.
.

VIETINBANK - Hành trình một thương hiệu

Chủ Nhật, 07/07/2013|16:38

VietinBank hiện nay là một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng ở trong và  ngoài nước, đó là kết tinh của những nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình 25 năm xây dựng và phát triển, nhất là 5 năm trở lại đây của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Lễ ký kết các hợp đồng đầu tư giữa VietinBank và Quỹ cấp vốn Ngân hàng IFC và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)
Lễ ký kết các hợp đồng đầu tư giữa VietinBank và Quỹ cấp vốn Ngân hàng IFC và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

Nhân dịp VietinBank kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, chúng tôi xin giới thiệu bài viết đoạt giải đặc biệt cuộc thi viết "VietinBank 25 năm xây dựng - phát triển" do VietinBank tổ chức gần đây.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là một trong những vấn đề lớn mà doanh nghiệp luôn quan tâm. Ðể công chúng có thể "nhớ mặt, gọi đúng tên", ngay từ khi mới thai nghén, mỗi doanh nghiệp đã chọn lựa tên hiệu, tên sản phẩm, dịch vụ sao cho dễ đọc, dễ nhớ và thật gần gũi. Thế nhưng, chuyện thật khó tin ở một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam suốt 20 năm lại sẵn sàng "thay tên đổi hiệu" ngay trong giai đoạn cạnh tranh cam go nhất. Ðó là câu chuyện đáng tự hào không chỉ của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mà còn là niềm tự hào của những người con mang dòng máu Lạc Hồng.

Bước ngoặt lịch sử

Cách đây tròn 5 năm, ngày 15-4-2008, trong không khí thiêng liêng của ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10-3 AL), cái tên VietinBank chính thức ra mắt trong sự ngỡ ngàng của không ít người Việt Nam, ngay cả với giới ngân hàng. Ngạc nhiên bởi lẽ, nếu là thương hiệu mới tinh thì chẳng có gì đáng bàn, đằng này sự thay đổi của VietinBank lại bắt nguồn từ Incombank vốn được xem là trụ cột của ngành tài chính đang trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt nhất. Sau 20 năm xây dựng, Incombank đã tạo được vị thế vững chắc trong lĩnh vực ngân hàng với mạng lưới hoạt động rộng khắp 56/64 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm ba Sở giao dịch, 138 chi nhánh và gần 700 phòng giao dịch. Tính đến cuối năm 2007, tổng tài sản của Incombank là 175.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản toàn ngành.

Kết quả đáng tự hào đó là kết tinh trí lực của bao con người qua các thời kỳ. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào, dù là nhỏ nhất liên quan đến Incombank đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lý giải điều này, Chủ tịch Phạm Huy Hùng lúc đó chia sẻ: việc đăng ký bảo hộ thương hiệu Incombank của Việt Nam tại nước ngoài không thực hiện được vì hầu hết các nước đều có hệ thống ngân hàng công thương (NHCT); hơn nữa nhiều khách hàng nước ngoài nhầm tưởng Incombank ở Việt Nam chỉ là chi nhánh (CN) của NHCT thuộc một quốc gia nào đó. Nếu chỉ tính ngắn hạn, Incombank không khó để duy trì vị trí nòng cốt của ngành tài chính nước nhà. Nhưng để có một định hướng vững chắc trong tương lai, nhất là mục tiêu phát triển ở nước ngoài thì việc thay đổi chỉ là sớm hay muộn. NHCT Việt Nam phải khẳng định vị thế riêng của doanh nghiệp mình, của quốc gia mình. Việc quyết định chuyển đổi và đăng ký bảo hộ thương hiệu mới VietinBank ở 40 quốc gia trên thế giới được xem là dấu mốc quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo, mở ra một thời kỳ mới cho lĩnh vực ngân hàng nước nhà trước xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng, xây dựng và khẳng định một thương hiệu ngân hàng Việt Nam mang tầm quốc tế.

