Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động hướng về truyền thống của ngành cao su
Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết trong năm 2013 cũng như các năm tiếp theo, VRG và Công đoàn Cao su VN sẽ thực hiện nhiều hoạt động hướng về truyền thống của Ngành Cao su. Mục đích là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của ngành, nhằm lưu giữ và phổ biến cho các thế hệ CBCNV-LĐ Ngành Cao su và con em hiện nay cũng như mai sau hiểu và tự hào về truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ đi trước…
Ngày 30/11/2012, HĐTV VRG đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-HĐTVCSVN, về việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban tổ chức (BTC) và các tiểu ban vận động – tuyên truyền – sáng tác của VRG.
Cụ thể, trong thời gian tới VRG và Công đoàn Cao su VN sẽ tổ chức 5 hoạt động hướng về truyền thống ngành trong năm 2013: Vận động, thi sáng tác thơ – ký – nhạc và biểu tượng ngành cao su; Tuyên dương gia đình tiêu biểu có 3 thế hệ làm công nhân cao su; Tiến hành bổ sung quyển lịch sử Ngành Cao su VN giai đoạn 2001-2015; Thực hiện phim tư liệu về Ngành Cao su VN; Tiến hành sưu tầm hiện vật lịch sử cho Nhà Truyền thống Ngành Cao su VN.
Hiện nay BCĐ, BTC đang chỉ đạo các tiểu ban lên kế hoạch và lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện 5 hoạt động lớn và có ý nghĩa nêu trên. Trong đó, VRG đã thông báo cuộc vận động sáng tác sáng tác thơ – ký – nhạc về Ngành Cao su với tổng giải thưởng lên đến 425 triệu đồng. Trong đó, ca khúc được chọn làm bài hát truyền thống chính thức của Ngành Cao su VN sẽ nhận được giải thưởng đặc biệt 30 triệu đồng và giấy chứng nhận của VRG.
Từ nhiều năm nay, ca khúc về ngành cao su vốn là một đề tài được nhiều nhạc sĩ chuyên và không chuyên quan tâm sáng tác. Theo năm tháng số lượng các ca khúc đã tăng đáng kể. Thực tế hiện nay, Ban Tuyên giáo Công đoàn Cao su VN đang lưu trữ gần 60 tác phẩm bằng văn bản, CD nhạc thu âm demo là những ca khúc có chủ đề phản ánh về ngành rất rõ nét. Ngoài ra cũng còn nhiều ca khúc có chất lượng đang nằm rải rác trong giới nhạc sĩ, trong các đội văn nghệ của các đơn vị thành viên VRG vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Trong khi đó, kế hoạch sưu tầm hiện vật lịch sử cho Nhà Truyền thống Ngành Cao su VN được CBCNV-LĐ trong ngành đồng tình, ủng hộ. Theo ông Trần Ngọc Thành – nguyên Chủ tịch HĐQT TCT Cao su VN, Nhà truyền thống không chỉ là nơi lưu giữ “dấu chân” về một thời kỳ đã qua của cha ông, đó còn là nơi giữ cho thế hệ sau hơi ấm của ngọn lửa truyền thống yêu ngành nghề. Những hiện vật được trưng bày trong nhà truyền thống là bảo chứng cho một giai đoạn lịch sử, nhìn vào đó thế hệ sau có thể hình dung được một thời kỳ lịch sử đã qua.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Mười – nguyên Phó TGĐ TCT Cao su VN, cho rằng ngành cao su nên hình thành nhà truyền thống. “Với truyền thống vẻ vang và tốt đẹp của ngành, cần thiết phải có nơi lưu giữ và phổ biến cho con em ngành cao su mai sau”, ông Mười nói.
Trong khi đó, ông Võ Sỹ Lực – Thành viên HĐTV VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su VN, cho biết: “Hiện nay, Công đoàn Cao su VN đang phối hợp với các chuyên gia về bảo tàng để hình thành phòng truyền thống tại trụ sở mới của VRG. Khi xây dựng xong nội dung chúng tôi phát động việc sưu tập hiện vật, hình ảnh để trưng bày. Quy mô và hình thức trưng bày ra sao cần phải có chuyên gia giúp đỡ mới đạt được mục đích đặt ra”, ông Lực cho biết.
Hiến tặng hiện vật nếu có nhà truyền thống
Nhà văn Trần Công Tấn – nguyên cán bộ Ban Thi đua Văn Thể, Tổng Cục Cao su VN (trước đây), có tâm nguyện sẽ hiến tặng hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý liên quan đến lịch sử ngành cao su khi nào ngành có nhà truyền thống. Hiện nay, trong thư viện tại nhà riêng (Quận 9, TP.HCM), ông lưu giữ khá nhiều tư liệu quý hiếm về ngành cao su. Trong đó, đáng chú ý nhất là những bảng danh sách có chữ ký của chủ Tây, cai xu, phu công tra; thẻ căn cước phu cao su; hình ảnh hoạt động sản xuất kinh doanh, vườn cây, nhà máy có chữ ký và con dấu của chủ Tây và nhiều sách, tài liệu quý khác…
PV