trên 150.000 người, nhưng số đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ theo mô hình Đảng bộ công ty mẹ chỉ trên 1.700 đảng viên, do đó nhiệm vụ tuyên truyền, lan toả rộng trong quần chúng về nội dung cuốn sách, nhất là quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của mọi người và là quá trình lâu dài. Mọi cán bộ, nhân viên đều phải ý thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí là hết sức thiết yếu, quyết định trong thực hiện tốt chủ trương của Trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị.
Tại Hội nghị quán triệt, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam qua nghiên cứu thấy được những gợi mở rất sâu sắc từ phần thứ hai của cuốn sách - “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Lê Tiến Trường cho rằng: “Trong thảo luận nội bộ chúng tôi cho rằng phòng ngừa từ xa, phòng chống cả ngọn lẫn gốc sẽ là kim chỉ nam trong hoạt động tại Đảng bộ. Với cách hiểu, phòng chống ở ngọn là những biểu hiện, nhưng vi phạm cụ thể, và phòng chống từ gốc là từ phương thức làm việc, cơ chế giám sát, quy trình công tác để không thể và không dám tham nhũng, lãng phí”.
Trên cơ sở đợt học tập, đồng chí Lê Tiến Trường xác định Đảng bộ Tập đoàn sẽ triển khai các chương trình trọng yếu trong thời gian tới, trong đó tiếp tục tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách đến toàn thể đảng viên và người lao động nói chung bằng các hình thức giới thiệu sáng tạo, gần gũi phù hợp điều kiện, trình độ của NLĐ. Qua tuyên truyền giáo dục cần đạt được thống nhất trong nhận thức của mỗi cán bộ, nhân viên và của tất cả người lao động trong Tập đoàn.
Tiếp tục đẩy nhanh chương trình số hoá, đưa việc kiểm soát trách nhiệm đến từng cá nhân, có điều kiện cá thể hoá trách nhiệm trong công việc. Trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực “nhạy cảm hơn” đó là mua sắm, đầu tư; tài chính và kinh doanh. Do đặc điểm là doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu, có tính công khai cạnh tranh cao trên thị trường, do vậy đẩy nhanh việc xây dựng mở rộng các cơ sở dữ liệu về nguyên phụ liệu, vật tư, thiết bị, chế độ thu nhập… để doanh nghiệp có thể truy cập, tham khảo đảm bảo mua sắm với chi phí tối ưu. Đồng thời dễ giám sát, kiểm tra. Đưa các quy trình công tác quan trọng, nhạy cảm lên hệ thống số hoá chung, các thành viên đều có thể kiểm soát được quá trình này. Minh bạch hoá sẽ là phương thức phòng ngừa từ xa.
Xác định với doanh nghiệp nhiều lao động, nằm ở nhiều địa bàn, trình độ chung ở mức trung bình thấp. Do đó lãng phí sẽ là nguy cơ lớn nhất với Tập đoàn, vì vậy tập trung tuyên truyền giáo dục về ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong người lao động là hết sức quan trọng. Cùng với nó là xây dựng hệ thống dữ liệu so sánh chi phí giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo thời gian thực để cùng cải thiện theo hướng cải tiến liên tục. Tiếp tục tập trung vào các chính sách nâng cao thu nhập, chăm lo cho người lao động cả vật chất và tinh thần. Đảm bảo cuộc sống là tiền đề cơ bản nhất để có thể phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là tham nhũng vặt. Với mục tiêu thu nhập của người lao động tại từng địa bàn đạt từ 130%-150% GRDP của địa phương. Tiếp tục xây dựng văn hoá Vinatex trên cơ sở 3 trụ cột: Công khai - Minh bạch - Dân chủ với 6 giá trị cốt lõi: hiểu nghề - giỏi nghề - yêu nghề - không đổ lỗi - tự hào với thành quả tập thể - cải tiến liên tục.
Các chương trình hành động trên tuy đã được triển khai tại Tập đoàn từ năm 2021, nhưng với tính chất hệ thống, logic cao tiếp thu được từ cuốn “cẩm nang” của đồng chí Tổng Bí thư, Đảng bộ Tập đoàn sẽ có nhìn nhận toàn diện hơn và quyết tâm cao hơn, đẩy nhanh các chương trình công tác đã đặt ra với nhiều nội dung cần bổ sung mới. Qua đó sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường thế giới biến động và cạnh tranh khốc liệt.
N.G