.
.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra 5 nhóm giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Thứ Ba, 27/12/2011|13:28

Năm 2012 được dự báo là năm đầy sóng gió của nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng với vô vàn những biến động khó lường. Nhưng cũng chính từ đó, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ sâu sắc hơn và nó đã đặt ra cho Chính phủ, các doanh nghiệp yêu cầu cấp bách nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tạp chí xin gửi tới độc giả một số nội dung nổi bật được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi tại cuộc tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế” vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ.

PV: Các DNNN, Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước đã đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế những năm vừa qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Được hình thành trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, DNNN là nền tảng đáp ứng những nhu cầu của xã hội. Trong công cuộc đổi mới, hệ thống DNNN vừa được mở rộng, phát triển, vừa được đổi mới, sắp xếp, từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.

Nhìn tổng thể, vai trò của DNNN nói chung, các Tập đoàn kinh tế (TĐKT), Tổng công ty (TCT) Nhà nước nói riêng trong thời gian qua là hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các DNNN, mà trọng tâm là các TĐKT, TCT đã bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế.

Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các TĐKT, TCT nhà nước vẫn duy trì được hoạt động và có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực nhằm ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng hoạt động của các DNNN, các TĐKT, TCT Nhà nước hiện nay?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Thứ nhất, nếu không kể các DN thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô, chính trị – xã hội, thì hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực DNNN còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực.

Trong 10 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở mức trên dưới 10%.

Thứ hai, tình hình tài chính tại một số TĐKT, TCT, DNNN rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính. Việc thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với kinh tế của các TĐKT, TCT nhà nước còn hạn chế. Nhiều TĐKT, TCT nhà nước chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị DN còn yếu kém, bất cập.

Các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh) còn chậm được sắp xếp, đổi mới; và hoạt động của một bộ phận DNNN đã góp phần dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

PV: Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trước hết, sự yếu kém của DNNN là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới; những hạn chế về lựa chọn, xây dựng, chiến lược, mô hình, cơ chế chính sách cho phát triển DN nói chung và DNNN nói riêng.

Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những khó khăn lớn đến hệ thống DNNN trong bối cảnh nước ta đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào hệ thống kinh tế thế giới.

Đặc biệt, DNNN nhất là các TĐKT, TCT nhà nước đã quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu nên hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh thấp. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực , sản phẩm và của từng TĐKT, TCT, DNNN còn bất cập và yếu kém. Việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN còn chậm so với phương án được duyệt.

Ngoài ra, nhiều TĐKT, TCT Nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay hoặc chiếm dụng; tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực cạnh tranh và phát triển.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách về quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các TĐKT, TCT; sự hạn chế trong phối hợp giữa các Bộ, Ngành trong quản lý, giám sát DNNN nhất là TĐKT, TCT nhà nước; sự bất cập về mô hình, thể chế quản trị, đội ngũ cán bộ quản lý DN và quản lý nhà nước cũng là những nguyên nhân chủ quan gây ra sự yếu kém của khu vực DNNN.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm "Cơ cấu lại nền kinh tế".

PV: Để giải quyết thực trạng trên, chúng ta cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Chúng ta cần phải huy động tổng lực các nguồn lực từ nhiều khu vực kinh tế để khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.

Trong đó cần giảm đầu tư công tăng cường hình thức đầu tư công-tư (PPP),… nhằm đạt các  mục tiêu lớn: nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của khu vực DNNN; lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của từng DNNN; nâng cao khả năng quản trị DN…

Cụ thể, chúng ta cần phải xây dựng và hình thành được một số Tập đoàn đủ lớn để có thể cạnh tranh quốc tế; một số DNNN, Tập đoàn, TCT sẽ nắm vai trò đầu tàu, dẫn dắt, điều tiết kinh tế trong phạm vi quốc gia.

Đồng thời cần làm sớm việc phân loại từng nhóm DN như DNNN nắm 100% vốn, DNNN nắm trên 75% vốn, DNNN nắm từ 65-75% vốn hoặc nhóm DNNN không nắm cổ phần chi phối…

PV: Đâu là những giải pháp thực hiện các mục tiêu trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Thứ nhất, cần phải sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo ngành nghề, lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp các DNNN hiện có thành các nhóm DN và có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm. (Nhóm 100 % vốn nhà nước; nhóm có trên 75 % vốn thuộc sở hữu Nhà nước; nhóm có từ 65-75 % vốn thuộc sở hữu Nhà nước; nhóm nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.)

Thứ hai, thực hiện nhất quán, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN. Có cơ chế thu hút mạnh hơn các nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước; có giải pháp đồng bộ phát triển thị trường tài chính đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán nợ; hoàn thiện mô hình hoạt động, nâng cao năng lực quản lý đầu tư, tài chính của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC và Công ty mua bán nợ (DATC);

Thứ ba, phải tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng DN, TĐKT, TCT Nhà nước; đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị DN.

Trước hết, cần điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu lại vốn, phù hợp từng TĐKT, TCT nhà nước; chấm dứt tình trạng các TĐKT, TCT nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; hoàn thiện cơ chế liên kết giữa các DN thành viên trong TĐKT, TCT nhà nước; giải quyết tốt lao động dôi dư.

Song song, cần nghiên cứu vận dụng các quy tắc, thông lệ quản trị tốt nhất của thế giới (OECD) vào quản trị các DNNN; xây dựng và có chiến lược đào tạo bồi dưỡng bài bản đội ngũ lãnh đạo DN và các nhà quản lý nhà nước theo chuẩn mực quốc tế và văn hóa Việt Nam; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp;…

Thứ tư, phải đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN, TĐKT, TCT Nhà nước, đẩy nhanh quá trình phân định rõ chức năng quản lý NN với chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu DNNN; hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm; Ban hành Quy chế giám sát đối với DNNN với các nội dung; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và minh bạch, công khai thông tin hoạt động của DNNN; Kiện toàn công tác xây dựng, phát huy vai trò giám sát của tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể trong DNNN.

Thứ năm, chúng ta cần phải sắp xếp, tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh).

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Ngọc /  Petrotimes

.
.
.
.