Ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt 28,5 tỷ USD
Năm 2013, ngành nông nghiệp đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng GDP ngành đạt từ 2,8-3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 28,5 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD so với năm 2012); sản lượng lúa cả năm đạt 43,5 triệu tấn; sản lượng thủy sản đạt 5,9 triệu tấn...
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải biểu dương những nỗ lực của ngành nông nghiệp và nông dân cả nước đã vượt mọi khó khăn để đạt được những kết quả tích cực trong năm 2012.
Phó Thủ tướng khẳng định nông nghiệp vẫn là nòng cốt, là trụ cột của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp cũng cần khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý nhà nước; còn nhiều bất cập, liên quan tới các định hướng tái cơ cấu của ngành, tư duy sản xuất vẫn còn yếu; các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được theo yêu cầu thực tế. Chuyển dịch cơ cấu, mô hình chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Năm 2013, với mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh xã hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành, tăng năng suất chất lượng hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh, tiến tới phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững.
Ngành nông nghiệp cần phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên 1ha gieo trồng. Hiện với giá trị bình quân đạt 72 triệu đồng/ha, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến.
Để đạt được điều này, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt phát triển sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ và cơ sở hạ tầng; tập trung đầu tư cho ứng dụng dụng công nghệ khoa học và giống - yếu tố quyết định thành công trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, nhất là nâng cao tỷ lệ chế biến nông sản; sớm tổng kết rút kinh nghiệm đối với mô hình “Cánh đồng mẫu lớn,” tạo điều kiện cho tích tụ sản xuất hàng hóa lớn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh cần phát huy vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã trong việc thúc đẩy thu mua, tiêu thụ và định hướng sản xuất nhằm giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường; xây dựng các mô hình tổ chức mới, phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Các địa phương rà soát lại quy hoạch để chuyển đổi cây trồng phù hợp với lợi thế, quy mô của từng vùng, địa phương.
Đối với chăn nuôi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giống vật nuôi đảm bảo đủ cung cấp đủ giống chất lượng cao, giá thành hợp lý cho người chăn nuôi, đồng thời kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi.
Cùng với đó, ngành tiếp tục đầu tư hạ tầng, dịch vụ cho ngành thủy sản, ưu tiên cho phát triển vùng nuôi tập trung thâm canh, khép kín, kết hợp với công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học và chế biến sản phẩm.
Hoàng Tùng (Theo TTXVN)