.
.

"Siêu Uỷ ban" và vai trò quyết định trong nâng tầm quản trị vốn nhà nước

Thứ Sáu, 21/09/2018|14:41

Với quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban), lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các Tổng công ty nhà nước đúng như thông lệ quốc tế về quản trị DN. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế để thực hiện tốt vai trò của mình, cần có nhiều bước đi để làm sao để quản lý và sinh lời vốn hiệu quả.

Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội.
Khó còn lý do cho sự chậm trễ
 
Thực tế, sau những bước đầu bỡ ngỡ, với hơn 10 kinh nghiệm của mình SCIC cũng đang thực hiện khá tốt vai trò kinh doanh vốn nhà nước. Tuy nhiên, với vị trí của mình, đơn vị này cũng gặp một số khó khăn nhất định. Có 62 doanh nghiệp mà các bộ, địa phương phải chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), theo chủ trương tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg về thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020.
 
Lộ trình thoái vốn nhà nước tiếp theo tại các doanh nghiệp trên cũng được giao cho SCIC. Nhưng đến nay, sau 1 năm Quyết định 1232 được ban hành, tính đến cuối tháng 8 vừa qua mới có 27 doanh nghiệp được bàn giao về SCIC, bao gồm cả 2 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông bàn giao hôm 31/8/2018. Có đủ lý do được các bộ ngành nêu ra nhưng tựu chung là “họ chưa chuyển giao đơn giản vì họ không muốn”, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ về vấn đề này.
Nói thêm về các líýdo, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng ông nhìn thấy “sự luyến tiếc” của các bộ, địa phương khi không muốn mất đi công cụ của mình. “Ông cho biết họ lấy lý do giữ doanh nghiệp lại để thực hiện công tác quản lý ngành, để phục vụ nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương...
 
Chính vì vậy, mong muốn thúc đẩy việc chuyển giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng SCIC dường như đang lực bất tòng tâm. “SCIC cũng chỉ là doanh nghiệp, không có quyền yêu cầu các bộ, địa phương phải bàn giao doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC chia sẻ khi được hỏi về vấn đề này.
 
Như vậy, điểm khác biệt rất rõ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra đời với vị thế của mình sẽ giải quyết các vấn đề, lý do viện cớ, tương tự như trên.
 
Các chuyên gia cho rằng, quan trọng là tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ.  Dự luận kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, tạo môi trường kinh doanh công bằng, nhưng cũng là bước chủ sở hữu nhà nước thực sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc quản lý và theo kinh tế thị trường.
 
Tại buổi Toạ đàm với chủ đề: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”  do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vừa qua, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khẳng định, dự thảo Nghị định do, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định khá rõ ràng, đầy đủ cụ thể quyền và trách nhiệm Uỷ ban quản lý vốn nhà nước. Trong đó, điểm được lớn nhất được kỳ vọng là Uỷ ban này phải tập trung vào quản lý được vốn, không đá bóng vừa thổi còi như một số bộ, ngành trước đây.
“Với tầm mức uỷ ban thuộc Chính phủ, “Siêu Uỷ ban” quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn nhà nước ở DN, theo tôi giai đoạn đầu thì Chính phủ hay lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo, cần hỗ trợ mạnh thực hiện đúng”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nói.
 
Ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, kỳ vọng, khi lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý lượng vốn lớn của các Tập đoàn của NN, mục đích đặt ra là khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. (Tránh tình trạng như trước đây, các bộ ngành ban hành chính sách lại vừa đi quản lý DN). Mục đích tiếp theo là làm sao quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Vì thế dự thảo giao chức năng quan trọng cho Uỷ ban là bảo đảm an toàn, khối lượng tài sản lớn của Nhà nước.
 
Trong quy định chức năng nhiệm vụ cần bảo đảm tính chủ động Uỷ ban. Nếu không tạo cơ chế Uỷ ban chủ động và tự chịu trách nhiệm.
 
“Cần quy định trách nhiệm rõ ràng, giao quyền phù hợp. Tôi mừng vì dự thảo Nghị quyết của Chính phủ có đưa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Uỷ ban này”, ông Phùng Văn Hùng nói.
 
“Việc SCIC về Uỷ ban này là đúng đắn, nhưng làm sao phát huy được vai trò SCIC, vẫn bảo đảm tính thống nhất của Uỷ ban này, SCIC có thể ví như công cụ giúp Uỷ ban này trong đầu tư và kinh doanh vốn hiệu quả”, đại diện Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói.
 
