.
.

SCIC bán 21,79% vốn điều lệ tại Vinaconex

Thứ Sáu, 17/11/2017|14:07

Nếu giao dịch thành công vào đầu tháng 12 tới, SCIC chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ của Vinaconex (mã giao dịch chứng khoán VCG).

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa tổ chức chào hàng bán cổ phần của SCIC tại VCG vào chiều 16/11 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo đó SCIC sẽ bán 21,79% vốn điều lệ của mình tại VCG trong ngày 8/12 tới, tương ứng với 96.255.310 cổ phần của VCG hiện nay, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
 
Ban Tổ chức đưa ra yêu cầu số lượng cổ phần đặt mua tối thiểu là 5.000 cổ phần, tối đa là toàn bộ số cổ phần chào bán trên. Bước khối lượng mua là 10 cổ phần và bước giá là 100 đồng.
 
Lãnh đạo SCIC cho biết sẽ công bố giá khởi điểm tại ngày công bố thông tin (28/11) và tiếp theo là ngày 7/12 - trước khi diễn ra phiên chào bán chính thức 1 ngày.
 
Hiện nay tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của SCIC tại VCG là 57,79%, Viettel nắm giữ 21,28%, các cổ đông khác nắm giữ 20,93% còn lại. Nếu bán thành công số cổ phần lần này, SCIC chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ của VCG, tuy nhiên, SCIC vẫn là cổ đông lớn, có quyền phủ quyết các quyết định của Hội đồng quản trị.
 
Từ nay tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 36% vốn tại VCG 
 
Tại buổi chào hàng, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, có gần 100 nhà đầu tư từ các quỹ, tổ chức trong và ngoài nước tới tham dự, cho thấy sức hấp dẫn của VCG và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn nữa.
 
Tuy nhiên, đến khi nhà đầu tư xuống tiền đặt cọc thì mới có thông tin chi tiết về số lượng nhà đầu tư thực sự muốn mua cổ phần.
 
Ông Chi cũng cho biết thêm, Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ quy định ngành nghề kinh doanh của VCG không thuộc lĩnh vực mà Nhà nước nắm quyền chi phối hay nắm giữ lâu dài, nên việc thoái vốn tiếp sẽ được cân nhắc, tính toán để mang lại lợi ích nhất cho VCG cũng như SCIC từ nay tới năm 2020.
 
Điểm hạn chế nhất của cuộc chào bán này, theo ông Chi, là VCG có ngành nghề kinh doanh bất động sản và bị giới hạn room với nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49%, không thể cao hơn mức này.
 
Với việc sở hữu 27 công ty con, việc thoái vốn khỏi các công ty này sẽ được VCG cân nhắc và tiền thoái vốn sẽ được tập trung, dồn lực vào 2 công ty mới thành lập chuyên về xây lắp và đầu tư kinh doanh BĐS.
 
Trong những năm tiếp theo, VCG sẽ tập trung hoàn thiện dự án Splendora và theo ước tính của Tổng Giám đốc VCG thì năm 2018, dự án này sẽ mang về 430 tỷ lợi nhuận thuần, trừ đi các chi phí phát sinh sẽ còn hơn 200 tỷ đồng.
 
Việc SCIC bán cổ phần tại VCG là một trong những hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đối với DN này.
 
Sau đợt bán vốn Nhà nước mà SCIC làm đại diện chủ sở hữu tại Vinamilk, SCIC sẽ tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư tại TPHCM và Hà Nội cho các đợt chào bán cổ phần DN tiếp theo từ nay tới cuối năm, đó là: FPT, Nhựa Tiền phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP)…
 
Trong năm 2017, SCIC dự kiến sẽ rút vốn Nhà nước khỏi 85 DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, SCIC mới chỉ thoái vốn được ở 20 DN. Áp lực thoái vốn trong quý IV/2017 là rất lớn.
 
Hồi giữa năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”.
 
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.
 
Thành Chung (Theo Chinhphu.vn)
.
.
.
.