.
.

Khúc coda của một cuộc vận động sáng tác

Thứ Tư, 07/08/2013|09:34

Cuộc Vận động sáng tác về ngành cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đã vượt qua hành trình gần 7 tháng, đến nay đã về gần đến đích. Vừa qua, nhạc sĩ Quỳnh Lệ, Ủy viên Thường trực Ban tổ chức đã chia sẻ với Giai điệu xanh những thông tin mới nhất về cuộc vận động.

Nhạc sĩ Quỳnh Lệ
Nhạc sĩ Quỳnh Lệ

Chào chị, cuộc vận động sáng tác về ngành cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức đã đến sắp đến hồi kết thúc, cho đến thời điểm  này, chị nhận xét thế nào về số lượng và chất lượng của tác phẩm dự thi?

Đây là lần đầu tiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mở Cuộc vận động sáng tác về ngành cao su qui mô như thế này. Vừa mang tính báo chí (Ký) vừa mang tính văn học nghệ thuật (với các thể loại Thơ, Nhạc, Vọng cổ - mà phần Nhạc lại có 2 dòng: truyền thống và trữ tình). 

Tính đến ngày 10/7/2013, Ban tổ chức Cuộc Vận động Sáng tác về ngành Cao Su Việt Nam đã nhận được: 240 bài Thơ, 33 bài Ký, 25 bài Vọng cổ, 35 Ca khúc Truyền thống, 46 Ca khúc Trữ tình.

Về số lượng, đó làm một kết quả khả quan. Về chất lượng tuy chưa thể tách bạch, nhưng cũng có thể thấy trong đó có rất nhiều bài do chính cán bộ công nhân cao su sáng tác. Nhất là thơ và nhạc. Có rất nhiều bài thể hiện tình cảm chân thật với cái nhìn gần gũi mà lắng đọng của những người trong cuộc, nói về công việc, về mảnh đất, về cuộc sống của mình.  Điều đó toát lên một tình yêu ngành nghề mãnh liệt và niềm tự hào sâu sắc . Điều đó chứng tỏ văn hóa văn nghệ là một nhu cầu cần thiết đối với công nhân cao su. Nếu được khơi thông, nếu được động viên khích lệ thì chính người lao động sẽ còn biết sáng tạo hơn nữa và sẽ làm phong trào văn hóa văn nghệ trong ngành cao su mạnh mẽ hơn nữa.

Có rất nhiều bài của các tác giả là “nhà thơ, nhà nhạc” chuyên nghiệp, đa số bài viết đều nói lên lòng yêu mến người và đất cao su. Có nhiều bài, tứ thơ rất sâu sắc với góc nhìn lạ lẫm, mới mẻ nhưng trìu mến.

Cuộc vận động đã đi gần hết chặng đường, nhưng có vẻ như việc gửi bài của người dự thi không được đều đặn trong suốt 7 tháng qua. Không biết việc phổ biến thông tin về cuộc vận động có gặp khó khăn gì không?

Sau buổi họp mặt báo chí mừng xuân 2013 của Tập đoàn Cao su VN, một vài tờ báo như Tuổi Trẻ, Công An, Sài Gòn Giải Phóng thứ 7, Tạp chí Âm nhạc, web của Hội nhà văn TPHCM (http://nhavantphcm.com.vn/ )… và nhiều tờ báo mạng đã đăng thông tin. Giai Điệu Xanh (http://sangtacvenganhcaosu.giaidieuxanh.vn/) và website của Tập đoàn (http://rubbergroup.vn/) thì đã mở chuyên trang “Cuộc vận động sáng tác ngành cao su”, đăng đầy đủ và xuyên suốt. Tạp chí Du Lịch cũng đã đăng 2 trang thơ nhạc về cao su. Nhờ vậy cuộc vận động sáng tác được phổ biến tương đối rộng rãi. Tuy nhiên, nếu chúng ta PR nhiều hơn nữa, chắc là thông tin sẽ đến với người sáng tác hiệu quả hơn. Vì hiện nay internet đã phổ quát, nhưng cũng còn rất nhiều người chưa cập nhật và ít chịu tìm tòi trên mạng.

Được biết, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM có giới thiệu một vài tác phẩm tham gia cuộc vận động này. Không biết đó có phải là những tác phẩm tiêu biểu không?