Phát huy thế mạnh của SCIC
 
Tuy nhiên, có một số điểm dư luận băn khoăn về cách thức vận hành và phân chia trách nhiệm. Uỷ ban đại diện các DN chủ sở hữu, trong uỷ ban có đại diện chủ sở hữu của 19 tập đoàn lớn, trong đó có SCIC là đại diện chủ sở hữu các DN chuyển giao từ các bộ ngành (ngoài các tập đoàn lớn thuộc Uỷ ban). Như vậy cách thức phân định trách nhiệm, vai trò đại diện chủ sở hữu phân địch thế nào để phát huy hiệu quả tối đa.
 
Bày tỏ quan điểm về vai trò của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho rằng, cần phải làm mới có cơ hội thành công như một số nước Singapore, Trung Quốc… đã làm tốt. Các bộ ngành cần tích cực hỗ trợ uỷ ban làm tốt, tránh tình trạng không phối hợp thống nhất kéo dài.
“Việc lập đơn vị thống nhất quản lý sẽ hợp lý hơn việc nhiều bộ trưởng làm tốt, không ngại, nếu ngồi đó sợ thì khó làm được. Giao quyền là quan trọng nhưng khi có quyền phải thực hiện cho tốt, tất nhiên, về kết quả vẫn cần chờ đợi sau khi chính thức vận hành”, ông Lưu Bích Hồ nói.
 
Lý giải cụ thể về vai trò của Uỷ ban và SCIC, ông Đặng Quyết Tiến-Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết thêm: Uỷ ban này quản lý 19 Tập đoàn lớn, trong đó gồm cả SCIC và 18 Tập đoàn còn lại như điện, than, dầu khí... SCIC có thể như một công cụ của Ủy ban trong quá trình đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Nếu 18 Tập đoàn còn lại thiếu nguồn, SCIC có thể cấp nguồn vốn mồi ban đầu, việc này có lợi khi tránh sự đầu tư trùng lắp. SCIC ngoài việc đưa ra vốn mồi cũng sẽ chịu trách nhiệm quản trị dự án, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban.
SCIC cũng là đơn vị giúp Uỷ ban, Chính phủ, tiếp nhận vốn NN từ các DN không thuộc 19 tập đoàn lớn của Nhà nước. SCIC với kinh nghiệm của mình có trách nhiệm thoái vốn, kinh doanh vốn Nhà nước đạt hiệu quả.
 
Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá đây là DN có nguồn lực thuê chuyên gia tốt, chịu trách nhiệm cao. Hiện SCIC cũng đã có  quy trình thoái vốn đúng, minh bạch, hiệu quả hơn.
 
“SCIC cũng sẽ giúp Uỷ ban không phải lo thêm việc thoái DN nhỏ, mà chỉ tập trung quản lý 19 tập đoàn lớn, làm sao nguồn lực không chồng chéo”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
 
Về triển khai nhiệm vụ sắp tới, ông Đặng Quyết Tiến đề xuất ý kiến Uỷ ban cần sớm phối hợp xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) quản lý hiệu quả các doanh nghiệp mình quản lý. 
 
“Nắm bắt thông tin, công khai minh bạch để xử lý là quan trọng, vì nếu con người làm thì xử lý 'tình' du di, còn máy làm thì không thể sai, cứ đúng là chạy ra hết, như thế công bằng hơn”, ông Đặng Quyết Tiến góp ý.
 
Theo lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, hiện Ủy ban đang thử nghiệm hệ thống quản lý trực tuyến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hệ thống này kết nối với các DN trực thuộc để Ủy ban theo dõi liên tục 24/24 hoạt động của DN này với các diễn biến về vốn, về sản xuất, năng suất lao động, hàng vào hàng ra cũng như cả diễn biến về nhân sự, nộp thuế…
 
Hệ thống sử dụng phần mềm quản lý hoạt động của các DN trực thuộc Ủy ban với bộ chỉ số quản lý của 4 nhóm ngành hàng theo tiêu chuẩn của OECD. Ngoài bộ chỉ số chung cho từng nhóm, Uỷ ban cũng thiết lập bộ chỉ số riêng cho từng DN, có so sánh với số liệu sản xuất kinh doanh, mức độ an toàn vốn của các DN khác cùng ngành.
 
Hệ thống còn áp dụng bộ chỉ số giám sát để phân tích, đánh giá sức khỏe của DN, đặc biệt là có hệ thống cảnh báo các rủi ro về tài chính, quản trị (khả năng trả nợ, khả năng thanh toán...) như: Các chỉ số về tài chính, kinh doanh, đầu tư, lao động, nhân sự, tiền lương, quản trị theo chuẩn mực OECD... Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.
 
Cho đến thời điểm này, dự kiến có 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Uỷ ban, với tổng số vốn vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng. 
Huy Thắng (Theo Chinhphu.vn)

 

.
.
.
.