.
.

Để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo

Chủ Nhật, 29/04/2012|08:58

Đây là nội dung được đề cập tại hội thảo “Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa – Mô hình cánh đồng mẫu lớn” diễn ra ngày 28/4 tại Cần Thơ.

Ảnh: VGP/Đức Hải

Nằm trong khuôn khổ Triển lãm – Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL, hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, cả nước có gần 500 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp với tổng công suất trên 5 triệu mã lực (CV). Riêng ĐBSCL có 11.424 chiếc máy gặt các loại trong đó có 6.609 máy gặt đập liên hoàn và 4.815 máy gặt rải hàng, giải quyết trên 60% diện tích lúa; có 9.600 máy sấy lúa đáp ứng 33% sản lượng lúa hè thu.

Ông Đỗ Văn Nam, Cục Chế biến, thương mại nông lâm, thủy sản và nghề muối cung cấp những số liệu cụ thể về mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL: khâu làm đất trồng lúa đạt 35 – 80%; tưới lúa chủ động đạt 80%, thu hoạch đạt 36%; sấy lúa chủ động 39%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%.

Tuy nhiên, tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL về khối lượng khoảng 12 – 13% và làm giảm chất lượng hạt gạo, kéo theo giảm giá bán trên thị trường khoảng 12%.

Việc cơ giới hóa và sử dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm và làm tăng đáng kể lượng hàng hóa thương phẩm của nông sản cung cấp cho thị trường và sẽ là bước quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển.

Đồng thời, cơ giới hóa nông nghiệp được tiến hành sâu rộng sẽ giải phóng lực lượng lớn lao động trong nông nghiệp, tăng thêm nguồn cung cho khu vực công nghiệp đang rất thiếu và giảm cường độ lao động cho nông dân.

Cơ giới hóa cũng làm tăng đáng kể năng suất lao động nông nghiệp thông qua chuyển dịch cơ cấu và nâng cao trình độ kỹ thuật của lao động, mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn.

Một vấn đề cần sớm được khắc phục là nền cơ khí nước ta cũng như ĐBSCL hiện nay chưa đóng góp nhiều cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp của nước nhà. Sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp nhập khẩu mới từ Trung Quốc và đã qua sử dụng của Nhật chiếm khoảng 70% thị phần (theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2010).

Các đại biểu dự hội thảo cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mô hình sản xuất của nông hộ, quy mô canh tác nhỏ lẻ, phân tán, trình độ quản trị yếu, ứng dụng khoa học công nghệ kém không còn đủ sức cạnh tranh.

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn là một bước thay đổi trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả tích cực cho nông dân và lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm đã mang lại lợi ích cho hai bên.

Thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân được được hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin quản lý dịch hại trong suốt quá trình canh tác, qua đó từng bước hình thành đội ngũ nông dân tiên tiến, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và kiểm soát được chất lượng lúa gạo. Nguồn lợi từ mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại cho người dân thu nhập từ 30 – 35 triệu đồng/ha.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có  được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc và hình thành phương thức “mua hàng tận gốc” từ mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng thì cánh đồng mẫu lớn chính là sự liên kết có “địa chỉ nhất” giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh các mô hình cánh đồng mẫu lớn là phương tiện để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp.

Theo  CP

.
.
.
.