.
.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao đổi về phát triển cao su tại các tỉnh Đông Bắc: Tiếp tục trồng thí điểm từ 2.000 đến 3.000 ha cao su mỗi tỉnh

Thứ Sáu, 16/03/2012|14:03

 

Gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc trồng cao su tại khu vực các tỉnh Đông Bắc, do lo ngại về khả năng phát triển của cây cao su tại đây. Tạp chí Cao su đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Hồng Phú - Phó TGĐ VRG, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển cao su khu vực miền núi phía Bắc của VRG xung quanh vấn đề này.

PV: Chủ trương của VRG về việc phát triển cao su tại các tỉnh khu vực Đông Bắc trước những thông tin nhiều chiều trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Phú: Phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giúp vùng này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Theo quy hoạch của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 các tỉnh vùng Tây Bắc đạt diện tích khoảng 50 nghìn ha cao su. Còn khu vực Đông Bắc đời sống người dân cũng rất khó khăn. Trên cơ sở quỹ đất nhiều, lực lượng lao động dồi dào và mong muốn thay đổi cơ cấu công nông nghiệp, tỉnh ủy, UBND các tỉnh Đông Bắc đã thống nhất với VRG và được sự cho phép của Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2015, sẽ trồng thí điểm từ 2.000 đến 3.000 ha cao su mỗi tỉnh.

Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2011 VRG đã trồng tại Hà Giang 600 ha, Yên Bái 380 ha, Lào Cai 350 ha và Phú Thọ 31 ha. Với chủ trương trồng thí điểm bằng giống chịu lạnh, điều chỉnh lại thời vụ (trồng vụ Đông Xuân) và phương pháp trồng (bằng bầu có tầng lá). Qua đợt rét cuối năm 2011 đầu năm 2012, theo kiểm tra đánh giá chất lượng vườn cây của Viện Nghiên cứu Cao su VN và Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, toàn bộ diện tích trồng thí điểm năm 2011 không bị ảnh hưởng lớn bởi rét đậm, rét hại. Cụ thể, khoảng 50% cây trồng đúng thời vụ, sinh trưởng phát triển tốt từ 5 tầng lá trở lên không bị rụng lá, còn vườn cây có 2 đến 3 tầng lá thì khoảng 50 đến 60% rụng lá sinh lý, hoàn toàn không có cây bị chết vì rét.

Theo tôi, trồng cao su tại khu vực Đông Bắc cần phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, với các giải pháp về giống, thời vụ, kỹ thuật trồng, chăm sóc bón phân… tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được.

PV: Kế hoạch triển khai trồng thí điểm trong năm 2012 như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Phú: Sau đợt rét vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cùng VRG đi kiểm tra đánh giá ảnh hưởng của khí hậu lạnh đối với vườn cây. Với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu giống, thời vụ và phương pháp trồng, Bộ đã an tâm và đồng ý để VRG tiếp tục trồng thí điểm.

Theo kế hoạch, năm 2012 VRG tiếp tục triển khai trồng thí điểm từ 300 đến 500 ha cao su mỗi tỉnh. Về công tác giống, VRG đã có chủ trương cho Viện Nghiên cứu Cao su VN nhập các giống chịu lạnh từ Trung Quốc. Năm nay và trong những năm tới, Viện bảo đảm cung cấp đủ giống chịu lạnh để các công ty tiếp tục trồng thí điểm. Về cơ cấu, chủ yếu trồng các giống chịu lạnh như VN 77-4, VN 77-2, IAN 873 và trồng bằng bầu có tầng lá. Về thời vụ, tiến hành trồng trong vụ Xuân (từ tháng 3 đến tháng 5) để tăng khả năng chịu rét của cây.

PV: Xin cảm ơn ông

Phan Thắng (thực hiện)

.
.
.
.