.
.

Vị thế của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Thứ Ba, 03/01/2012|23:59

 

(ĐUKDNTW) - Có thể nói, trong suốt cả cuộc đời gần 40 năm cầm bút, với tôi có một kỷ niệm khó quên, đó là dấu ấn của Tổ tư vấn cùng chụm đầu xây dựng đề án thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg) và những đóng góp to lớn của Ngân hàng này trong sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của đất nước.

 

Tôi còn nhớ như in, cách đây khoảng 15, 16 năm, trong một căn phòng nhỏ tại Nhà khách NHNo&PTNT Việt Nam ở C7 phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội, Tổ tư vấn có 03 người là anh Hoàng Nghĩa Tứ, chuyên viên cao cấp thuộc Văn phòng Chính phủ chuyên theo dõi ngành Ngân hàng, chị Nguyễn Thị Tạo, chuyên viên NHNo&PTNT và anh Đài, nguyên Giám đốc NHNo&PTNT TP. Hồ Chí Minh, được giao một nhiệm vụ trọng đại, cặm cụi làm việc hết mình. Trong phòng làm việc của Tổ, không có gì khác ngoài các loại văn bản, báo chí, tài liệu tham khảo và một bộ ấm chén trà công vụ. Ngày này sang ngày khác, Tổ tư vấn cứ miệt mài luận bàn, trao đổi, ghi chép thường xuyên, hết bổ sung, cắt bỏ, lại bổ sung mục này sang mục khác cho đến khi Đề án được hoàn thiện, trình cấp trên xem xét. Và, sau đó không lâu, Đề án được Lãnh đạo ngành và Chính phủ phê duyệt. Bộ máy của NHNg trong hệ thống NHNo&PTNT bắt đầu được hình thành từ Trung ương đến cơ sở. Ai cũng phấn khởi tự hào vì được Ngân hàng mẹ giao cho nhiệm vụ chuyên trách tiếp vốn cho cộng đồng người dân nghèo trong cả nước. Song, cũng chính từ chức năng nhiệm vụ riêng có này mà vui mừng - trăn trở cũng đan xen; có lúc trăn trở, lo âu lại trần lên tất cả, bởi các hộ nghèo phổ biến là đồng bào các DTTS, cư trú rải rác ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, leo núi bộ hành là chính. Trình độ dân trí đã thấp, lại không đồng đều. Được nghe đôi câu chuyện có thật mà cán bộ NHNo&PTNT trước đây "gửi" lại, càng lo lắng hơn. Đó là, có nhiều hộ vay nhưng không trả, vì cứ nghĩ đây là tiền Chính phủ cho mình, cũng có hộ nhận vốn về nhưng không biết làm gì, đành cuộn lại cho vào ống tre gác lên mái nhà, đến hạn cán bộ Ngân hàng đến thu nợ là trả. Rồi cũng có người vay vốn về làm ăn không hiệu quả, đến hạn cũng không muốn trả nợ. Được sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giúp đỡ của 4 tổ chức hội, đoàn thể và nhận thức của cộng đồng người nghèo ngày một được cải thiện, nâng lên. Đội ngũ cán bộ NHNg ngày càng thêm thuận lợi đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến cho từng chương trình và đối tượng thụ hưởng. Mọi quan hệ giữa cán bộ Ngân hàng với bà con thôn, bản miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa vì thế mà ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Doanh số và hiệu quả tín dụng ngày một nâng cao. Chỉ sau ba, bốn năm triển khai, nhiều gia đình xoá được đói, nhiều hộ thoát được nghèo, bước vào "tốp" làm giàu. Bức tranh kinh tế nông thôn, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi cao, hải đảo xa xôi có thêm nhiều tín hiệu vui, mặc dầu so với mặt bằng chung cả nước thì vẫn còn khoảng cách lớn, phải tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng quy mô tín dụng ở mức cao và ổn định hơn.

