.
.

Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản

Thứ Tư, 22/07/2015|18:17

Ngày 21/7/2015, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015 - 2019, cơ hội cho doanh nghiệp”. Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du đã có bài tham luận tại Tọa đàm.

Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du nhận hoa và kỷ niệm chương của Ban tổ chức chương trình
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du nhận hoa và kỷ niệm chương của Ban tổ chức chương trình

Trong số các nước mà Việt Nam đang có quan hệ ngoại thương, Nhật Bản đã và đang là thị trường đem lại nhiều lợi ích nhất cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật trung bình đạt mức tăng trưởng hai con số, khoảng 19%/năm.

Một trong những nhân tố tích cực giúp đạt được kết quả thương mại song phương giữa Việt Nam - Nhật Bản là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Đây là Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO và là Hiệp định thương mại tự do thứ 2 mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia sau Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) được ký kết từ năm 2008.

Hiệp định VJEPA có nội dung toàn diện về tự do hoá thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và các hợp tác kinh tế khác giữa hai nước. Theo Hiệp định, trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của lộ trình giảm thuế tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với 92,95% kim ngạch thương mại.

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Bên cạnh những cơ hội hay thách thức, Hiệp định đặt ra vấn đề khi rào cản thương mại, rào cản thuế quan được hạ xuống 0% thì rào cản kỹ thuật được tăng lên rất cao. Đó là DN phải đáp ứng được tiêu chuẩn của những nước phát triển nhất thế giới, cả về tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình, kỷ luật.

Đánh giá được tính trọng yếu của mối quan hệ thương mại song phương với Nhật Bản, trong những năm qua, VietinBank cùng đối tác chiến lược Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ luôn chủ động dành nguồn lực tài chính để hỗ trợ các DN Việt Nam và Nhật Bản phát triển hoạt động kinh doanh, tăng năng lực sản xuất và trao đổi thương mại giữa hai nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du đã đưa ra nhiều giải pháp tài chính của VietinBank nhằm hỗ trợ DN Việt Nam và Nhật Bản. Trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm riêng của các DN đồng thời tận dụng được nguồn lực vững chắc cũng như công nghệ từ Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, VietinBank đã ban hành các chương trình, sản phẩm chuyên biệt gắn liền với các các DN tại Việt Nam như: Thu thuế ngân sách nhà nước (thuế nhập khẩu), tiền gửi, chương trình tín dụng tài trợ dành cho các DN tham gia vào chuỗi chu trình trao đổi thương mại Việt Nam - Nhật Bản, hoạt động thanh toán quốc tế…

Minh Minh

.
.
.
.