.
.

Tăng cường vai trò tín dụng đầu tư của nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Năm, 29/06/2017|11:25

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, khống chế và khắc phục được những hậu quả về xã hội và môi trường thì nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong khi nguồn vốn của Nhà nước trong các Ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng và Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang giảm dần và sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp đang dần bị hạn chế theo thông lệ quốc tế.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là trục giao thông quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc.

Tích cực tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong những năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển (trước đây) và nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thông qua tín dụng đầu tư của Nhà nước đã tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của đất nước. Thực hiện mục tiêu chiến lược chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng đã có những bước chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vốn đầu tư dành cho các dự án công nghiệp nặng, công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và hiện đại hóa công nghiệp nhẹ, trong đó chú trọng đến công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Các chương trình/dự án trọng điểm nổi bật VDB cho vay như: Thủy điện Sơn La và các dự án về ngành điện (bao gồm cả sản xuất và phân phối điện), Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xi măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, Apatit Lào Cai, dự án đóng tàu biển... đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kinh tế cho nền kinh tế.

Với 395 dự án sản xuất và phân phối điện, số vốn vay theo hợp đồng tín dụng là hơn 200.000 tỷ đồng, góp phần đưa công suất phát điện tăng thêm 6.000 MW; xây dựng mới hơn 1.000 km đường dây 500 KV, gần 3.000 km đường dây 220 KV và 110 KV; hàng trăm trạm biến áp công suất các loại được đưa vào sử dụng đồng bộ với các dự án nguồn và lưới điện. Đầu tư sản xuất 31 dự án đầu tư nhà máy xi măng (khoảng 52 triệu tấn/năm) với số vốn vay theo hợp đồng tín dụng hơn 18.000 tỷ đồng. Đầu tư cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển cho trên 120 dự án với số vốn vay theo hợp đồng tín dụng gần 17.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Cùng với đó là các dự án đầu tư đóng mới toa xe đường sắt, 10 dự án lớn ngành hóa chất, 80 dự án công nghiệp chế biến.

Thủy điện Sơn La
Nhà máy Thủy điện Sơn La - một trong những dự án trọng điểm được thực hiện với nguồn vốn cho vay từ VDB.

Tín dụng đầu tư của Nhà nước đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chương trình kinh tế của Chính phủ, với trên 1000 dự án có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Các dự án này đã tạo tiền đề để góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề mới, mang lại những thành quả to lớn cho khu vực nông thôn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn vốn tập trung đầu tư cho các chương trình kinh tế lớn như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương, Chương trình tôn nền vượt lũ và hạ tầng cụm tuyến dân cư vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã góp phần đầu tư xây mới trên 100.000 km kênh mương, trên 110.000 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, xây dựng hạ tầng của trên 900 cụm tuyến dân cư...; trồng mới, chăm sóc, quản lý bảo vệ gần 300.000 ha rừng; trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả khoảng gần 50.000 ha; tăng thêm năng lực đào tạo khoảng 200.000 học sinh/năm, đào tạo nghề cho khoảng 5.000 người/năm; bổ sung thêm 500 giường bệnh; bổ sung hàng triệu m3 nước sạch/ngày đêm; tạo mới hàng trăm ngàn việc làm.

Góp phần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển

Đồng thời, tín dụng đầu tư của Nhà nước do VDB thực hiện đã góp phần thức đẩy sự phát triển của thị trường tài chính trong thời gian qua. Là tổ chức phát hành trái phiếu lớn thứ 2 nền kinh tế để đáp ứng nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước (sau Kho bạc nhà nước) và đứng đầu hệ thống ngân hàng, qua đó thức đẩy thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Xét trên thị trường vốn nợ, trái phiếu của VDB chiếm 20-25% thị phần công cụ nợ. Xét theo tổng thể nền kinh tế, vốn trái phiếu VDB đóng góp 3,4% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 1,3% GDP. VDB đang giảm dần việc phát hành trái phiếu kì hạn 2-3 năm và tăng dần việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 5-10 năm, đặc biệt đã phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 15 năm góp phần kéo dài kỳ hạn trái phiếu trên thị trường tài chính.

Đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy VDB.
Đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW làm việc với Đảng ủy VDB.