Trước thực tế đó, NHNN Việt Nam làm tiếp công văn trình lên Chính phủ cho phép NHNg hoạt động độc lập, có đầy đủ tư cách pháp nhân. Đúng như ý muốn, ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại NHNg. Vậy là, từ đây, một hệ thống Ngân hàng đặc biệt, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận bắt đầu có chỗ đứng độc lập trên thương trường đổi mới, hội nhập, mặc dầu tổng nguồn vốn tự có so với các hệ thống NHTM khác là đang quá nhỏ nhoi (chỉ có 7.083 tỷ đồng). Từ việc chỉ tổ chức thực hiện tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, năm 2003 nhận bàn giao nguồn vốn GQVL từ Kho bạc Nhà nước và nguồn vốn cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương và từ đó đến nay liên tục được Chính phủ giao thêm nhiệm vụ cho vay nhiều chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiện nay đã lên tới 18 chương trình tín dụng. Đến hết năm 2011, tổng dư nợ cho các chương trình tín dụng đạt trên 103 nghìn tỷ đồng, trong đó: Chương trình hộ nghèo, GQVL, HSSV, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167, NS&VSMTNT... có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả về số tuyệt đối và tương đối. Do đặc điểm riêng có của từng chương trình và đối tượng thụ hưởng, đồng vốn tín dụng của NHCSXH phổ biến là từ các thành phố, thị xã "chảy ngược" lên các tỉnh miền núi vùng cao, hải đảo xa xôi, về các cụm dân cư và đồng bào DTTS nghèo trong cả nước. Và, cũng từ đặc điểm phổ biến riêng có này mà trong hoạt động, NHCSXH nói chung và cán bộ tín dụng nói riêng cũng vất vả, bận rộn hơn nhiều so với các NHTM khác. Bởi, khách hàng nghèo thường cư trú rải rác nơi hẻo lánh, xa xôi. Ngôn ngữ bất đồng. Muốn giao dịch, thẩm định dự án, cán bộ Ngân hàng lại phải học và biết nói tiếng của đồng bào DTTS. Một ngày chưa xong việc lại phải ngủ nhờ nhà dân, nhà khách chính quyền xã (nếu có) để hôm sau làm tiếp. "Cơm bụi" không chỉ đối với cán bộ tín dụng mà cả với Lãnh đạo NHCSXH tỉnh, huyện là chuyện thường tình...

NHCSXH được Chính phủ giao cho vay tới 18 chương trình tín dụng, chương trình nào cũng có ý nghĩa

Với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của cấp uỷ, chính quyền, 4 tổ chức hội, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương và sự nỗ lực của mình, liên tục trong nhiều năm nay, toàn hệ thống NHCSXH đã tích cực triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH ngày đêm lan toả, cơ bản đến đúng tay, đúng chỗ cần hỗ trợ, thực sự là những đòn bẩy vực dậy, đẩy lùi khó khăn cho cộng đồng người nghèo. Bức tranh kinh tế - xã hội nói chung, của cộng đồng nghèo ngày càng có nhiều điểm sáng, khởi sắc. Hơn 2,5 triệu hộ thoát nghèo, 2,5 triệu lao động có việc làm, trên 2,4 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 3,1 triệu công trình NS&VSMTNT, gần 400 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và gia đình trong diện chính sách chưa có nhà ở... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo đã có tốc độ giảm tương đối nhanh. Cụ thể, trong ba năm thực hiện Nghị quyết 30a, tổng vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho chương trình này là 8.535 tỷ đồng, bình quân 130 tỷ đồng/huyện. Riêng năm 2011, Nhà nước đã bố trí 3.695 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010. Ngoài ra các chương trình dự án khác còn được bố trí 22.500 tỷ đồng (trong ba năm), bình quân 118 tỷ đồng/huyện. Theo đó, 40 Tập đoàn, Tổng Công ty nhận giúp 62 huyện nghèo. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo đã giảm được 5% (còn 55%). Số hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngày một nhiều. Ngược lại, số hộ tái nghèo, hộ mới phát sinh nghèo lại rất thấp... Đây là một thực tế về hiệu quả hoạt động liên tục trong gần 10 năm qua của NHCSXH.

Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo đã có tốc độ giảm tương đối nhanh. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần tích cực

Khó khăn, thử thách phía trước còn nhiều nhưng chúng ta tin tưởng rằng: Với mục tiêu cao cả hướng tới cộng đồng người nghèo, NHCSXH sẽ đạt được những thành tích cao hơn, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thương trường, góp phần làm giàu cho cộng đồng và đất nước.

Ghi chép của Hữu Hạnh

 

.
.
.
.