Một số tác phẩm chọn giới thiệu trên Đài FM, chỉ là một phác thảo cho bạn nghe đài gần xa có cái nhìn tượng trưng về các vùng miền cao su: miền Đông, Tây Nguyên, Tây Bắc và Kampuchia, chứ chưa phải là những tác phẩm dự thi tiêu biểu. Đến cuối tháng 7 mới hết hạn nhận tác phẩm và còn phải qua Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn.

Sáng tác theo chủ đề đã khó, sáng tác cho ngành nghề riêng biệt càng khó hơn, bản thân chị là người tổ chức, đồng thời cũng là một nhạc sĩ, chị thấy cái khó lớn nhất của người dự thi là gì?

Đa số nhạc sĩ đều bảo “khó” vì chưa được tiếp cận với “không khí cao su”, chưa hiểu rõ công việc và cuộc sống người công nhân cao su. Điều đó đúng. Nhưng lại không đúng với những anh chị em thường xuyên lên mạng. Chỉ cần tra Google là tất cả công việc của ngành cao su - từ kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc đến cạo mủ, chế biến, xuất khẩu… đều rõ mười mươi. Kể cả sự phát triển của Tập đoàn, diện tích vườn cây, cho đến giá cả mủ cao su xuất khẩu…

Theo tôi, cái khó của người sáng tác là cần một cảm xúc thật. Cảm xúc có thể đến qua những bài viết mà mình được đọc trên báo, trên mạng. Nhưng cảm xúc sẽ tràn trề hơn khi mình được tiếp cận thực tế. Vừa qua, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức 3 chuyến đi thâm nhập thực tế ở các công ty cao su miền Đông và Tây Nguyên. Nói chung, sau chuyến đi,  các tác giả đều có những tác phẩm tốt, nhiều cảm xúc.

Được biết, bản thân chị cũng là người gắn bó sâu sắc và đã có những tác phẩm thơ và nhạc viết về cao su. Không biết trong cuộc thi này chị đã có tác phẩm nào để khoe với ngành chưa?

Tác phẩm Thơ và Ký thì làm lai rai trong thời gian mình làm báo Cao su VN. Mình vào làm phóng viên ngành từ năm 1983, lúc đó còn tên gọi là Tổng Cục Cao Su. Có một vài kỷ niệm nhỏ không thể quên. Khi mới quảy ba lô đi thực tế viết bài thử tay nghề theo yêu cầu, mình đã nộp một bài thể loại Người tốt việc tốt về một cô công nhân - mà lúc phỏng vấn cô ấy mình đã choáng váng muốn xỉu vì không quen cái mùi rất nồng ở nhà máy chế biến cao su. Khi ấy, yêu cầu của Tổng biên tập chỉ cần một bài báo thôi, nhưng mình còn cảm tác một bài thơ: Em đến quê anh đất đỏ miền Đông. Cao su mênh mông xanh mùa trồng mới. Ở thành phố nghe nông trường ngỡ xa vời vợi. Nắng bụi mưa lầy gian khó biết bao… Và câu kết là : Em đến quê anh đất đỏ đẹp tươi. Miền Đông xa xôi giờ đang thật gần. Ai chưa tới thì xin hãy tới. Lòng đã trói lòng, ơi cao su ơi!”.

Và sau 20 năm, bài thơ này đã được mình phổ nhạc thành bài hát “Đến với yêu thương”:  “Ai chưa đến thì xin hãy đến. Đến nông trường là đến với yêu thương”. Tính đến nay là đã 30 năm. Mình sẽ cố gắng viết thêm vài bài hát cho ngành cao su. Riêng trong cuộc thi này, mình nằm trong ban tổ chức nên không được tham gia dự thi.

Với tư cách là một thành viên trong Ban tổ chức, chị mong đợi điều gì từ cuộc vận động sáng tác lần này?