Vượt qua khó khăn

Là một ngân hàng hoạt động lâu năm, khách hàng thuộc nhiều thành phần rải khắp từ bắc vào nam nên trước đó hơn một năm VietinBank đã chuẩn bị rất kỹ bài toán dự phòng tổn thất khi thay đổi thương hiệu mới và các phương án khắc phục. Bởi nếu không thận trọng, VietinBank sẽ mất thêm thời gian để bằng Incombank trước đó. Bên cạnh sự tư vấn chuyên nghiệp của Công ty Richard Moore Associate, VietinBank quyết tâm xây dựng, thực hiện chiến lược thương hiệu đồng bộ, xuyên suốt kết nối với mọi hoạt động kinh doanh. Phát huy lợi thế về vị trí trung tâm của hệ thống cho công tác truyền thông, ngay khi ra mắt, biển hiệu VietinBank đã có mặt hơn 800 chi nhánh, văn phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm của mình khắp Việt Nam.

VietinBank hiểu rõ giá trị của chữ tín. Và mắt xích quan trọng xâu kết các mối quan hệ chính là con người. Do đó, trong suốt quá trình phát triển từ Incombank đến VietinBank luôn chú trọng xây dựng và phát huy nét đẹp trong chuẩn mực văn hóa VietinBank, tạo sự riêng biệt với các doanh nghiệp khác. Trong ngôi nhà chung VietinBank quy tụ hơn 19 nghìn con người với hoàn cảnh, tính cách, tuổi tác, vùng miền khác nhau nhưng tất cả cùng chung một mục tiêu xây dựng VietinBank ngày càng vững mạnh. Không chỉ tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt nhất, VietinBank còn chăm lo đến đời sống tinh thần của người lao động. Ðiều đó thể hiện tính nhất quán từ nhiệm vụ của đảng bộ đến tổ chức công đoàn, các đoàn thể của VietinBank một cách thiết thực, gắn liền với sự phát triển chung của cộng đồng. Tình yêu của những thành viên trong ngôi nhà chung VietinBank lan tỏa giúp họ tự tin, sáng tạo trong lao động, góp phần thực hiện mục tiêu "nâng giá trị cuộc sống" đúng như câu slogan mà thương hiệu VietinBank hướng tới. Hơn nữa, chính sức mạnh của tập thể đã nhanh chóng đưa VietinBank vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát huy nhiệm vụ nòng cốt trong giai đoạn mới.

Phát triển bền vững

Cùng với việc coi trọng yếu tố con người là then chốt, VietinBank chủ động kiện toàn bộ máy theo chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nhằm mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Ðặc biệt, một mấu chốt tạo nên thành công không nhỏ của VietinBank là nguyên tắc kinh doanh bền vững gắn với trách nhiệm cộng đồng. Thật khó để thấy VietinBank xuất hiện trong các chiến dịch truyền thông rầm rộ mà rất chọn lọc và thường ưu tiên cho những chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Hàng nghìn tỷ đồng của VietinBank chia sẻ đã góp phần giảm bớt khó khăn cho hàng vạn dân nghèo vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; nhiều ngôi nhà, trường học, trạm y tế... đã được VietinBank "nối vòng tay lớn" tài trợ  trong suốt thời gian qua; nhiều đền chùa, công trình nghĩa trang nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ được VietinBank thiện nguyện công đức. Hơn 11 nghìn cán bộ, nhân viên, người lao động VietinBank tham gia hiến máu tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước trong "Hành trình Kết nối trái tim" năm 2012. Quan tâm đến cộng đồng đã trở thành nét đẹp, là truyền thống quý báu trong văn hóa chung VietinBank, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị thương hiệu VietinBank.

Vươn tầm quốc tế

Nhắc lại câu chuyện thay đổi thương hiệu 5 năm về trước, chắc hẳn ai cũng đồng tình bởi đó là bước ngoặt tạo đà cho VietinBank phát triển một cách bền vững. Từ định hướng chiến lược, việc chuyển đổi thương hiệu và mô hình hoạt động từ sở hữu Nhà nước sang ngân hàng cổ phần có ý nghĩa quyết định đến thành công của cổ phiếu VietinBank trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh.

