.
.

Chính sách Bảo hiểm tiền gửi với “Năm cần” và “Ba có”

Thứ Sáu, 09/12/2011|01:30

 

Qua hơn 10 năm thành lập và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và của nền kinh tế nước ta nói chung, củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, người dân tin tưởng gửi tiền ngày càng nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng.  

Khi tham gia hội nhập, hệ thống tài chính, ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn hơn, vì vậy các nội dung trong chính sách BHTG ở Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với diễn biến tình hình mới. Xin mạnh dạn đưa ra những ý kiến nhằm góp phần vào hoạt động BHTG với phương châm “Năm cần” và “Ba có”.

Năm cần, đó là:

Thứ nhất, cần nhanh chóng ban hành Luật BHTG. Đây là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng tham gia BHTG, đồng thời, tuyên truyền bằng những phương pháp và cách thức đơn giản nhất đến mọi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để mọi người biết được những lợi ích của BHTG.

Thứ hai, cần mở rộng đối tượng tiền gửi được bảo hiểm là USD và vàng để như vậy sẽ thu hút được nhiều người tham gia gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, cần dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ các tổ chức tham gia BHTG để ngăn ngừa hiện tượng lách luật và làm sai của các tổ chức tham gia bảo hiểm, tạo được lòng tin với khách hàng, tránh tình trạng như trong thời gian vừa qua một số chi nhánh ngân hành đã tự ý đẩy lãi suất tiền gửi vượt quá 14%/năm theo quy định của Nhà nước nhằm thu hút khách. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ ràng, vai trò tham gia giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia của BHTG không phải với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay mà là một định chế tài chính độc lập cùng gánh vác và chia sẻ trách nhiệm đó thông qua hoạt động nghiệp vụ BHTG.

Thứ tư, cần sự tranh thủ sự hỗ trợ và phối kết hợp với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu chính sách BHTG và hoạt động của tổ chức BHTG. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi chi trả BHTG cho khách hàng.

Thứ năm, mục tiêu tiên quyết của tổ chức BHTG Việt Nam là thực hiện bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng, vì vậy Luật BHTG cần hướng tới mục tiêu cốt lõi đó là quyền lợi khách hàng và vị trí vai trò của tổ chức tham gia BHTG. Cần xem xét quy định trong Luật: khung hạn mức chi trả tiền bảo hiểm và xác định rõ thẩm quyền điều chỉnh hạn mức; áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro để đảm bảo nguyên tắc thị trường, công bằng giữa các tổ chức tham gia BHTG, tạo động lực tăng cường quản trị rủi ro của tổ chức tham gia BHTG, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tích lũy quỹ BHTG.

Ba có, đó là:

Thứ nhất, có đội ngũ chuyên nghiên cứu về hoạt động BHTG, đội ngũ tư vấn và làm công tác chuyên môn cao, tâm huyết với nghề trong cơ quan chuyên trách và các tổ chức tham gia BHTG.

Thứ hai, có nguồn tài chính dồi dào và độc lập thông qua việc tích lũy từ nguồn thu phí BHTG và một phần hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước. Vì vậy, tổ chức BHTG cần phải có và phải làm tốt chức năng đầu tư tự tìm kiếm lợi nhuận để tự tăng cường năng lực tài chính bảo đảm có đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần đến sự hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ.

Thứ ba, có hình thức kỷ luật, tuyên dương, khen thưởng xứng đáng đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt và không tốt các quy định về BHTG. Trên cơ sở “Năm cần” và “Ba có”, xin đề xuất một sáng kiến nhỏ: Trong quá trình triển khai Luật BHTG ở Việt Nam, đó là: Các cấp có thẩm quyền, tổ chức BHTG cần thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và trực tuyến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của khách hàng cũng như những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai Luật và những văn bản dưới Luật, từ đó có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh thế thị trường theo định hướng XHCN, phù hợp với thông lệ quốc tế tạo được uy tín và niềm tin với nhân dân, đây cũng là hình thức tuyên truyền dễ hiểu và thiết thực nhất.

Thay lời kết, thiết nghĩ, để một chính sách, một bộ luật thực sự đi vào thực tiễn và được mọi người đồng thuận ủng hộ cần xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.


Nguyễn Thị Chín
(Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đắc Lắc)

 

.
.
.
.