Giá xuất gạo Việt tăng 10% nhờ hợp đồng với Philippines
Việt Nam đã giành được hợp đồng bán 120.000 tấn gạo cho các công ty tư nhân của Philippines. Hợp đồng bán gạo cho Philippines đã giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 10% trong mấy tuần gần đây.
Việt Nam có thể chỉ xuất khẩu được dưới 7 triệu tấn gạo trong năm nay do những khó khăn về thị trường, không đạt mục tiêu đã được cắt giảm là 7,1-7,2 triệu tấn - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là ba thương nhân trong công ty nước ngoài ở Tp.HCM cho hay, gần đây, Việt Nam đã giành được hợp đồng bán 120.000 tấn gạo cho các công ty tư nhân của Philippines. Các hợp đồng này được ký sau một thời gian dài Việt Nam không có được hợp đồng lớn nào bán gạo cho nước ngoài. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam tăng lên có thể đồng nghĩa với những khách mua tiềm năng sẽ chuyển sang nhập gạo của Thái Lan hoặc Pakistan.
Nguồn tin của Reuters cho hay, một nửa số gạo nói trên là gạo 5% tấm, còn lại là gạo 15% tấm và 25% tấm. Doanh nghiệp ký hợp đồng là Vinafood 2, công ty xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Số gạo này sẽ được giao hàng bắt đầu tư tháng tới.
Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 400-405 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, tăng khoảng 10% so với thời điểm đầu tháng.
“Khách mua có thể chọn gạo Thái Lan hoặc Pakistan”, một thương nhân nói, nhấn mạnh rằng giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần trước ở mức 410 USD/tấn (FOB). “Khi chênh lệch giữa giá gạo Việt Nam và Thái Lan giảm dưới 20 USD/tấn thì mua gạo Thái là tốt hơn”.
Cũng theo giới thương nhân, giá gạo Việt Nam tăng trong mấy tuần gần đây còn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Gạo từ ĐBSCL đã được vận chuyển ra Hải Phòng để đưa sang Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhập 1,2 triệu tấn gạo Việt qua đường biên mậu, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, Việt Nam có thể chỉ xuất khẩu được dưới 7 triệu tấn gạo trong năm nay do những khó khăn về thị trường, không đạt mục tiêu đã được cắt giảm là 7,1-7,2 triệu tấn.
“Bán gạo sang Trung Quốc qua biên giới có thể ảnh hưởng tới hoạt động quản lý xuất khẩu gạo của Việt Nam vì cơ quan chức năng không thể biết chắc bao nhiêu gạo đã được bán sang Trung Quốc”, một thương nhân nói. Theo vị này, xuất khẩu gạo theo đường biên mậu không được đưa vào thống kê chính thức.
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc đã nhập 1,62 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VFA, trong 15 ngày đầu tháng 10, xuất khẩu gạo cả nước đạt 145.875 tấn, trị giá FOB 61,813 triệu USD, trị giá CIF 62,419 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 5,344 triệu tấn, trị giá FOB 2,294 tỷ USD, trị giá CIF 2,380 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của VFA, giá lúa gạo tại ĐBSC tăng 100-150 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.250 - 5.350 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.050 - 7.150 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.850 - 6.950 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.850 - 7.950 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.500 - 7.600 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.300 - 7.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
An Huy (Theo VnEconomy)