.
.

Bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng dịp cuối năm

Thứ Hai, 03/12/2012|16:08

Như đã thành lệ, vào dịp cuối năm, các ngân hàng lại đối mặt với bài toán thanh khoản. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, năm nay, áp lực đối với toàn hệ thống đã giảm đi đáng kể do thanh khoản của các ngân hàng hiện đã được cải thiện.

Theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ thời gian gần đây cho thấy, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp so cuối năm 2011. Cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên dao động ở mức 11 đến 12%/năm (thay vì mức 12 đến hơn 13%/năm như hồi tháng 9 vừa qua). Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như vẫn duy trì mức lãi suất trần 9%/năm. Thêm vào đó, sau ba tháng tạm dừng, kể từ ngày 10-10, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu NHNN; tính đến ngày 25-10 đã phát hành thành công khoảng 14 nghìn tỷ đồng với lãi suất trúng thầu dao động khoảng 4 đến 7%. Ngoài ra, theo công bố của NHNN, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến ngày 19-10 đạt 14,02%, tăng gấp hơn năm lần so mức tăng trưởng tín dụng 2,77%. Ðây là những dấu hiệu cho thấy xu hướng tích cực của thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề căng thẳng thanh khoản - vốn được coi là "căn bệnh mãn tính" của hệ thống ngân hàng trong nhiều năm trước đây sẽ khó có cơ hội bùng phát trở lại trong năm nay.

Phó Chủ tịch thường trực HÐQT LienVietPostBank TS Nguyễn Ðức Hưởng  khẳng định: Thanh khoản năm nay chắc chắn sẽ không chịu áp lực như mọi năm bởi lẽ, đây là thời điểm nhu cầu tích trữ hàng hóa, thanh toán, rút tiền,... ở mức cao nhất so các thời điểm khác trong năm. Song, xét riêng trong năm nay, các yếu tố có thể khiến thanh khoản "căng" sẽ không nhiều và lớn như những năm trước. TS Nguyễn Ðức Hưởng dẫn giải: Năm nay, các khoản thanh toán tiền hàng đến hạn vào cuối năm sẽ không nhiều và lớn như mọi năm vì hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh cầm chừng không đầu tư nhiều, không vay vốn lớn. Hơn nữa, ở thời điểm này, các ngân hàng có căng thẳng thanh khoản tạm thời sẽ không dám "phá rào" huy động vốn bằng bất cứ giá nào vì họ phải nhìn vào "hầu bao" đã cạn kiệt để có quyết định hiệu quả hơn. Sắp tới, có thể NHNN sẽ xem xét sửa đổi những vướng mắc của Thông tư 21 về quan hệ vay vốn liên ngân hàng thông thoáng hơn, không dồn áp lực huy động vốn thị trường 1 đối với những khoản thanh toán tạm thời của các ngân hàng thương mại.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang dần được cải thiện, nhưng chỉ mang tính tạm thời và chưa thật sự ổn định, bền vững. Thông tin từ NHNN cho biết:  Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn đến thiếu thanh khoản, đến nay tình hình này đã được cải thiện, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 đến 96%. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trên thế giới, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 60 đến 70%, còn 30 đến 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng cho nên tính thanh khoản còn chưa chắc chắn. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhận định, với tỷ lệ cho vay trên huy động hơn 90% như vậy thì vẫn nằm trong ngưỡng tiềm ẩn mất an toàn thanh khoản.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được cho là tiềm ẩn rủi ro thanh khoản của các ngân hàng hiện nay đó là xu hướng gửi tiền của người dân tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc nhiều ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vượt quá quy định cũng là nguyên nhân có thể gây rủi ro thanh khoản. Cùng với rủi ro về kỳ hạn, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể khiến rủi ro thanh khoản tăng vào dịp cuối năm là vấn đề nợ xấu. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu đang trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn những năm trước. Nợ xấu tăng nhanh ở một số ngân hàng yếu kém khiến nhu cầu về thanh khoản của họ tăng theo. Ðiều này có thể ảnh hưởng tới cả hệ thống nếu NHNN không có sự kiểm soát chặt chẽ và can thiệp kịp thời.

Mặc dù xét chung, thanh khoản toàn hệ thống đến thời điểm này đã được cải thiện đáng kể, nhưng nếu tách riêng từng tổ chức tín dụng thì có sự không đồng đều. Theo đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN), bên cạnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản, vẫn có một số ngân hàng  gặp khó khăn trong từng thời điểm. Do vậy, các ngân hàng không thể chủ quan câu chuyện thanh khoản cuối năm. Việc chủ động "phòng thủ" trong thời điểm này rất cần thiết, nhất là khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên. Các ngân hàng tiếp tục phải đẩy mạnh huy động vốn để chủ động giảm rủi ro cơ cấu nguồn vốn cũng như bù đắp nguồn vốn bị "ngâm" do nợ xấu tăng cao. Và mới đây nhất, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và nhu cầu thanh toán, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Ðể giải quyết tận gốc mối lo thanh khoản, có ý kiến cho rằng, NHNN cần tập trung xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém vì đây là nguồn gốc khiến tình trạng "vượt trần" lãi suất vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, cần tiến hành quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong trường hợp thật cần thiết, NHNN có thể bơm tiền hỗ trợ những ngân hàng có vấn đề về thanh khoản.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị, để khơi thông nguồn vốn tín dụng thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, coi đây là khâu đột phá quan trọng để ngăn chặn tình trạng đóng băng tín dụng. Ðể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý cho việc mua bán nợ, thanh lý tài sản trong tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế và chi phí cho những tổ chức tài chính có liên quan đến mua bán nợ xấu.

Hồng Anh (Theo VET)

.
.
.
.