.
.

Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng người nghèo vượt khó

Thứ Sáu, 09/03/2012|13:28

Sau gần mười năm hoạt động, NHCSXH đã có bước phát triển to lớn cả về quy mô, chất lượng và tốc độ tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu XĐGN của đất nước.

Cùng người nghèo vượt khó

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NÐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QÐ-TTg về việc thành lập NNHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo được tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, sau gần 10 năm hoạt động (2002 - 2012), NHCSXH đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp XĐGN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... cho đất nước.

Khác với các Ngân hàng thương mại, mọi hoạt động của NHCSXH hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận. Trong thực tế vận hành, những năm qua toàn hệ thống NHCSXH đã đồng tâm, hợp lực làm tròn trách nhiệm cao cả được Ðảng và Nhà nước giao cho là đưa đồng vốn hỗ trợ lãi suất đến tay người thụ hưởng đúng lúc, đúng chỗ, hiệu quả cao. Theo bề dày của thời gian, kết quả và hiệu quả hoạt động của NHCSXH luôn được nhân lên năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tính đến hết năm 2011, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH đảm nhận vận hành đạt 105.490 tỷ đồng, tăng 13 lần so thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, nguồn vốn đi vay lãi suất thấp từ NHNN, Kho bạc Nhà nước và vay nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 40%. Nguồn vốn tín dụng tăng (tuy còn nhỏ so nhu cầu), từ chỗ chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng chính sách trong những ngày đầu thành lập nay đã lên tới 18 chương trình, dự án.

Trên cơ sở có sự phối hợp, hỗ trợ đắc lực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp... NHCSXH sớm vươn dài cánh tay, xây dựng được hơn 200 nghìn Tổ TK&VV với hơn 10.800 điểm giao dịch, để thực hiện tốt trọng trách của mình là vừa huy động nguồn vốn trong dân, vừa đưa nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đến tay người nghèo, hộ nghèo, hộ trong diện chính sách làm ăn vượt khó, từng bước thoát nghèo vững chắc. Nhờ vậy, tổng dư nợ tín dụng tính đến hết năm 2011 của toàn hệ thống đạt 103.731 tỷ đồng, tăng 95.100 tỷ đồng so thời điểm nhận bàn giao. Tốc độ tăng trưởng bình quân 34%/năm. Dư nợ tập trung ở sáu chương trình lớn là cho vay hộ nghèo; HSSV; hộ gia đình SXKDVKK; NS&VSMTNT; GQVL và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.

Trong 6 chương trình tín dụng trên, chương trình tín dụng hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất (37% tổng dư nợ), nhưng xét về tốc độ thì chương trình tín dụng đối với HSSV lại có tốc độ tăng cao hơn, nhất là trong những năm gần đây. Bình quân một khách hàng vay vốn từ 2,5 triệu đồng năm 2003 lên gần 15 triệu đồng năm 2011. Kết quả bước đầu thật đáng ghi nhận: 2,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 2,5 triệu lao động có việc làm mới, xây dựng mới 3,3 triệu công trình NS&VSMTNT, 2,8 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, làm mới 103 nghìn căn nhà tránh lũ cho nông dân vùng ĐBSCL và 419 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách, 94 nghìn lao động trẻ thuộc các gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Sau gần 10 năm hoạt động, bức tranh tín dụng của NHCSXH ngày càng sáng hơn cả về quy mô, chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Doanh số cho vay đạt hơn 178 nghìn tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 83 nghìn tỷ đồng (riêng năm 2011 đạt gần 17.370 tỷ đồng) trực tiếp góp phần quay nhanh vòng vốn phục vụ các chương trình tiếp theo. Ðáng chú ý là, tỷ lệ nợ quá hạn giảm nhanh từ 13,75% năm 2003 đến nay chỉ còn ở mức 1,21% tổng dư nợ. Ðồng vốn tín dụng chính sách thật sự góp phần to lớn cho XĐGN, đẩy lùi tệ nạn "tín dụng đen", cho vay nặng lãi ở nông thôn. Khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn. Tình cảm cộng đồng làng xã ngày càng nhân lên trên con đường đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo kết quả hoạt động giai đoạn 2003 - 2011 của NHCSXH trình Chính phủ: Các chương trình tín dụng chính sách đạt kết quả tốt; thật sự trở thành công cụ tài chính hiệu quả của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, vùng nghèo, các DTTS cư trú trên mọi miền đất nước; là cầu nối giúp người nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường, từng bước vượt qua đói nghèo để tiến tới làm giàu chính đáng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn còn một số hạn chế mà NHCSXH đã và đang tiếp tục chủ động phát huy nội lực để khắc phục trong năm 2012 và những năm tới, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp. Ðó là, phải ổn định nguồn vốn một cách lâu dài, nhất là vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay dài hạn của khách hàng; tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là các chi nhánh ở vùng Tây Nam Bộ để giảm "nỗi lo" cho toàn hệ thống; trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức trích lập rủi ro tín dụng trên dư nợ bình quân năm.

Trong thành tựu to lớn nêu trên, có sự đóng góp hiệu quả của gần 9.000 cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống NHCSXH nhằm thực hiện thành công mục tiêu "xóa đói, giảm nghèo" của đất nước.

Bài và ảnh HỮU HẢI 

.
.
.
.