.
.

Tiếp cận an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay trên quan điểm phát triển bền vững

Thứ Năm, 13/09/2012|23:27

Phát triển bền vững là nguyện vọng của toàn nhân loại với sự mong muốn phát triển theo một cách thức bảo đảm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai 10 năm qua cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội
Tín dụng ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH triển khai 10 năm qua cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

Vấn đề phát triển bền vững (PTBV) đã được đề cập đến và trở nên phổ biến vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển cơ bản đã thống nhất nêu quan niệm: PTBV là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người, nhưng không gây tổn hại tới lợi ích của thế hệ tương lai. Hội nghị này đã thông qua "Chương trình Nghị sự số 21 về phát triển bền vững toàn cầu... Sau 10 năm thực hiện (2002), Chương trình đã được tổng kết, đánh giá tại Hội nghị Giô-han-nex-bơc (Nam Phi) và đưa ra khái niệm mới toàn diện hơn: Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống con người trong hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Ở Việt Nam, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã được nhận thức khá sớm và thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong "Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội 1991 - 2000" được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua đã nhấn mạnh: tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường. Đại hội VIII của Đảng tiếp tục nêu bài học: tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, và tại Đại hội IX quan điểm Phát triển kinh tế - xã hội của Đảng cũng được nhấn mạnh là: phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Với định hướng phát triển của Đảng như vừa nêu, qua hơn hai thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, nếu nghiêm túc đánh giá, tham chiếu theo yêu cầu và nội dung của Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững toàn cầu, thì sự phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam thời gian qua vẫn rất khiêm tốn và còn nhiều bất cập. Theo báo cáo đánh giá của các chuyên gia: "Những năm qua, Việt Nam mới chỉ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chuyển dịch kinh tế chưa đồng đều, chất lượng kém. Bên cạnh đó là một loạt vấn đề như tái nghèo, mất cân bằng giới tính, chăm sóc sức khỏe người dân bất cập, giáo dục còn nhiều hạn chế. Khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm và gặp khó khăn trong quản lý. Đặc biệt, chúng ta chưa ban hành được bộ tiêu chí về phát triển bền vững..." (1).

"Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã có tỉ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn".

Trích NGHỊ QUYẾT Hội nghị Trung ương 5 ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương về "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020"

Tiếp tục phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại và là đòi hỏi không thể khác của thực tiễn đời sống. Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được Đại hội XI của Đảng xác định: "Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết; phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững" (2).

Như vậy, quan điểm PTBV đã sớm được Đảng và Nhà nước ta nhận thức và đặt ra với yêu cầu nội dung ngày càng hoàn thiện, đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành sự phát triển của đất nước trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới.

An sinh xã hội

Trong thực tiễn, do sự đa dạng về nội dung, phương thức và góc độ tiếp cận nên hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau về an sinh xã hội (ASXH). Chẳng hạn, theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì ASXH là những biện pháp công cộng nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) quan niệm ASXH được hiểu là một hệ thống chính sách công nhằm giảm nhẹ tác động bất lợi của những biến động đối với các hộ gia đình và cá nhân.

Ở Việt Nam, mặc dù ASXH là lĩnh vực còn nhiều mới mẻ nhưng cũng đã giành được sự quan tâm của nhiều học giả, nhà quản lý nghiên cứu và cộng đồng xã hội. GS.TS Mai Ngọc Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để thấy hết được bản chất, ASXH phải tiếp cận theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, ASXH là sự bảo đảm thực hiện các quyền để con người được an bình, bảo đảm an ninh, an toàn trong xã hội. Theo nghĩa hẹp, nó là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ bị giảm hoặc mất nguồn thu nhập do họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị thiên tai địch hoạ (3).

"Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các điểm giao dịch của ngân hàng Thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức và kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng, từng loại cây, con. Tiếp tục cải tiến thủ tục để các đối tượng vay tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tăng thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức cho vay nhất là cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn".

Trích NGHỊ QUYẾT số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc Hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Trong bài "Bảo đảm ngày càng tốt hơn ASXH và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, "ASXH và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế - xã hội và môi trường; vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân" (4).

Như vậy, ASXH là vấn đề vừa có tính kinh tế, vừa có tính xã hội, vừa có tính nhân đạo rất sâu sắc. Nhà nước có vai trò quan trọng trong bảo đảm ASXH, đối tượng bảo đảm ASXH là đông đảo các tầng lớp dân cư.

