.
.

Nhiều cách làm hay để thu hồi nợ

Thứ Ba, 29/05/2012|22:18

Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, NHCSXH tỉnh Bình Dương luôn có nhiều cách làm hay để khi đến hạn, những người được vay vốn sẽ tự nguyện đến các Tổ TK&VV và điểm giao dịch để hoàn trả cả lãi và gốc. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Bình Dương chỉ chiếm 0,35% - một thành quả mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Người nghèo tham gia gửi tiền tiết kiệm tại các điểm giao dịch của NHCSXH
Người nghèo tham gia gửi tiền tiết kiệm tại các điểm giao dịch của NHCSXH

Vốn đến tận tay người dân

Dù đã nâng chuẩn nghèo của địa phương cao gấp đôi chuẩn nghèo quốc gia, nhưng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn khá ít. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 12 nghìn hộ nghèo (theo tiêu chí của tỉnh là thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng). Số hộ nghèo ít, cộng với đối tượng thuộc diện được vay vốn của NHCSXH không nhiều nên tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bình Dương chỉ có 843 tỷ đồng, là 1 trong 3 địa phương cả nước có tổng dư nợ thấp nhất.

Để đồng vốn đến tận tay người vay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã thành lập các điểm giao dịch về tận các xã, phường trên toàn tỉnh. Hàng tháng vào những ngày cố định, các nhân viên tín dụng sẽ về tận đây để giải ngân cho người vay, đồng thời thu lãi từ các Tổ trưởng Tổ TK&VV. Điều đáng nói chính là hệ thống các Tổ TK&VV được mở rộng về tận các khu phố, ấp với gần 1.500 tổ; trong đó, Tổ trưởng Tổ TK&VV cũng là Trưởng ấp, Trưởng phố, việc xét duyệt cho vay được thực hiện bài bản, đúng quy trình nên đồng vốn đến đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả.

Hoàn vốn từ ý thức người dân

Nói về cách làm này, ông Võ Văn Đức - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: "Đây là cách làm hay vì Trưởng ấp, Trưởng khu phố là những người được dân tín nhiệm, gắn bó mật thiết với xã, phường và sâu sát dân cư. Khi xét duyệt đối tượng vay, họ có vai trò quan trọng vì họ nắm khá rõ điều kiện, hoàn cảnh người dân trong địa phương mình. Tuy nhiên cũng có lúc họ cứng nhắc không dám xét duyệt cho những đối tượng quá khó khăn vì sợ họ không trả được nợ. Với những trường hợp đó, khi biết được, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương tìm ra phương hướng giúp họ làm ăn vượt qua khó khăn".

Khi được vay vốn, người dân hiểu rõ về ý nghĩa của đồng vốn này nên ra sức phấn đấu làm ăn. Đến kỳ hạn trả nợ, người vay cũng rất tích cực tới tận nhà Tổ trưởng, điểm giao dịch để trả nợ cho ngân hàng, bởi mỗi người đều biết rõ rằng, trong lúc hoàn cảnh khó khăn, dù đồng vốn chính sách không nhiều, nhưng với gia đình thì đó là cả một gia tài và giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Vì vậy, khi qua khó khăn, các gia đình đều thu xếp đi trả cho ngân hàng ngay để ngân hàng còn cho những người khó khăn được vay và thoát nghèo.

"Đến hết quý I/2012, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bình Dương đạt 843 tỷ đồng với gần 55 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 299 tỷ đồng với gần 23 nghìn hộ được vay; cho vay HSSV 208 tỷ đồng với trên 12 nghìn HSSV được thụ hưởng; NS&VSMTNT 204 tỷ đồng với gần 28 nghìn hộ".

 Không những tích cực trả nợ khi đến hạn, khi có tiền dư dăm bảy trăm nghìn, các hộ nghèo cũng sẵn sàng gửi tiết kiệm vào NHCSXH dù biết lãi suất không cao và không có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như các Ngân hàng thương mại. Với họ, chỉ đơn giản là muốn góp một chút ít để cho những người khó khăn hơn mình được vay vốn và thoát nghèo. Đến nay, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã huy động được gần 60 tỷ đồng của gần 32 nghìn hộ tại 1.360 Tổ TK&VV. Với số vốn huy động này, NHCSXH tỉnh Bình Dương trở thành một trong những địa phương có số huy động cao nhất cả nước.

Để có được những thành công trong việc thu hồi vốn và huy động cao như vậy, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã làm nhiều cách như tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống loa phát thanh của phường, xã làm cho bà con hiểu được đây là nguồn vốn chính sách cho vay để giúp những hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải là tiền Nhà nước cho. Mỗi khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng đều thành lập đoàn thu hồi vốn tới tận nơi để tìm hiểu cụ thể và có phương án giải quyết từng trường hợp.

Theo PLVN   

.
.
.
.