Vietcombank tham dự diễn đàn "Thúc đẩy tăng trưởng cơ sở hạ tầng thị trường tài chính"
Ngày 21/07/2015, tại Hà Nội, Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đã tổ chức Diễn đàn kinh doanh nhân dịp kỷ niệm 20 năm hợp tác với khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng cơ sở hạ tầng thị trường tài chính”. Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank kiêm Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn này.
Tham dự sự kiện có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Toàn Thắng; ông Alain Raes - Tổng giám đốc điều hành tổ chức SWIFT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu - Trung Đông và Châu Phi (EMEA); ông Phạm Bảo Lâm - Giám đốc SGD NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban SWIFT Việt Nam; ông Emmanuel Daniel - Tổng giám đốc The Asian Banker cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - chứng khoán, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam; một số ngân hàng trong khu vực; các tổ chức cung cấp giải pháp hạ tầng thanh toán và thông tin.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đã chia sẻ một số thông tin về thực trạng của các NHTM Việt Nam; những cơ hội và thách thức trong quá trình tham gia thị trường tài chính khu vực.
Nội dung bài phát biểu nêu rõ, ngành ngân hàng Việt Nam đã thực sự thành công trong thực thi chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đã chủ động và tích cực tái cơ cấu, kiểm soát và xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá hoạt động và nâng cao năng lực tài chính.
Về mặt hạn chế, đồng chí Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống các NHTM Việt Nam cũng còn những mặt hạn chế nhất định khiến cho năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh trong khu vực của các NHTM Việt Nam còn yếu. Cụ thể là những vấn đề: quy mô vốn nhỏ, hệ số an toàn vốn thấp, nợ xấu còn cao do những khó khăn từ khu vực sản xuất kinh doanh chưa được khắc phục triệt để; hiệu suất sinh lời thấp, quy mô thu nhập sau rủi ro của các NHTM Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực; cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi, thu từ hoạt động ngân hàng bán buôn, trong khi đó thu dịch vụ, thu từ bán lẻ còn chiếm tỷ trọng thấp; năng lực quản trị của các NHTM Việt Nam còn những hạn chế nhất định, mô hình tổ chức quản lý chưa được tập trung hoá, hệ thống quản trị rủi ro của một số NHTM chưa bao quát hết các loại rủi ro, thiếu các công cụ để lượng hoá và phòng ngừa rủi ro…”.
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank tham dự và phát biểu tại diễn đàn kinh doanh do SWIFT tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam |
Theo Chủ tịch HĐQT Vietcombank: Hội nhập kinh tế nói chung, hội nhập tài chính khu vực nói riêng đang và sẽ mở ra cho các ngân hàng trong khu vực rất nhiều cơ hội, nhất là trong điều kiện Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng được đánh giá là khu vực kinh tế năng động và có triển vọng phát triển mạnh mẽ - một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới. Sáng kiến cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đang được xúc tiến mạnh mẽ với xu thế tự do hoá về luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường tài chính và hoạt động ngân hàng trong khu vực.
Với Việt Nam, Chính phủ cam kết mạnh mẽ việc tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, dần tự do hoá thị trường vốn,… Bên cạnh những thuận lợi về mặt chính sách, Việt Nam còn nhiều tiềm năng cho phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng như: quy mô dân số lớn, mức độ đô thị hoá và tăng trưởng thu nhập nhanh, mức độ thâm nhập digital banking của Việt Nam khá cao so với các nước khác.
Bối cảnh khu vực và trong nước đặt các NHTM Việt Nam trước những cơ hội lớn nhưng để tiếp cận được đòi hỏi các NHTM Việt Nam cần phải khắc phục những thách thức từ chính nội tại, tiếp tục tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi hoạt động. Để làm được điều đó, các NHTM Việt Nam cần tập trung cho một số định hướng:
- Một là, phải xử lý cơ bản nợ xấu. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong một vài năm tới nhằm làm sạch bảng tổng kết tài sản, lành mạnh hoá tình hình tài chính, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới.
- Hai là, phải nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động. Các NHTM Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình và thực hiện tăng quy mô vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Bên cạnh đó phải nỗ lực tăng trưởng các mặt hoạt động nhằm cải thiện các chỉ số hiệu quả, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động.
- Ba là, phải tích cực chuyển dịch cơ cấu hoạt động. Tăng tỷ trọng đóng góp của hoạt động bán lẻ, của thu nhập từ hoạt động dịch vụ nói riêng và thu nhập phi lãi nói chung trong cơ cấu thu nhập. Đó là xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững của NHTM.
- Bốn là, phải nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro. Các NHTM cần phải thực hiện cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tổ chức theo hướng tập trung và chuyên môn hoá. Bên cạnh đó phải dần áp dụng các thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro, trước mắt là tuân thủ Basel II.
Chia sẻ một số thông tin về Vietcombank, đồng chí Nghiêm Xuân Thành cho biết: Vietcombank là ngân hàng danh tiếng và có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Trên 50 năm hình thành và phát triển đã tạo dựng cho Vietcombank một vị thế mạnh - vị thế tiên phong và một thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam, những năm gần đây, Vietcombank đã triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc với trọng tâm là: nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, mở rộng thị phần hoạt động trên các lĩnh vực chính, tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị bằng việc triển khai hàng loạt các dự án chuyển đổi, các mô thức quản trị tiên tiến.
Vietcombank xác định tầm nhìn đến năm 2020 là trở thành NHTM số 1 tại Việt Nam và là một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới; được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Bằng những chương trình hành động cụ thể, Vietcombank đang và sẽ từng bước hiện thực hoá tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược 2020, chủ động hội nhập và đóng góp một cách tích cực cho cộng đồng tài chính khu vực.
Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu - SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) có trụ sở chính tại Bỉ, được thành lập năm 1973 nhằm mục đích tạo ra những tiêu chuẩn chung về giao dịch thanh toán quốc tế và truyền dữ liệu tài chính giữa các ngân hàng. Hiệp hội SWIFT hoạt động dựa trên sự đóng góp của các định chế tài chính với hơn 10.800 thành viên tại trên 200 quốc gia với lượng giao dịch hiện tại khoảng trên 24 triệu điện/ngày. SWIFT có hai diện thành viên là SWIFT Shareholder (Cổ đông) và SWIFT Non-Shareholding Member (Thành viên không là cổ đông). Vietcombank gia nhập tổ chức SWIFT từ tháng 03/1995, và giữ chức Chủ tịch của Ủy ban SWIFT Việt Nam từ năm 1995 đến năm 2011, trước khi chuyển giao chức vụ này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện tại Vietcombank là cổ đông của SWIFT và là thành viên có lượng giao dịch điện SWIFT lớn nhất tại Việt Nam.
Diễn đàn kinh doanh SWIFT từng được tổ chức nhiều lần trong các năm qua tại nhiều nước trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh doanh SWIFT được tổ chức tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm tổ chức SWIFT hợp tác với khu vực tài chính - ngân hàng Việt Nam.
Minh Yến