.
.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:

Nỗ lực nhiều hơn đáp ứng mong đợi của nhân dân

Thứ Ba, 12/02/2013|15:21

Năm nay, ngành NN-PTNT đón Tết trong niềm phấn khởi bởi trong khi các ngành SX khác liên tục phải nhập siêu thì nông nghiệp xuất siêu đến hơn 10 tỷ USD. Trong niềm vui ấy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Cao Đức Phát (ảnh), người chèo lái “con thuyền nông nghiệp” vững vàng trong những năm "nhiều phong ba bão táp" của nền kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Thưa Bộ trưởng, những thành tựu của ngành nông nghiệp trong năm qua là tín hiệu đáng mừng, xứng đáng được toàn xã hội ghi nhận, tuy nhiên, với suy tư của một nhà quản lý kinh tế có nhiều kinh nghiệm và ở cương vị Bộ trưởng đứng đầu một ngành SX quan trọng, Bộ trưởng có thực sự yên tâm?

Những kết quả của ngành NN-PTNT trong năm 2012 là kết quả của sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị đối với nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là của bà con nông dân. Đây cũng là thành tựu bước đầu của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn để nâng cao nhanh hơn đời sống của bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra. Điều đó có ý nghĩa rất lớn khi nền kinh tế của đất nước gặp khó khăn.

Mặc dù đạt được những chỉ tiêu rất đáng khích lệ như vậy nhưng ngành NN-PTNT vẫn phải đối phó với nhiều khó khăn thử thách và phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều để đạt được những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành. Một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao, kém bền vững, nổi bật nhất là lĩnh vực chăn nuôi.

Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn cần có những điều chỉnh về cơ cấu và biện pháp nhất là trong điều kiện khí hậu có những biến đổi, tác động mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Bản thân cơ cấu của nông nghiệp, sự phát triển của nông nghiệp theo cách chúng ta làm bấy lâu nay tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vấn đề ngành đang phải đối phó như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là trên thủy sản. Do vậy, cần khẩn trương thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Những thắng lợi của ngành nông nghiệp trong năm qua có sự điều hành, định hướng của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT… Ngoài những điều đó còn có sự may mắn gì không, thưa Bộ trưởng?

Trong những thành tựu mà chúng ta đạt được trong năm 2012 và những năm gần đây, nguyên nhân sâu xa, quan trọng nhất là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là thông qua tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7.

Thiên tai, dịch bệnh, thị trường luôn biến động, cũng có năm thuận lợi cũng có năm khó khăn, có được mặt này thuận lợi thì mặt khác lại khó khăn. Năm 2012 cũng ở trong tình trạng đó. Thậm chí, trong năm 2012 còn có những khó khăn nhiều hơn, đặc biệt là có liên quan đến kinh tế vĩ mô và thị trường.

Có một băn khoăn đặt ra là, khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn thì nông nghiệp được đánh giá là “đệm chống sốc”; thế nhưng nông nghiệp chưa được đánh giá ở vai trò tiên phong? Đầu tư cho nông nghiệp cũng sụt giảm chứ không tăng. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về điều này?

Đúng là hiện nay nếu nhìn vào những con số về đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp thì chúng ta thấy còn ở mức độ khiêm tốn. Đấy cũng là một trong những vấn đề mà ngành NN-PTNT sẽ phải phối hợp với các bộ ngành, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn để giải quyết trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Rõ ràng, để duy trì sự phát triển của ngành nông nghiệp cần phải có sự đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, cùng với sự gia tăng đầu tư của Nhà nước và bà con nông dân thì chúng ta cần phải có những chính sách, giải pháp đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Bộ trưởng có trăn trở gì trước những vấn đề của xã hội nông thôn hiện nay đặt ra như dịch bệnh, môi trường, những xung đột trong nông thôn về đất đai, khoảng cách giàu nghèo?

Vấn đề trăn trở nhất hiện nay trong suy nghĩ của tôi đó là làm sao đáp ứng yêu cầu, mong đợi của nhân dân về chất lượng ATVSTP. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình chuyển biến chậm và nhân dân chưa yên tâm. Điều này yêu cầu Bộ, toàn bộ hệ thống cơ quan nông nghiệp phải có nỗ lực quyết liệt nhiều hơn để đáp ứng mong đợi của nhân dân. Chính vì thế, Bộ xác định một trong những trọng tâm công tác của toàn ngành trong năm 2013 là nâng cao chất lượng, tăng cường đảm bảo ATVSTP. Mặt khác, tôi cũng rất trăn trở về việc thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc hiện còn rất nhiều khó khăn. Đây cũng là vùng mà trong năm 2013 Bộ cần phải tập trung cao hơn trong chỉ đạo, điều hành.

Là người được đào tạo bài bản ở các nước có nền kinh tế lớn, với tư cách là một nhà kinh tế, Bộ trưởng thấy những khó khăn gì trong việc điều hành ngành nông nghiệp phát triển theo nền kinh thế thị trường định hướng XHCN?

Tất cả những chủ trương về nông nghiệp, nông thôn chỉ có thể thành hiện thực khi cả hệ thống chính trị và đặc biệt là 25 triệu người làm nông nghiệp, hơn 10 triệu hộ gia đình và hàng vạn doanh nghiệp cùng thực hiện. Thách thức rất lớn chính là làm sao để tạo ra sự đồng lòng để cùng nhau thực hiện những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn một cách có hiệu quả.

Khó khăn nằm chính trong việc vượt qua thách thức này.

Theo dự báo thì năm 2013 vẫn là một năm khó khăn, đối với ngành nông nghiệp thì chúng ta phải làm gì để đối phó, để nền nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò, vị thế quan trọng, thưa Bộ trưởng?

Năm 2013 chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, trong đó có những khó khăn, thử thách rất gay gắt. Diễn biến của khí hậu thời tiết có nhiều điểm rất bất thường. Đầu năm 2013, trong khi miền Bắc đang phải đối phó với giá rét mạnh so với nhiều năm trước thì miền Trung khô hạn, bão hoành hành ở vùng biển phía Nam. Thị trường nông sản đang có những diễn biến bất lợi. Kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, rõ ràng ngành NN-PTNT có những nỗ lực to lớn nhưng đồng thời cũng cần phải có những biện pháp điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, tiếp tục duy trì sự phát triển. Bộ đã đưa ra đề án về chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong năm 2013, toàn ngành cần phải tập trung để triển khai thực hiện chủ trương này, đồng hành cùng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng với quyết tâm cao, chúng ta có thể vượt qua, thực hiện được những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra cho ngành NN-PTNT.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo NNVN

.
.
.
.