.
.

Những ngôi nhà chính sách trên miền sơn cước

Chủ Nhật, 29/01/2012|23:34

 

Ngày tái thành lập, năm 2007, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bao gồm 17 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có tới 61% hộ nghèo, còn nhà tạm, nhà dột thì nhiều vô kể, không làm sao thống kê hết. Ngay từ ngày đó, Tân Sơn đã được “xếp hạng” là huyện duy nhất - nghèo nhất ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh và nằm trong “top” 62 huyện nghèo nhất nước ta. Tuy phải bộn bề với công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng của một huyện mới nhưng với những cố gắng, nỗ lực của mình cùng sự giúp đỡ rất hiệu quả của Chính phủ, của các ngành, các cấp, trong đó có NHCSXH huyện Tân Sơn lại được coi là nơi dẫn đầu về chương trình xóa nhà tạm bợ, dột nát và giảm nghèo bền vững. Đoàn Nhà báo Trung ương được Ban biên tập “Thông tin NHCSXH Việt Nam” tạo điều kiện lên Tân Sơn vào dịp đầu Xuân để thâm nhập thực tế, chứng kiến đổi thay của miền sơn cước này.

Mặc dù được thông báo từ trước nhưng hôm nay chỉ có một mình Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn, Dương Anh Tuấn ra tận đầu dốc khu vườn quốc gia Xuân Sơn đón khách. Anh Tuấn bảo, mọi người trong ngân hàng đã đi cơ sở từ sáng sớm để tham gia đợt cao điểm của phong trào “3 nhà” chung tay, góp sức giúp dân làm nhà ở, xóa nhà dột nát nên đích danh Giám đốc ngân hàng trực tiếp phóng xe máy đưa Nhà báo vào thăm bản Lũng Hoa xa tít cuối xã Văn Luông. Hôm nay, Lũng Hoa rất vui vì có thêm một nhà “chính sách” nữa được khánh thành! (Ngày nay ở Tân Sơn người ta quen gọi vậy vì đây là nhà được vay vốn NHCSXH theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng để phân biệt với nhà Đại Đoàn kết, nhà Tình Thương... do MTTQ, các ngành ủng hộ, góp công sức xây dựng).

Chủ của ngôi nhà mới này, bà Hoàng Thị Ngụ, 57 tuổi dân tộc Nùng, xúc động nói với chúng tôi: “Cả đời mình bây giờ mới có ngôi nhà kiên cố như thế này để ở đấy. Từ nay trở đi, con mình, cháu mình chắc không phải lo lắng đến cái nhà bị dột nát nữa. Có nhà mới, gia đình mình có thêm thời gian, sức khỏe để lao động làm ra nhiều hạt lúa, bắp ngô hơn mà. Cám ơn Chính phủ và NHCSXH lắm.”

Có đến tận vùng sâu Lũng Hoa, trước sự nghèo khó của người Nùng, người Mông, trước những căn nhà xiêu vẹo, dột nát mới thấy niềm vui hân hoan của người dân khi được sở hữu một ngôi nhà mới, lại là nhà xây kiên cố, nó có giá trị biết nhường nào.

Trong chương trình xóa nhà tạm bợ tại huyện nghèo Tân Sơn, bà Hoàng Thị Ngụ đã được đưa vào danh sách. Tuy được phê duyệt muộn so với các hộ khác nhưng gia đình bà lại gặp may mắn hơn vì lần này bà được hẳn “ba nhà” hỗ trợ tiền. Đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và ngân hàng. Ngoài 16 triệu đồng của Nhà nước và Tổng Công ty xi măng hỗ trợ, bà còn được vay 8 triệu đồng lãi suất ưu đãi của NHCSXH để xóa hết cái căn nhà lợp cỏ tranh mà mưa nhỏ cũng dột nước, nắng nhẹ cũng vào nhà. Với 24 triệu đồng trong tay, sau 3 tháng vận chuyển vật liệu, cùng sự giúp đỡ về nhân công của bà con thôn bản, họ tộc, bà Ngụ và gia đình đã làm xong ngôi nhà 3 gian vững chãi, thoáng đãng.

Tôi đang mải xem Phóng viên ảnh TTXVN Trần Việt xoay ống kính máy ảnh, chọn góc độ chụp ảnh, không khí đông vui nhộn nhịp trong ngôi nhà mới của gia đình bà Hoàng Thị Ngụ thì chợt nghe tiếng gọi của cán bộ Thông tin tuyên truyền “NHCSXH Minh Đạo: “Mời các Nhà báo dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện các tổ chức hội, đoàn thể của xã Văn Luông”.

Vốn là Biên tập viên cao cấp nay làm Cộng tác viên tự nguyện cho Website và Bản tin “Thông tin NHCSXH Việt Nam”, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc với những người trong 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội ND, PN, CCB và Đoàn TN làm công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại cuộc tiếp xúc đầu Xuân trên miền sơn cước này đã giúp tôi thêm nhiều tư liệu viết báo, đồng thời để lại ấn tượng tốt đẹp về hoạt động của NHCSXH đối với chương trình làm nhà ở, xóa nhà tạm bợ cho người dân nghèo.