Sau chuyển đổi, VietinBank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Quan trọng hơn, sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó đã "dọn đường" cho VietinBank chinh phục thị trường quốc tế. Ðiều đó được minh chứng bằng việc VietinBank đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 10% cổ phần tương đương 190 triệu USD cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC), tổ chức tài chính có số vốn lớn của Ngân hàng Thế giới vào đúng dịp kỷ niệm trọng đại Thủ đô Thăng Long - Hà Nội tròn ngàn năm tuổi 10-10-2010. Tháng 9-2011, VietinBank trở thành Ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở CN tại khu vực châu Âu, đặt trụ sở tại Frankfurt (Ðức).

Năm 2012 được xem là một năm thành công của VietinBank trong chiến lược vươn ra nước ngoài của mình. Bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu với sự phá sản hàng loạt ngân hàng ở nhiều nước trên thế giới, VietinBank đã chính thức khai trương chi nhánh tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), chi nhánh châu Âu thứ hai tại Thủ đô Béc-lin (Ðức). Ðặc biệt, tháng 5-2012 VietinBank đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế trên thị trường tài chính toàn cầu; và là trái phiếu quốc tế đầu tiên phát hành bởi một định chế tài chính của Việt Nam. Sự kiện này của VietinBank đã được Tạp chí FinanceAsia bình chọn là "Tổ chức huy động vốn hiệu quả nhất của Việt Nam" (Best Borrower in Vietnam), đóng góp to lớn vào việc thiết lập một chuẩn mực quan trọng cho thị trường vốn đang phát triển trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Song bước ngoặt thành công và là một trong những dấu mốc phát triển ấn tượng của VietinBank là việc chuyển nhượng 20% số cổ phiếu cho Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản vào ngày 27-12-2012. Hợp đồng đầu tư chiến lược này mang về cho VietinBank 822 triệu USD. Ðây là sự kiện được giới tài chính, báo chí... đánh giá là một "thương vụ thế kỷ" của ngành tài chính Việt Nam. Hơn thế, đây còn là bước ghi nhận sự đầu tư ngày càng sâu rộng mang tính chiến lược của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, khẳng định mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đầu tư đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản suốt 40 năm qua. Tuy vậy, điều đặc biệt nhất trong "thương vụ" này chính là sự  củng cố và khẳng định "nội lực" của VietinBank trong suốt 25 năm xây dựng và phát triển, năm năm sau khi trở thành ngân hàng đại chúng. Và sau hai lần phát hành, sự có mặt của hai tổ chức tài chính, ngân hàng lớn quốc tế đã đưa vốn điều lệ của VietinBank lên con số 32.661 tỷ đồng, trở thành ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất và cơ cấu cổ đông mạnh nhất ở Việt Nam; đưa VietinBank trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt vào tốp Global 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2012 do Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn.

Với 25 năm, vừa tròn một phần tư thế kỷ như VietinBank là khoảng thời gian còn rất ngắn so với những ngân hàng quốc tế có hàng trăm năm. Nhưng với chiến lược phát triển đúng đắn, với cái Tâm nỗ lực đóng góp của các thế hệ CBCNV 25 năm qua, đặc biệt của 19 nghìn cán bộ, nhân viên đang ngày đêm lao động sáng tạo hôm nay, với cái thế của thương hiệu ngân hàng lớn nhất Việt Nam; "con tàu lớn" VietinBank đang vững chãi, mạnh mẽ lướt trên những "ngọn sóng" khủng hoảng của "đại dương" kinh tế; góp phần "nâng giá trị cuộc sống" và đưa người tiêu dùng, các nhà kinh doanh trong nước, quốc tế tới "bến cảng" an toàn, sinh lợi.

Xuân Nhi (Theo Nhân dân)

.
.
.
.