Với kết quả đạt được trong thời gian qua, trái phiếu do VDB phát hành trở thành công cụ nợ quan trọng trên thị trường vốn, góp phần đa dạng hóa công cụ nợ và tăng lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, thị trường vốn. Thông qua việc cho vay, tín dụng đầu tư của Nhà nước do VDB thực hiện (chiếm bình quân xấp xỉ 50% tổng mức đầu tư tài sản cố định các dự án) đã góp phần quan trọng thu hút các nguồn vốn dài hạn khác của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để tài trợ cho các dự án phát triển, góp phần tăng trưởng tín dụng trên GDP hằng năm của nền kinh tế.

Tăng cường các giải pháp hoàn thiện cơ chế hỗ trợ đầu tư của Nhà nước

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới từ trong nước và quốc tế để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhiều quốc gia đã trải qua thời kỳ tăng trưởng ban đầu đầy ấn tượng nhưng rốt cuộc đã vấp phải “bẫy thu nhập trung bình” do không giải quyết thỏa đáng được những mâu thuẫn phát sinh về môi trường sinh thái và công bằng xã hội nên đã không thể tạo được động lực mới cho giai đoạn tăng tốc tiếp theo. Tăng trưởng sẽ chậm lại nếu như chúng ta không thể tạo ra được những bước đột phá mới về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và giải quyết tốt những vấn đề về môi trường.

Hội nghị hỗ trợ góp sức giảm nghèo cho 3 huyện của tỉnh Lào Cai.
Hội nghị hỗ trợ góp sức giảm nghèo cho 3 huyện của tỉnh Lào Cai.

Tăng trưởng kinh tế năng động phải đi kèm với phát triển xã hội với mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, hướng đến con người và vì con người. Cũng là hướng đến chất lượng cuộc sống cao hơn, tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm tính bền vững, không ảnh hưởng đến các nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai, đặc biệt là môi trường sinh thái, môi trường sống của người dân. Cùng với đó, tăng trưởng phải hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực quý hiếm trong xã hội; chuyển dần tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn sang chủ yếu dựa vào yếu tố năng suất lao động, kỹ thuật và sức sáng tạo của con người. Việc hỗ trợ của Nhà nước phải mang tính định hướng, dẫn dắt, và có các hình thức, mức độ hợp lý để tạo động lực, tiền đề và cơ sở cho các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư.

Để việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thực sự mang lại hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế mà đặc biệt là sự tăng trưởng bền vững, cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện cơ chế hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thông qua chính sách Tín dụng đầu tư của Nhà nước theo hướng:

Một là, đối tượng hỗ trợ tín dụng đầu tư của Nhà nước cần tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề theo ưu tiên của Chính phủ trong từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cần phải có kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành kinh tế cụ thể nhằm phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội của nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chủ yếu cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Hạ tầng kinh tế kỹ thuật, an sinh xã hội, môi trường, các vùng có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khó khăn...Việc tập trung vốn cho từng đối tượng cụ thể được cân đối trên cơ sở ngân sách nhà nước hàng năm, tránh dàn trải, kém hiệu quả trên cơ sở tập trung dứt điểm và bảo đảm tính đồng bộ của hạ tầng. Ngoài những lĩnh vực đầu tư mang tính “hạ tầng kỹ thuật”, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cần chú trọng hơn vào những lĩnh vực mang tính đột phá (những ngành có lợi thế cạnh tranh). Đây là những ngành nghề mới, triển vọng nhưng vốn đầu tư đòi hỏi rất lớn, lại có độ rủi ro cao. Các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực kinh tế, tài chính không mạnh thì khó có khả năng đầu tư vào những lĩnh vực này nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ VDB mở rộng.
 Hội nghị kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VDB giữa nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Hai là, tín dụng đầu tư của Nhà nước tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường. Để tạo sự phát triển đồng đều giữa thành thị, đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn như vùng núi phía Bắc, Tây nguyên – nơi các dân tộc ít người sinh sống, ngoài nguồn vốn có hạn từ Ngân sách Nhà nước hoặc nguồn vốn đòi hỏi tính sinh lời cao từ khu vực tư  nhân thì nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đầu tư vào giải quyết vấn đề an sinh, xã hội. Đây là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Một nền kinh tế phát triển bền vững không thể không quan tâm đến những vấn đề xã hội như: Đầu tư, phát triển nhiều hơn vào các công trình phục vụ cho y tế, giáo dục, nhà ở xã hội phục vụ cho việc ăn ở, đi lại, học tập, chữa bệnh của nhân dân.

Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cần được đẩy mạnh để hướng tới các chủ đầu tư đang thực hiện các dự án giảm thiểu ô nhiễm và xử lý môi trường như: Cải tạo, nâng cấp các hệ thống cấp thoát nước, chống ngập cục bộ; thu gom, xử lý rác thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý khói bụi, tiếng ồn, nước thải từ các khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Ba là, hỗ trợ của tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua lãi suất cho vay và đối tượng vay vốn. Mức độ hỗ trợ đầu tư của Nhà nước phải bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cho chủ đầu tư các dự án có được tỷ lệ tích lũy hợp lý và người dân phải được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc quy định về mức vốn hỗ trợ đối với từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể thì việc hỗ trợ về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay và các điều kiện nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Mức chênh lệch và tính ổn định lãi suất sẽ là động cơ hoạt động và là nguồn lực tiết kiệm được của chủ đầu tư so với việc huy động các nguồn vốn vay thương mại khác. Do một số đối tượng hỗ trợ tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực và dự án ở vùng, miền khó khăn, hiệu quả không cao, không thu hút được các nguồn vốn thương mại cũng như các nhà đầu tư, vì thế chính sách ưu đãi thông qua tín dụng đầu tư của Nhà nước cần kịp thời, ổn định về lãi suất, thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm...

Đảng bộ VDB triển khai nhiệm vụ công tác Đảng năm 2016.
Đảng bộ VDB triển khai nhiệm vụ công tác Đảng năm 2016.

Bốn là, hình thức tín dụng đu tư của Nhà nước cần đa dạng phù hợp với lợi ích thiết thực của chủ đầu tư trong từng giai đoạn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ đầu tư có thể thực hiện trực tiếp ngay trong quá trình đầu tư, sau quá trình đầu tư hoặc cũng có thể hỗ trợ các điều kiện đầu tư và chia sẻ rủi ro với các chủ đầu tư như thực hiện hình thức bảo hiểm, bảo lãnh tín dụng đầu tư, xúc tiến tìm kiếm thị trường, nghiên cứu phát triển... nhằm tăng cao cơ hội tiếp cận và hưởng ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Ngoài các hình thức cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, cho vay xuất khẩu (cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu vay), bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần nghiên cứu từng bước hoàn thiện, đa dạng hoá các nghiệp vụ cho vay tín dụng xuất khẩu cho bên bán, tạo tiền đề căn bản nhằm từng bước triển khai nghiệp vụ cho vay bên mua; đa dạng hoá tín dụng người bán (chiết khấu bộ chứng từ, ứng trước tiền thanh toán); phát triển các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thông tin thị trường, xúc tiến thương mại...

Năm là, thực hiện quản trị nguồn vốn theo cơ chế quản trị chuyên nghiệp. Cần áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào công tác quản lý tín dụng. Mặc dù được thực hiện một số cơ chế đặc thù nhưng việc quản trị về nguyên tắc cần tuân thủ theo đúng cơ chế thị trường, bảo đảm tính hiệu quả của công tác quản lý tín dụng. Nhà nước cần bố trí và bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện, tạo sự lành mạnh về tài chính cũng như cơ chế cho công tác quản trị nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Sáu là, Nhà nước cần tạo dựng được tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh để thực hiện tốt vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.  Để tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đạt được hiệu quả cao như những “cú hích quan trọng” trong việc điều tiết nền kinh tế phát triển theo hướng ổn định, bền vững, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để tập trung các nguồn lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nền kinh tế, bố trí cơ cấu tín dụng hợp lý phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp, hạ tầng kinh tế, môi trường, an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển.

Đảng ủy VDB tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2008.
Đảng bộVDB tổ chức Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2008.

Nâng cao vị thế, vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thực hiện tín dụng đầu tư của Nhà nước. VDB phải được củng cố cả về tiềm lực tài chính, tổ chức, con người và cơ chế để thật sự chủ động và thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Kinh nghiệm của các nước (kể cả các nước đang phát triển và các nuớc công nghiệp phát triển) cho thấy, sứ mạng của các tổ chức tài trợ phát triển của Nhà nước còn tồn tại hiệu quả trong suốt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thậm chí còn là một trong những công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong việc ngăn chặn khả năng suy thoái của nhiều nền kinh tế.

Một nền kinh tế tăng trưởng năng động không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững nếu không có “bàn tay hữu hình” hiệu quả của Nhà nước nhằm hỗ trợ tín dụng đầu tư trong những lĩnh vực hạ tầng kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường,...và những lĩnh vực then chốt, tạo đà, mang tính quyết định đến định hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế đất nước./.

                                                      Văn Sơn-VDB

.
.
.
.