Mở đầu buổi trao đổi với báo giới, bác Chủ tịch Hội ND xã vùng sâu Văn Luông Phùng Mạnh Tuất cho biết: “Cùng với các xã ở huyện miền núi Tân Sơn, Văn Luông có nhiều cái “đặc thù”. Đặc thù lớn nhất ở đây là tỷ lệ hộ nghèo cao; nhà tạm bợ, nhà dột nát nhiều hơn và đồng bào DTTS sinh sống cũng đông hơn. Thêm nữa, trình độ dân trí thấp nên trở thành những cản trở cho việc vượt khó đi lên. Đối diện với nghèo đói cũng là thách thức lớn cho bất cứ cán bộ, đơn vị nào của thôn, xã, tất nhiên đối với cả chúng tôi, những người làm công tác hội”.

Ngồi bên cạnh tôi, nữ Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam Hoàng Thủy vừa uống hết bát nước chè xanh, hỏi chuyện: “Mới ngày nào Văn Luông hầu như đi lên từ con số không, nhưng được biết, chỉ sau 4 năm vùng quê này đã thành nơi dẫn đầu huyện Tân Sơn và của cả tỉnh Phú Thọ về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vậy những nguyên nhân đột phá với nghèo khó là gì?”.

Chị Hà Thị Liên, người dân tộc Mường, hiện làm Chủ tịch Hội PN xã có nụ cười đôn hậu, đáp lời: “Vâng, đây có thể là niềm tự hào của vùng quê Văn Luông cũng như chị em chúng tôi làm công tác vận động quần chúng, đã được các cấp, các ngành ghi nhận. Tỷ lệ hộ dân rơi vào tình trạng khó khăn về nhà ở đã đưa chúng tôi đứng trước một sức ép “khó phá thế”. Nhưng việc an dân, “an cư lạc nghiệp” như ông cha ta từng nói là cái phải làm, cần tìm cách vượt qua. Thế nên cùng các tổ chức hội, đoàn thể trong xã, Hội PN Văn Luông đã chủ động từ việc thống kê, đề xuất ra phương án đến công tác vận động nhân dân sử dụng các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH; làm cho chương trình xây dựng nhà “chính sách” xóa nhà tranh tre, hư hỏng trở thành một phong trào lớn của địa phương”.

Ngay sau phát biểu sôi nổi của đồng chí Chủ tịch Hội CCB và Bí thư Đoàn TN xã về tác dụng trong phối hợp công tác giữa các đơn vị này với NHCSXH huyện triển khai chương trình làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ cho từng thôn, bản, tôi đã có cuộc nói chuyện thân tình, thay cho cuộc phỏng vấn bằng máy ghi âm “nghiêm chỉnh” với Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn Dương Anh Tuấn, một chàng trai khỏe khoắn, hiền khô được sinh ra ở làng quê nghèo, trên đất Tổ và trưởng thành từ cán bộ tín dụng ngân hàng, từng “3 cùng”: Cùng bám sát thôn bản; cùng bàn bạc với cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể và cùng hướng dẫn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi của Nhà nước đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Dương Anh Tuấn, chúng tôi được biết, thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, 12 chàng trai, cô gái làm công tác tín dụng chính sách nơi đây đã thường xuyên quên cả giờ ăn và làm việc không kể ngày nghỉ, chẳng quản suối sâu, đèo cao, mang nhanh tiền vốn đến tận hộ nghèo, tới mãi vùng sâu để làm nhà “chính sách”, mở đầu là việc giải ngân đồng loạt ở 5 xã đặc biệt khó khăn vào giữa năm 2009.

Tiếp đến, với lòng tràn đầy nhiệt huyết, các chàng trai, cô gái ấy đã tự nguyện tham gia phong trào “3 nhà” chung sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo ở 12 xã còn lại trong huyện. Để đồng vốn chính sách đến kịp thời, đạt kết quả, họ còn họp bàn kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ với cán bộ hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở và Ban quản lý Tổ TK&VV tiến hành bình xét công khai, dân chủ, công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ để làm nhà ở, xóa nhà tạm.

Tính đến Xuân này, sau 3 năm, hơn 27 tỷ đồng của NHCSXH huyện Tân Sơn đã cùng chung sức xóa đi gần 4 nghìn căn nhà hư hỏng và xây mới hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà vững chắc trên khắp vùng núi cao của huyện nghèo này.

Trọn một ngày ở huyện nghèo nhất tỉnh Phú Thọ, chúng tôi say mê thu thập tài liệu, quay phim, chụp ảnh, để đến lúc mặt trời chếch núi mới ra xe ngược lên Tuyên Quang. Tiễn Đoàn Nhà báo ra chân đèo Thu Cúc - Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn nói thêm: Với những đổi thay và những ngôi nhà chính sách, người dân nơi đây đã vui và yên tâm lắm rồi. Và niềm vui trong tôi càng phấn chấn hơn bởi niềm tin xóa nghèo trên miền sơn cước này nhanh chóng đạt kết quả, hướng đến hiện thực về mùa Xuân ấm no, hạnh phúc trong đời.

Đinh Hợi Du

 

.
.
.
.