.
.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn: Đồng vốn thức dậy đất nghèo

Thứ Sáu, 10/02/2012|09:03

Trong hành trình viết văn, làm báo, tôi đã quen anh hơn 20 năm và biết anh quê ở vùng châu thổ sông Hồng nhưng lại lên miền núi cao Việt Bắc làm công tác tín dụng ngân hàng, để rồi năm 1995 chuyển sang đầu quân cho mặt trận XĐGN, trực tiếp làm việc ở Ngân hàng Phục vụ người nghèo, liên tục đến nay là Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn - Trần Xuân Lễ.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn - Trần Xuân Lễ
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn - Trần Xuân Lễ

Xin quý bạn đọc thông cảm cho phần mở đầu này hơi dài dòng bởi người tôi quen biết, Giám đốc Lễ, vốn trầm tính, lại rất kiệm lời kể về mình, dù bản thân anh đang là một trong những điển hình tiên tiến trong quản lý nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và cũng đã gần trọn cả cuộc đời đồng hành, phấn đấu vì người nghèo, vì vùng dân tộc miền núi. Hôm gặp nhau ở Hội nghị thi đua yêu nước, hỏi về những đổi thay của miền rừng núi đại ngàn Bắc Kạn, tôi được anh giới thiệu tới Pác Nặm - vốn là nơi xa nhất, cao nhất và nghèo nhất của tỉnh mà lại đang có “tiếng lành” về sự đổi thay, “vang xa” khắp đất nước, thì chắc hẳn có nhiều đề tài hay để viết báo lắm đây. Vậy là tôi đi và rủ thêm vài phóng viên trẻ nữa cùng đi.

Con đường lên Pác Nặm có xa (cách Hà Nội chừng 300km và TX. Bắc Kạn khoảng 100km), đèo dốc quanh co nhưng giờ đã dễ đi lắm rồi. Đường chưa rộng rãi thênh thang nhưng đã trải nhựa phẳng phiu, nhộn nhịp các loại xe chạy, nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta hay gặp ở miền rừng đã vợi đi rất nhiều.

Lần lên Pác Nặm này lại làm tôi nhớ đến con đường mà gần 10 năm trước tôi từng đi qua. Ngày ấy, huyện Pác Nặm vừa được thành lập, tháng 5/2003, tách ra từ huyện Ba Bể chỉ có duy nhất 20 cây số đường rải đá, gập ghềnh, còn lại là đường đất ngập bùn.

Ngược dòng lịch sử, trước đây, không chỉ có riêng những con đường “lộ hành nan”, mà toàn bộ 30 nghìn dân Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Sán Chỉ, Hoa ở 10 xã thuộc huyện Pác Nặm cũng khó khăn vô cùng về cuộc sống; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 56%. Đói kém cùng với ruộng đất hạn hẹp đã dẫn đến tệ phá rừng làm nương rẫy để mưu sinh.

Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp, các ngành đã trăn trở tìm hướng, mở kế nhằm đổi đời cho nhân dân Pác Nặm. Nhưng đụng vào đâu, vướng đến đó, vì một nguyên nhân rất đơn giản nhưng đeo đẳng, bao trùm: Thiếu tiền. Thế rồi cũng như các vùng miền khác, cái nghèo của Pác Nặm đã được chú ý. Với các chương trình, dự án như 134, 135 và đặc biệt với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH cũng như mới đây là chương trình xóa nghèo bền vững của Chính phủ (Nghị quyết 30a) chảy về, làm cho đất Pác Nặm, người Pác Nặm có cơ hội “nghìn năm có một” để vươn lên. Chính sách về, cùng các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại. Bàn bạc, tính toán, đề ra phương pháp. Thế mạnh nông, lâm nghiệp đã được lựa chọn. Toàn dân, toàn huyện bắt đầu xuống ruộng, lên rừng để tạo nguồn thu cho mình.