Ý nghĩa và mục đích của Cuộc vận động sáng tác, Tập đoàn mong muốn nhận được những tác phẩm mới, có chất lượng và giá trị nghệ thuật, mang nội dung: tôn vinh truyền thống lịch sử của ngành cao su, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người công nhân, quảng bá về thành quả của bao thế hệ cán bộ công nhân đã nối tiếp đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng ngành; phản ánh được đặc trưng và vai trò của ngành cao su trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội – giữ gìn an ninh quốc phòng của đất nước thời kỳ hội nhập. Đồng thời, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, khích lệ và tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ - vì sự phát triển bền vững của các đơn vị thành viên và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Song song đó, các tác phẩm được tuyển chọn sẽ được biên tập, in ấn thành tuyển tập Thơ – Ký – Vọng cổ, phát hành CD nhạc, vừa phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá cho Tập đoàn Cao su, vừa để tô đậm thêm giá trị sâu sắc của tấm Huân chương Sao Vàng cao quí đã được Đảng và Nhà nước trao tặng, tăng thêm niềm phấn khởi tự hào trong CNVCLĐ.

Đặc biệt, ban lãnh đạo Tập đoàn rất mong muốn chọn được một ca khúc hay, có ý nghĩa và đủ sức lan tỏa - để làm bài hát truyền thống chính thức cho ngành.

Còn với tư cách là một nhạc sĩ?

Chúng ta thường hay nghe câu nói: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Âm nhạc luôn có một giá trị tinh thần bền bỉ, có thể thúc giục lòng người, có thể xoa dịu nỗi buồn... Âm nhạc như một chất liệu có thể lắng lọc những điều muộn phiền, trái khoái của cuộc sống. Những bài hát hay luôn thấm vào lòng người, lắng sâu trong trái tim và nó sẽ như một chất liệu giúp chúng ta hăng hái yêu đời hơn, làm tâm hồn chúng ta phong phú hơn, biết chia sẻ và nhân ái hơn…

Vì thế, tôi muốn có thật nhiều những tác phẩm âm nhạc hay về ngành nghề cao su, về người công nhân cao su.

Những sáng tác về ngành nghề thường chỉ được lan truyền trong nội bộ ngành, nhưng có những tác phẩm đã vượt qua phạm vi ngành nghề mà trở thành một tác phẩm phổ biến. Chị có tin rằng cuộc vận động sẽ mang đến cho nền âm nhạc Việt những ca khúc như thế?

Đó là điều mong muốn và hy vọng. Tại sao không nhỉ? Bởi vì cây cao su đã hiện diện ở Việt Nam từ hơn trăm năm rồi. Ngành Cao su Việt Nam có bề dày truyền thống tốt đẹp trong suốt quá trình xây dựng, hoạt động và phát triển. Đã gắn liền với dòng chảy lịch sử - xã hội của đất nước, cùng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhiều lớp công nhân để có thành quả như ngày nay. Cao su hôm nay đã trải rộng trên nhiều miền của đất nước với nhiều cống hiến cho nền kinh tế, cho công tác an sinh xã hội vùng sâu, góp phần xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc, góp phần gìn giữ an nình quốc phòng biên giới… Và đã được công nhận bằng tấm Huân chương Sao vàng.

Đã theo đuổi cuộc vận động đến gần hết hành trình, không biết trong chị đã hình thành một ý tưởng gì tiếp theo cho ngành cao su chưa?

Có một vài ý tưởng cho năm 2014 - chào mừng 85 năm ngày truyền thống ngành cao su: Đã đề xuất ý kiến với Tập đoàn về việc tuyên dương những gia đình tiêu biểu có nhiều đời làm công nhân cao su; sẽ đề xuất thực hiện thu hình những bài hát hay về ngành cao su và phát hành DVD trong ngành; sẽ “xúi” Ban công tác Thanh niên của Tập đoàn tổ chức cuộc thi hát đồng ca những bài hát truyền thống và đơn ca những bài hát trữ tình về ngành…

***

Một nhà thơ, một nữ nhạc sĩ, lại say mê nói về một ngành nghề nghe chừng không mấy liên quan đến thế giới nghệ sĩ. Con người nghĩa tình và con người nghệ sĩ đã tìm thấy nhau trong tình yêu này, để chị đã nhiều lần bộc lộ: “đến với cao su là đến với yêu thương”.

Cuộc thi sáng tác được vận động bằng những trái tim như vậy, chắc chắn sẽ nhận được lời đồng vọng từ những trái tim. Chúc cho cuộc vận động thành công tốt đẹp, để thỏa lòng những người đã miệt mài theo đuổi nó, như Quỳnh Lệ.

Minh Trâm (Theo Giai điệu xanh)
 

.
.
.
.