Bảo đảm ASXH và tăng trưởng bền vững có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. ASXH góp phần giữ vững ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Giải quyết ASXH góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thông qua việc "điều hoà" các "mâu thuẫn xã hội", phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội; tạo nên sự đồng thuận giữa các giai tầng, các nhóm xã hội trong quá trình phát triển, điều tiết tốt hơn và hạn chế các nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và bất ổn của xã hội. ASXH được thiết kế hiệu quả có thể tạo điều kiện cho các gia đình đầu tư tốt hơn cho tương lai, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Xã hội càng phát triển, càng đạt tới nấc thang cao hơn của tiến bộ, văn minh và hiện đại thì càng phải quan tâm giải quyết vấn đề ASXH. Ngược lại, sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển bền vững sẽ cho phép có thêm nguồn lực để chăm lo phát triển về xã hội mà trọng tâm là hệ thống ASXH. Bảo đảm ASXH của một quốc gia cần được nhìn nhận và giải quyết từ quan điểm phát triển bền vững. Cũng chính vì vậy mà vấn đề ASXH được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (2/1991)" nhấn mạnh "Chính sách xã hội bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất... Có chính sách bảo trợ và điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng". Cùng với thời gian và qua thực tiễn của đất nước, nhận thức, quan điểm và cơ chế chính sách ASXH trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng ta hình thành và ngày càng được phát triển, hoàn thiện.

Văn kiện Đại hội IX của Đảng thể hiện một tư duy mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại với nội dung: "Khẩn trương mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp" (5). Đại hội Đảng lần thứ X, vấn đề ASXH được nhìn nhận rõ nét hơn, với quy mô phát triển mới: "Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân" (6). Đặc biệt, khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, lường trước những khó khăn, thách thức đi liền thời cơ, vận hội mới, ASXH trở thành một định hướng lớn mang tầm chiến lược. Trong đó, các đối tượng chính sách, người nghèo là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Đại hội Đảng lần thứ XI, thuật ngữ ASXH được nhắc đến nhiều lần trong Văn kiện, được xác định là một hệ thống chính sách xã hội trọng yếu, là một nội dung chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước với nhiều nội dung mới (7).

"Ngân hàng Nhà nước: Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn".

Trích NGHỊ QUYẾT số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020

Những định hướng cơ bản trên đã được triển khai cụ thể bằng nhiều chính sách, chương trình ASXH quan trọng và huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp cho các đối tượng (người nghèo, vùng nghèo, người già cô đơn, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương...) vươn lên trong cuộc sống. Các chính sách và giải pháp bảo đảm ASXH được triển khai đồng bộ trên các phương diện: giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận tín dụng ưu đãi; giúp đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, thực hiện các chương trình "giảm nghèo". "Hỗ trợ phát triển sản xuất" thông qua các chính sách về bảo đảm thị trường, tín dụng, việc làm... thực hiện "Chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công", "Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu" cho các địa phương để phục vụ người dân tốt hơn.

Đến nay công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được nhân dân đồng tình, quốc tế đánh giá cao. Số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn khoảng 11% (năm 2010); chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,3 lần (năm 1999) xuống còn 2 lần (năm 2008). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay, hệ thống ASXH, nói chung, hệ thống BHXH nói riêng ở Việt Nam chuyển biến theo hướng mở rộng nhiều đối tượng, nhiều loại hình bảo hiểm: bảo hiểm bắt buộc (BHXH và BHYT), bảo hiểm tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh, từ 4,8 triệu (năm 2001) lên 9,4 triệu (năm 2009), chiếm 18% tổng số lao động. Sau gần 3 năm triển khai BHXH tự nguyện, đến năm 2010 có khoảng 96,6 nghìn người tham gia. Dự kiến đến hết năm 2010 có khoảng 5,8 triệu người tham gia BHTN. BHYT tế tăng nhanh từ 13,4% số dân (năm 2000) lên khoảng 62% (năm 2010). Đặc biệt, đã thực hiện chính sách BHYT miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ BHYT cho các hộ cận nghèo...

Các chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện. Mức trợ cấp ưu đãi năm 2009 tăng 2,1 lần so với năm 2006. Thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người có công. Đến nay, hơn 90% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn (8).

"Giai đoạn 2011 - 2020 xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững.

Mục tiêu tổng quát được xác định là: Phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các mục tiêu cụ thể đưa ra là: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ".

Trích QUYẾT ĐỊNH số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội

Các chính sách trợ giúp xã hội (cả thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn về quy mô, đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh, từ 113 tỷ đồng cho hơn 180 nghìn người (năm 2001) tăng lên 4.500 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu người (năm 2010). Hằng năm Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỷ đồng (riêng năm 2009 là 5.000 tỉ đồng) và hàng chục nghìn tấn lương thực, chủ yếu là để trợ giúp khắc phục thiên tai. Từ đầu năm 2008, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp kịp thời, thiết thực nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Các phong trào "tương thân tương ái", "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" được tổ chức thường xuyên và được sự hưởng ứng tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng ASXH trong cộng đồng, nhất là những người nghèo, vùng nghèo.