            

Vốn vay đánh thức vùng đất nghèo khó bao năm với đồng bào dân tộc

ở huyện nghèo Pác Nặm

Để đồng vốn ưu đãi của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, có kết quả, một Phòng giao dịch của NHCSXH khẩn trương mở cửa trên vùng núi cao Pác Nặm sau đúng có 6 tháng huyện này tái thành lập. Cùng với đó, cán bộ ngân hàng sung sức, nhiệt tình cũng được đưa về. Với chương trình cho vay hộ nghèo, 10 tỷ đồng vốn ưu đãi đã được giải ngân kịp thời đợt đầu tiên cho những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngày nay, người ta vẫn nhớ như in hình ảnh cán bộ NHCSXH gần 10 năm về trước khi thì phóng xe máy vượt đèo cao, lúc lại lội bộ qua khe suối để đem tiền đến tận điểm giao dịch ở các xã cho dân vay. Đây nữa, việc người đứng đầu chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh như Trần Xuân Lễ đã có nhiều ngày liền và nhiều lần liên tiếp trong năm 2004 về Pác Nặm tham gia “3 cùng” với nhân viên, trực tiếp chỉ đạo công tác tín dụng chính sách là một trường hợp hiếm thấy, song “ở trong hệ thống NHCSXH đó là chuyện thường ngày mà thôi”, anh Lễ nhỏ nhẹ nói với tôi như vậy.

Có thể đúng một phần, những chuyện ấy là chuyện thường ngày xảy ra ở NHCSXH, nhưng việc triển khai cho vay và dám vay vốn ưu đãi của người Mông, người Dao… Ở Pác Nặm lúc đầu cũng lắm gian nan, cũng không dễ dàng như ngày nay đâu. Sau đây là chuyện kể thật 100% ở bản Lũng Páng, xã Bằng Thành, nơi cách xa trung tâm huyện 47km có hơn 100 hộ người Mông, người Nùng sinh sống. Do nghèo nàn, lạc hậu nên người dân nơi đây luôn có tâm lý là ít dám vay mượn. Ngoài “sợ tiếng xấu” thì họ còn có suy nghĩ là vay rồi, nếu không làm được thì không biết lấy gì để trả đây. Nắm bắt được tâm lý này của dân, kết hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ tín dụng cùng đích thân Lưu Thông Hiểu - Giám đốc NHCSXH huyện xuống bản khuyến khích, thuyết phục đồng bào DTTS, để rồi họ tự giác, mạnh dạn tiếp cận, điền những nét bút đầu tiên vào tờ đơn xin vay vốn. Vốn về, trâu bò được nuôi lại có sự trợ giúp của Hội ND, Hội PN, nên đàn gia súc được nhân rộng. Một nhà vay vốn ưu đãi, một nhà dùng vốn vay để chăn nuôi, nhà hàng xóm thấy hay hay cũng làm theo. Sau vài năm ngắn ngủi, bản Lùng Páng đã đưa tổng đàn gia súc lên hàng nghìn con. Trâu, bò, ngựa ngoài việc dùng cho cày, kéo, còn đâu lựa bán cho miền xuôi, ngoài thị xã làm cho đời sống dân bản ấm dần theo năm tháng.

Còn ở xã Bộc Bố gần trung tâm huyện Pác Nặm thời gian qua có phong trào sử dụng vốn vay NHCSXH để thực hiện đầu tư “việc to không bỏ, việc nhỏ không xót” do vậy đã tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế cho xã hội, cho dân. Hiện tại, Bộc Bố có dư nợ với NHCSXH cao nhất huyện, với 23 tỷ đồng. Nhờ đó, ruộng đồng được thâm canh năng suất cao, tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh mẽ, ổn định. Cùng với việc tập trung vốn ưu đãi đầu tư mở rộng cây quế làm cây chủ lực của rừng thì các loại cây nguyên liệu giấy như: Bạch đàn, keo, bồ đề cũng được ưu tiên đầu tư để phủ kín các ngọn đồi trống, cánh rừng trọc do việc phá rừng trước đây để lại.

