Chủ tịch SCIC: 'Không ngại tiếp nhận doanh nghiệp'
Thứ Sáu, 27/07/2018|11:46
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Nguyễn Đức Chi cho rằng, SCIC sẵn sàng tiếp nhận quyền đại điện vốn Nhà nước tại các DNNN đã cổ phần hoá nhưng việc tiếp nhận không dễ do vướng các quy định tại Thông tư số 118 của Bộ Tài chính.
Sáng 25/7, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sơ kết 6 tháng thực hiện nhiệm vụ của năm 2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ |
Đồng chí Nguyễn Đức Chi cho biết thông tin tại cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN) diễn ra ngày 26/7 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì.
Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định danh mục DN thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn từ 2017-2020 là 62 DN (năm 2017 là 4 DN, năm 2018 là 55 DN, năm 2019 là 3 DN).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017 có 24/62 DN đã chuyển giao về SCIC với số vốn là 821,14 tỷ đồng, còn lại 38/62 DN SCIC chưa chuyển giao với số vốn Nhà nước là 10.460 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận được 3 DN.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nhiều bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn bàn giao sớm “cả gói” DN Nhà nước (quyền đại diện vốn Nhà nước) đã cổ phần hoá về SCIC quản lý nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng SCIC chỉ nhận quyền đại diện vốn tại những DNNN có hồ sơ cổ phần hoá rõ ràng, “sạch”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề với SCIC: “Để quá trình cổ phần hoá được xử lý dứt điểm thì mất nhiều thời gian mới chuyển về SCIC được. Bây giờ SCIC nhận DN về rồi Bộ hỗ trợ xử lý có được không?”.
Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 3 DN chuyển giao quyền đại diện vốn về SCIC nhưng việc chuyển giao được chuẩn bị tốt. Hiện nay phát sinh 1 DN là Nhà xuất bản Nông nghiệp thì Bộ chủ quản đang cân nhắc chưa chuyển sang. 5 DN còn lại thì 3 DN đã sẵn sàng hồ sơ và 2 DN (cũng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xong hồ sơ nhưng còn tồn đọng vấn đề tài chính không phù hợp với thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. SCIC đã kiến nghị tiếp nhận nguyên trạng tài chính 2 DN này để tái cấu trúc, giải quyết vướng mắc cho DN nhưng Bộ Tài chính trả lời vẫn phải thực hiện theo các quy định về tài chính của Thông tư số 118 của Chính phủ, xử lý xong mới được chuyển giao về SCIC.
“Chúng tôi không phải từ chối những DN gặp vướng mắc khi cổ phần hoá nhưng kiến nghị cần chỉnh sửa các quy định về xử lý tài chính tại Thông tư 118”, ông Nguyễn Đức Chi nói.
Chủ tịch SCIC cũng cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương có nhiều DN đã cổ phần hoá nhưng chậm quyết toán lần 2 để chuyển giao. “Quyết toán lần 2 được coi là kỹ thuật tài chính phức tạp nên các đơn vị này chưa chuyển giao về SCIC, nên không rõ đến bao giờ SCIC mới tiếp nhận được”, ông Chi bày tỏ.
Nói về việc thực hiện nhiệm vụ bán vốn Nhà nước tại các DN mà SCIC làm đại diện vốn, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng công việc còn chậm trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tới nay, SCIC đã hoàn thành thủ tục bán vốn tại 7 DN thì thành công được 5 DN, còn 2 DN nhà đầu tư sau này thấy “hớ” thì rút đặt cọc. Tổng doanh thu 6 tháng được 2.650 tỷ đồng, chênh lệch giá vốn và tiền thu được là 2.400 tỷ đồng.
Chủ tịch SCIC cho biết, thuận lợi là SCIC đã bán vốn sớm trong khi thị trường chứng khoán hưng phấn. Tuy nhiên hiện nay, thị trường chứng khoán giảm điểm ảnh hưởng lớn tới hoạt động bán vốn của SCIC.
Ông Chi cũng đề xuất tới Ban Chỉ đạo một số kinh nghiệm để việc bán vốn Nhà nước hiệu quả hơn khi quy định hiện hành về xác định giá khởi điểm yêu cầu phải có 2 đơn vị tư vấn về định giá và tư vấn về thoái vốn (trước chỉ cần 1 đơn vị tư vấn cả quá trình thoái vốn) đại diện vốn Nhà nước phải phối hợp hài hoà giữa các bên.
Thêm nữa, Nghị định số 32 của Chính phủ quy định giá khởi điểm phải tính toán cả lợi thế về quyền thuê đất trả tiền hàng năm và giá trị lịch sử thương hiệu. SCIC đã chủ động bàn bạc, báo cáo với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để có thông tin sớm, tổ chức hội nghị với công ty thẩm định giá để đưa ra mức giá khởi điểm sát với yêu cầu của Nghị định. “Nếu Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể được thì bộ, ngành, địa phương nào cũng có thể làm được”, ông Chi nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chi, hiện nay thị trường chứng khoán giảm điểm sâu, mà Chính phủ yêu cầu bán vốn Nhà nước theo thị trường nên sẽ không tối đa lợi ích cho Nhà nước. Do đó, SCIC đề nghị Chính phủ xác định trường hợp DN cụ thể để bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Quốc Thanh (Theo Chinhphu.vn)
.