.
.

Ý nghĩa từ một dự án

Thứ Hai, 13/02/2012|23:03

 

Nhu cầu về việc làm cho người sống chung với HIV và người sau cai nghiện ma túy ngày càng trở nên cấp thiết. Việc cung cấp các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm nhỏ, phù hợp với nhóm đối tượng này được xác định là một trong những chiến lược và công cụ hữu hiệu giúp cho nhóm đối tượng tự tạo việc làm, độc lập hơn về mặt kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm thiểu khả năng tổn thương về kinh tế và nguy cơ lây nhiễm HIV.

Dự án thí điểm “Mô hình cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, tạo việc làm cho người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người sau cai nghiện ma túy” nằm trong khuôn khổ chương trình tài trợ của Quỹ cứu trợ Chính phủ Mỹ (USAID) đã được ba đơn vị ký kết thực hiện là: NHCSXH, Tổ chức Chemonics Việt Nam và Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI), trong đó tổ chức FHI là đơn vị tiếp nhận tài trợ từ USAID. Số tiền 70 nghìn USD sau khi FHI tiếp nhận sẽ được chuyển giao không hoàn lại cho NHCSXH để thực hiện việc giải ngân cho khoảng 70 đối tượng thụ hưởng thí điểm tại 3 quận của TP. Hồ Chí Minh: Bình Thạnh, Quận 4 và Quận 8.

Biên bản thỏa thuận được ký kết giữa ba bên vào ngày 27/4/2011 với mục tiêu chung là cung cấp dịch vụ tài chính vi mô bằng các nguồn tài trợ và nguồn lực của địa phương nhằm giúp cho những người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người sau cai nghiện ma túy, tạo điều kiện cho họ tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm thiểu khả năng tổn thương về kinh tế và nguy cơ lây nhiễm HIV. Theo thỏa thuận, các bên nhất trí thiết lập một chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ tạo việc làm và cơ hội kinh tế cho những người sống chung và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và sau cai nghiện ma túy thông qua các hoạt động của dự án. Tổ chức Chemonics Việt Nam sẽ hỗ trợ kỹ thuật về tài chính cho các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng, Tổ trưởng Tổ TK&VV và các cán bộ, cộng tác viên địa phương của FHI và nhóm đối tượng của dự án trong quá trình thực hiện; lựa chọn và ký hợp đồng với một tổ chức phù hợp để cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn và kỹ năng kinh doanh cho người vay trong quá trình sử dụng vốn; tham gia và hỗ trợ NHCSXH trong việc tuyên truyền về mô hình của dự án để nhân rộng và huy động thêm tài trợ từ ngân sách địa phương cho nhóm đối tượng đích của dự án. Tổ chức FHI ngoài việc tài trợ vốn vay cho NHCSXH còn làm việc với Ủy ban phòng chống AIDS TP. Hồ Chí Minh để lồng ghép triển khai hoạt động dự án vào trong các hoạt động hiện hành, triển khai các hoạt động liên quan của Tổ TK&VV đối với đối tượng dự án tại các phòng khám Methadone và OPC của FHI trên địa bàn Quận 4, Quận 8 và Bình Thạnh; đôn đốc và giám sát các nhân viên tư vấn của FHI và mạng lưới cán sự xã hội trong quá trình họ lựa chọn đối tượng vay, giám sát quá trình sử dụng và trả nợ vay; vai trò của FHI được đánh giá cao trong việc chọn lọc đối tượng chuyển giao cho NHCSXH. Nhóm đối tượng sử dụng vốn vay là những người sống chung với HIV có đủ điều kiện sức khỏe để làm việc và lao động được giới thiệu hoặc đang điều trị ARV ổn định tại các phòng khám ngoại trú OPC của FHI ở TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân methadone đang duy trì liều ổn định tại các phòng khám mathadone của FHI ở TP. Hồ Chí Minh và người tái hòa nhập cộng đồng từ các trung tâm.