            

Thào Văn Loóng gương điển hình vay vốn ở vùng đất nghèo Pác Nặm

Tính đến nay, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, kể cả vốn hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và vốn giảm nghèo bền vững của Nghị quyết 30a mới bổ sung, giao cho NHCSXH giải ngân trên vùng cao Pác Nặm lên tới 200 tỷ đồng. Vốn về thức dậy đất nghèo và hiện lên nhiều gương sáng làm giàu. Đơn cử như anh Thào Văn Loóng, người Mông ở bản Phiêng Lủng, xã Bộc Bố. Mười năm về trước, làng quê ánh điện chưa có, nhà anh đói nghèo. Thế rồi cũng như các gia đình khác, cái nghèo của Thào Văn Loóng được xóa đi. Năm 2005, thông qua Hội ND, anh được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu bò và bước đầu thu được kết quả nhất định. Từ động lực đó, 3 năm sau, anh vay tiếp 30 triệu đồng của NHCSXH huyện làm mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Nhờ chịu thương chịu khó và biết cách sử dụng vốn vay ngân hàng, phần nữa quê nhà mới có điện sáng, có đường rộng, đã làm đà cho anh làm nên một cơ ngơi bao gồm 2 ao cá rộng hơn 3.000m2, 1 đàn trâu béo mộng 18 con, 3 quả đồi rộng 6ha xanh um cây keo lá tràm, hàng năm cho thu nhập cỡ 150 - 180 triệu đồng. Anh Loóng cười ngất, nói rõ to với tôi: “Vì có Nhà nước quan tâm với việc đưa tiền đầu tư về và cho cán bộ đến hướng dẫn dân nghèo nên mình mới làm ra cái trang trại to lớn như thế này và gia đình giàu lên trông thấy!”

Nắm bàn tay chai sần của Loóng, tôi hỏi: “Ngoài anh ra, ở bản này còn những ai là hộ giàu, ăn nên làm ra nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH nữa?”

Thào Văn Loóng, cười tiếp bộc bạch: “Người có kinh tế khá nhờ vay vốn chính sách ở Phiêng Lủng giờ thì nhiều lắm, không kể hết được đâu. Người giàu nhất là Thào Thị Yếng ở gần nhà mình đấy”. “Nó” nuôi cả đàn trâu 100 con và trồng đến mấy quả đồi đỗ tương sai quả, thu nhiều tiền vô kể. “Nó” dùng vốn NHCSXH để làm giàu, đến cán bộ xã, huyện còn biết cơ mà”.

Thế là tôi lại đi, đi trong mênh mông của vùng đất nghèo đang được đánh thức để gặp gỡ, chuyện trò với những người dân vươn lên vượt khó, làm giàu nhờ sự hỗ trợ của đồng vốn ưu đãi của Nhà nước; tôi vui lâng lâng, mở máy điện thoại nghe giọng nói thân thuộc, ngọt ngào của Lương Xuân, cô gái làm công tác truyền thông của NHCSXH Trung ương; “Chào Nhà báo lão thành! (anh em trẻ quen gọi thế vì tôi cũng lớn tuổi). Thông tin NHCSXH mời bác tham gia viết bài cho số Xuân Nhâm Thìn 2012 nhé!

Lòng đầy hưng phấn, tôi đáp; “Sẵn sàng ngay!”

Tôi đã sẵn sàng rồi vì đã đi tới vùng cao Pác Nặm và dự định viết về những đổi thay của vùng đất nghèo được đánh thức bởi các chương trình, nguồn vốn, trong đó chủ lực là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Ký sự này với đầy xúc cảm và tri ân của người viết gửi tặng những người đã và đang làm công tác tín dụng chính sách ở Pác Nặm, ở Bắc Kạn, ở mọi miền của Tổ quốc yêu thương.

Ký sự của Từ Tây Sang Đông

.
.
.
.