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ cũng đã đến với 100% số xã trong cả nước; đã hỗ trợ vốn cho trên 12,2 triệu lượt hộ nghèo; số khách hàng còn dư nợ là gần 8,5 triệu khách hàng; dư nợ bình quân cho vay hộ nghèo tăng từ 2,5 triệu đồng/hộ năm 2002 lên 11,94 triệu đồng/hộ vào tháng 6 năm 2012.

Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp 2,5 triệu hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; thu hút được 2,5 triệu lao động có việc làm mới; xây dựng được gần 3,5 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2,8 triệu học sinh, sinh viên; 100 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ ĐBSCL; hơn 457 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ chính sách chưa có nhà ở; gần 94 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; nợ xấu giảm dần từ 13,75% nay xuống còn dưới 1,467%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc bảo đảm ASXH ở nước ta từ quan điểm phát triển bền vững cần có những điều chỉnh dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn trong nước và cả ngoài nước, trên xu hướng vận động, biến đổi của đất nước cũng như thời đại.

Thứ nhất, ASXH Việt Nam hiện nay cần hướng tới đa đối tượng, đa tầng lớp trong dân cư. Thực tế, một thời gian dài, vì nhiều lý do chính sách bảo hiểm xã hôi chủ yếu dừng lại trong đối tượng những người làm việc ở khu vực công và lực lượng vũ trang cùng một số đối tượng khác. Chính sách cứu trợ xã hội cũng mang tính nhất thời, không bao khắp các nhóm đối tượng trong dân cư. Đó là một hạn chế cần được khắc phục theo hướng bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả mọi người, tức là "lưới" an sinh phải trùm hết được mọi đối tượng trong xã hội.

Nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; chuyển mạnh nền kinh tế phát triển theo hướng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế... Định hướng phát triển đó đã làm nên những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới về ASXH cần được giải quyết. Các rủi ro kinh tế, xã hội trong nước, trên toàn cầu ngày càng đa dạng, phức tạp và có diện ảnh hưởng rộng. Tác động tiêu cực của những cú sốc khó lường trước từ bên ngoài đến quốc kế dân sinh ngày càng nhanh và mạnh. Các nhóm yếu thế ngày càng trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương hơn do hạn chế về khả năng cạnh tranh, về phòng ngừa rủi ro gặp phải. Các dòng di chuyển việc làm, di chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị, từ vùng này sang vùng khác, từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại đang đặt ra nhiều hệ lụy xã hội... Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có 2/3 dân số gắn với nông nghiệp, thu nhập và đời sống của họ chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự biến đổi khí hậu, thiên tai. Hướng tới phát triển bền vững, ASXH cần phủ rộng tới mọi nhóm dân cư và mọi vùng đất nước.

Thứ hai, các nhóm đối tượng của ASXH sẽ ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách ASXH đa tầng, đa lớp, linh hoạt và có khả năng hỗ trợ lẫn nhau kịp thời để vừa bảo đảm mức sống tối thiểu của người dân vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Phát triển mạnh hệ thống và loại hình bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm nghề nghiệp... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề; tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác thoát nghèo...

Thứ ba, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước, bên cạnh đó cần đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội tham gia bảo đảm ASXH. Trước hết, cần khẳng định bảo đảm ASXH là một phần trong chức năng xã hội, là nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước. Thông qua hệ thống các cơ chế chính sách và nguồn lực của mình, Nhà nước thực hiện tốt chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân, phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ kinh tế Nhà nước và nguồn lực tài nguyên quốc gia để thực hiện chính sách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và bảo đảm các yêu cầu cơ bản về ASXH. Nhà nước đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững...

Bên cạnh đó cần thực hiện chủ trương, các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, huy động các nguồn lực của toàn xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm ASXH. Cần có cơ chế cũng như phương thức tuyên truyền rộng rãi việc khuyến khích phát triển các mô hình ASXH tự nguyện ở cộng đồng, các doanh nghiệp. Đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội như: ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết dân tộc...

Thứ tư, bảo đảm ASXH trong chiến lược cần gắn với việc thực hiện công bằng xã hội. Thực tế cho thấy, không coi trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể phát triển nhanh và bền vững được. Trong điều kiện nguồn lực bảo đảm ASXH còn hạn chế trước yêu cầu đa dạng về đối tượng quan tâm, phạm vi bao trùm cần được mở rộng, bối cảnh kinh tế - xã hội có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường...

PGS, TS Nguyễn Thị Nga

.
.
.
.