             

Một khách hàng trên địa bàn Quận 4 nhờ được tiếp cận vốn của dự án nên đã có việc làm, mang lại thu nhập ổn định

 

Dự án là sự nỗ lực chung giữa chính quyền địa phương và các ngành khác để hỗ trợ người có HIV và người sau cai nghiện nhằm tăng cường khả năng phát triển kinh tế của họ giúp họ hội nhập tốt hơn vào xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cách tiếp cận sáng tạo này là tạo ra một tiếp cận bền vững với các dịch vụ tài chính cho các nhóm mục tiêu cụ thể và tăng khả năng bền vững của nguồn vốn cho vay vi mô đối với họ. Ngoài ra, nhóm đối tượng thụ hưởng dự án còn có cơ hội tham gia các khóa đào tạo và tư vấn về kỹ năng kinh doanh, biết tự lập kế hoạch kinh doanh sử dụng vốn và được giới thiệu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Dự án khởi động phát vay từ tháng 8/2011. Đối tượng thụ hưởng là người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng từ các trung tâm về các quận có can thiệp của FHI hoặc bệnh nhân Methadone tại các phòng khám methadone của FHI hoặc người sống chung với HIV đang điều trị ARV ổn định tại các phòng khám ngoại trú OPC của FHI tại các quận thực hiện dự án có đủ điều kiện sức khỏe để làm việc, có trong danh sách do FHI cung cấp. Các đối tượng này được chuyển gửi cho Công ty ATS, đơn vị tổ chức các khóa đào tạo và tư vấn về kỹ năng kinh doanh do USAID thanh toán chi phí. Sau khóa đào tạo này, ATS chọn lọc một lần nữa các đối tượng tiềm năng và đề xuất mức cho vay chuyển gửi sang NHCSXH. Gia đình có đối tượng thụ hưởng dự án đồng ý bảo lãnh cho đối tượng, có mong muốn tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống, có trách nhiệm trong việc đứng ra vay vốn và hoàn trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng. Khách hàng phải tham gia Tổ TK&VV, được UBND xã/phường xác nhận cư trú hợp pháp tại địa phương. Mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/hộ; lãi suất cho vay 0,65%/tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Đến nay, dự án đã thực hiện giải ngân cho 55 khách hàng với tổng dư nợ là 875 triệu đồng. Qua giám sát sử dụng vốn vay cho thấy, hầu hết khách hàng nhận vốn vay đã đầu tư vào kinh doanh và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, đóng lãi đầy đủ khi đến kỳ trả lãi và còn gửi cả tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV.

Hàng tháng, tất cả các bên cùng nhau gặp gỡ trong cuộc họp giao ban để trao đổi, bàn bạc về tiến độ thực hiện dự án và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đến nay, dự án đã thực hiện được gần hết các chỉ tiêu đề ra. Khách hàng được vay vốn rất phấn khởi, tự tin làm ăn kinh tế, giảm bớt được sự kỳ thị của xã hội, họ đã tái hòa nhập cộng đồng, ổn định về kinh tế gia đình. Thông qua dự án cán bộ NHCSXH TP. Hồ Chí Minh được đào tạo nâng cao năng lực trong quá trình thực hiện, có thêm thông tin về tình hình HIV ở thành phố và nắm được kiến thức cơ bản về HIV, về điều trị Methadone, hiểu được ý nghĩa của việc hỗ trợ các đối tượng tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô, quy trình chuyển gửi và trách nhiệm các bên tham gia. Mục tiêu chung của dự án đã đạt được, đó là việc huy động nguồn vốn địa phương để tiếp tục mở rộng cho vay các đối tượng trên địa bàn. Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh có thông báo chính thức về việc trích một khoản từ ngân sách của thành phố từ năm 2012 đến năm 2015, giao cho NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cho vay các đối tượng là người đang cai nghiện, sau cai nghiện ma túy và gia đình tự tạo việc làm ổn định.

Trong năm 2012, số nguồn được trích là 2 tỷ đồng. Đó là tin vui cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, thử thách cũng không ít cho NHCSXH TP. Hồ Chí Minh khi phải huy động mọi nguồn lực để duy trì các hoạt động nâng cao năng lực về kinh doanh cho nhóm đối tượng này.

Đào Thị Hạnh

 

.
.
.
.