.
.

Các ngân hàng trong Khối DNTW tiếp tục đồng hành cùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 03/12/2013|15:32
Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 6 - MDEC 2013 diễn ra trong 2 ngày 25-26/11 tại Vĩnh Long, các Ngân hàng trong Khối DNTW đã tích cực tham gia với vai trò là nhà nhà tài trợ và Ngân hàng cung ứng dịch vụ cho các dự án của vùng. Đó là: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
 
Góp phần hướng đến nền kinh tế xanh
 
Với chủ đề "ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh", MDEC Vĩnh Long 2013 gồm các hoạt động chính: Hội nghị Xúc tiến đầu tư; Hội thảo giải pháp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; Hội thảo liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh;…Trong tổng số 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, UBND các tỉnh ĐBSCL đã trao chứng nhận đầu tư cho 26 dự án có tổng số vốn 6.985 tỷ đồng và 93,17 triệu USD.
Diện mạo các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng khởi sắc.
Diện mạo các địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng khởi sắc.

 Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, chính sách tín dụng ngân hàng được xem như giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định nhằm động viên và khai thác các nguồn lực to lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cũng như vùng ĐBSCL. Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động huy động vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân; điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, NHNN đã chỉ đạo 5 NHTM Nhà nước xem xét gia hạn nợ và cho vay mới đối với các lĩnh vực này với lãi suất phù hợp. Đến ngày 31/10/2013, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc; tổng dư nợ tín dụng đạt 300 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay với khu vực chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực đạt 124 ngàn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2012, chiếm tỷ trọng 17,4%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và chiếm 40,4% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn khu vực.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, hệ thống ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn tại vùng ĐBSCL. Riêng năm 2013, các ngân hàng vừa đóng góp 612 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho đồng bào Tây Nam bộ, chiếm trên 47% tổng tài trợ an sinh xã hội cho cả nước năm 2013. 
Kỷ niệm chương
Các đơn vị nhận Kỷ niệm chương do có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội tại ĐBSCL.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng tích cực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Tính đến 31/10/2013, các TCTD đã ký hợp đồng cam kết đầu tư tín dụng đối với 7 dự án trên địa bàn 04 tỉnh khu vực ĐBSCL với tổng số vốn cam kết đầu tư khoảng 28 ngàn tỷ đồng. 

Từ nay đến năm 2015, có 83 dự án đã đang và dự kiến đầu tư tại khu vực Tây Nam Bộ với số tiền lên đến 19.813 tỷ đồng. Các dự án tập trung đầu tư, cho vay các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như chế biến lúa gạo, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi. Riêng tại Diễn đàn, các ngân hàng đã thực hiện ký kết 11 hợp đồng với tổng giá trị lên tới 5.508,4 tỷ đồng. 

Thể hiện rõ vai trò của các Ngân hàng thuộc Khối DNTW

Thực hiện định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển ĐBSCL, các ngân hàng thuộc Khối DNTW đã tập trung tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội tại khu vực. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng được tích cực mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong vùng tiếp cận các nguồn vốn. Đến nay, mạng lưới VietinBank tại ĐBSCL đã mở rộng lên 18 chi nhánh với 100 phòng giao dịch. VietinBank cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội của khu vực như: kiến nghị xây dựng và cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (NNNT) từ nay đến năm 2020, qui hoạch,lập vùng chuyên canh trong nông nghiệp, phát triển vật nuôi, cây trồng theo qui trình khép kín từ khâu sản xuất kinh doanh, thu mua chế biến, bảo quản, tiêu thụ và xuất khẩu;ưu tiên nguồn vốn phát triển NNNT, dành nguồn vốn tài trợ uỷ thác nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM cho vay lĩnh vực NNNT với thời hạn tương đối dài, lãi suất phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh. Nỗ lực khơi thông tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL theo định hướng của Đảng, Nhà nước, ngoài dư nợ hiện nay, VietinBank cam kết dành khoảng 15 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để phục vụ các DN, hộ kinh doanh và nông dân trong khu vực. Tại Diễn đàn, VietinBank Chương Dương đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng với Tổng công ty Phát điện 1 – EVN. VietinBank đã cho vay khoảng 500 dự án với tổng dư nợ trên 10 ngàn tỷ đồng, trong đó có các dự án trọng điểm quốc gia như: Khí điện đạm – Cà Mau (tài trợ 48,6 triệu USD), Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (cấp tín dụng 6.200 tỷ đồng) và các dự án trọng điểm của các DN trong khu vực.
ký kết 1
Giám đốc VietinBank Chương Dương ký kết hợp đồng tín dụng 1.000 tỷ đồng với Tổng công ty Phát điện 1 - EVN.
 
Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại, các Ngân hàng trong Khối còn đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách và công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội tại khu vực ĐBSCL. Từ 2009 đến nay, VietinBank đã tài trợ gần 800 tỷ đồng, riêng năm 2013 là 267 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội ĐBSCL. Trong đó đã xây dựng 10.873 nhà ở cho người nghèo, 50 trường học, tài trợ trên 3.500 suất học bổng, tặng 27 xe cứu thương, tôn tạo, tu bổ 2 nghĩa trang liệt sỹ và tài trợ xây dựng rất nhiều cầu đường cho bà con. 
Đồng hành cùng nhân dân trong vùng, đến 31/10/2013, Ngân hàng CSXH khu vực các tỉnh ĐBSCL đã cho vay với tổng dư nợ đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với 31/12/2012. Thông qua nguồn vốn của NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực. Trong khuôn khổ Diễn đàn, NHCSXH đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ tăng cường phối hợp, quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành các địa phương vùng ĐBSCL hỗ trợ cho NHCSXH; tăng cường nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, như Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất; vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn; cho vay đầu tư xây dựng công trình NS&VSMTNT… Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, phấn đấu dư nợ cho vay tại khu vục ĐBSCL trong giai đoạn 2014 - 2017 tăng trưởng 10%/năm. Dự kiến cuối năm 2017, dư nợ của vùng đạt khoảng 28.000 tỷ đồng. Phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tín dụng chính sách trong khu vực đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.
ký kết 2
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ tăng cường nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Cùng chung tay phát triển ĐBSCL, quy mô tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tại khu vực không ngừng được mở rộng, đáp ứng một lượng vốn lớn cho phát triển kinh tế vùng. Giai đoạn 2008-2012, dư nợ tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Đây là mức tăng bình quân lớn nhất giữa các vùng trong toàn hệ thống Agribank. Tính đến 30/9/2013, tổng dư nợ đạt 80.818 tỷ đồng, tăng 6.523 tỷ đồng (+8,8%) so với đầu năm, chiếm thị phần dư nợ khoảng 30% so với các TCTD trong vùng. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn là đối tượng ưu tiên số một trong hoạt động cho vay của Agribank với tỷ trọng dư nợ cho vay “Tam nông” chiếm 90%/tổng dư nợ. Cũng trong khuôn khổ MDEC 2013, Agribank ký kết hợp đồng nguyên tắc với Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) có tổng hạn mức tín dụng được cấp là 1.500 tỷ đồng  nhằm cung ứng vốn sản xuất, thu mua, chế biến xuất khẩu lương thực. Đồng thời, Agribank tham gia hỗ trợ công tác an sinh xã hội gần 121 tỷ đồng.

Ký kết 3
Agribank ký kết hợp đồng nguyên tắc cung ứng vốn sản xuất, thu mua, chế biến xuất khẩu lương thực với Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) và một số đơn vị.

 Với mạng lưới hoạt động rộng khắp gồm 44 điểm giao dịch, những năm qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân, mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực ĐBSCL. Trong giai đoạn 2010 – 2013, dư nợ của khu vực ĐBSCL chiếm trung bình 6,9% tổng dư nợ toàn hệ thống BIDV, với mức tăng trưởng tín dụng bình quân là 16,9%. Hoạt động tín dụng của BIDV tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của khu vực là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản với những chương trình tín dụng hiệu quả như tài trợ xuất khẩu, tạm trữ lúa gạo… với mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn tới 1,7% so với mặt bằng chung hệ thống.Trong giai đoạn 2010-2013, BIDV đã dành khoảng 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo, xuất khẩu nông thủy sản. 10 năm qua, BIDV đã hỗ trợ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL triển khai hiệu quả nhiều chương trình mục tiêu quốc gia như xoá nhà  tạm, xây dựng trường học, thư viện, trạm y tế, hỗ trợ quỹ vì người nghèo, hỗ trợ gia đình chính sách, nạn nhân chất độc màu da cam...với tổng giá trị trên 208 tỷ đồng. Tại diễn đàn, lãnh đạo BIDV nhấn mạnh: Với vai trò và trách nhiệm của một định chế hàng đầu Việt Nam, BIDV cam kết tiếp tục và nỗ lực gắn bó với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, BIDV sẽ đảm bảo duy trì mức tăng trưởng tín dụng dành cho vùng ĐBSCL từ 20-25% (cao hơn mức tăng trưởng bình quân của hệ thống ngân hàng). BIDV sẽ dành gói tín dụng ngắn hạn 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng xuất khẩu; đồng thời nâng tín dụng đầu tư trung và dài hạn lên mức 40 – 43% trên tổng dư nợ tại khu vực ĐBSCL của BIDV. Đối với các dự án tín dụng cho vay mở rộng quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ (trong tổng gói tín dụng dự kiến là 30.000 tỷ đồng), hiện BIDV đang tiếp cận các dự án tuyến Tp.Hồ Chí Minh – Cần Thơ. BIDV sẽ hình thành các chi nhánh chuyên biệt phục vụ hoạt động xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL như Chi nhánh tài trợ tín dụng xuất khẩu lương thực (gạo, nông sản); Chi nhánh tài trợ xuất khẩu thủy sản... Bên cạnh đó, BIDV luôn sẵn sàng thực hiện tư vấn cho phát triển kinh tế - xã hội vùng và các địa phương trong vùng. Trước mắt, BIDV sẽ tư vấn cho phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

ký kết 4
BIDV ký kết 2 hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp với tổng vốn vay gần một nghìn tỷ đồng,

  Những hoạt động tích cực, hiệu quả của hệ thống ngân hàng nói chung, các ngân hàng trong Khối DNTW nói riêng là việc làm rất có ý nghĩa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, hạ tầng giao thông…, thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển.

 
Thanh Tùng
 
 
 
 
 
.
.
.
.