.
.

Xây dựng tên tuổi cho cà phê Việt

Thứ Hai, 24/03/2014|15:15

Là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam chưa được nhiều nhà nhập khẩu biết đến, vì vậy ngành hàng này phải xác định rõ thương hiệu nào cần phát triển.

Thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và điều tiết biến động giá

Hiện nay hoạt động sản xuất và thương mại trong ngành cà phê vẫn còn phân tán. Thực tế tại Việt Nam có nhiều hộ cà phê quy mô nhỏ, nên nếu muốn tập trung thành chuỗi ngành hàng thì yêu cầu đặt ra là phải phối hợp giữa các bên liên quan.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có đơn vị bao quát toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng, từ sản xuất cho đến lưu thông trên thị trường và tạo ra những bước tiếp theo trong chuỗi giá trị của ngành hàng cà phê. Thực tế hiện nay các thương lái đã có sự tham gia trong chuỗi giá trị của ngành hàng cà phê, nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, nên chuỗi ngành hàng vẫn manh mún.

Ông David Hallam, Giám đốc Thương mại và Thị trường của Tổ chức Nông lương Thế giới cho rằng: Để xây dựng tốt chuỗi sản xuất tạo thương hiệu cho ngành hàng, phải thiết lập tiêu chuẩn chất lượng cho cà phê, điều tiết biến động giá làm sao để giá cà phê ổn định hơn, nông dân và thương nhân rủi ro ít hơn.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng ngành cà phê đồng bộ, hiện đại và bền vững ở mọi khâu, từ trồng trọt, chế biến đến bảo quản thương mại.

Năng suất cà phê Việt Nam cao nhất thế giới, nhưng chất lượng cà phê là vấn đề cần phải giải quyết. Hiện nay, cà phê Việt lệ thuộc vào xuất khẩu sản phẩm thô, nên thường xuyên bị đối tác ép giá. Cà phê chế biến sâu mới chiếm gần 10% trong tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, vì vậy một trụ cột quan trọng là phải thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê.

Thành lập Ban Điều phối ngành hàng cà phê

Vào ngày 30/7/2013, Việt Nam đã thành lập Ban điều phối (BĐP) ngành hàng cà phê. Đây là loại hình tổ chức mà trước đây chưa từng có ở Việt Nam.

Vừa là tổ chức xã hội nghề nghiệp, vừa là cơ quan Nhà nước có quyền lực trong chỉ đạo ngành hàng, BĐP ngành hàng cà phê do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban. 2 phó ban là Cục trưởng Cục Trồng trọt và Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard).

Các ủy viên tham gia hội đủ thành phần là các vụ, cục liên quan trong ngành cà phê và một số đơn vị sản xuất kinh doanh tiêu biểu trong nước.

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard, nhận định nhiệm vụ điều phối hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành hàng từ trước tới nay thường phó thác cho các hiệp hội. Nhưng hầu hết các hiệp hội chỉ vì quyền lợi của các doanh nghiệp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa tư nhân và Nhà nước, giữa các công ty đa quốc gia và DN trong nước vô cùng rời rạc. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản rất bất ổn, thường xuyên phải xuất khẩu với giá rẻ.

Do đó, sự ra đời BĐP ngành hàng cà phê là hết sức cấp thiết, bởi có sự phối hợp tư nhân và Nhà nước, tập hợp mọi thành viên trong toàn chuỗi ngành hàng.

“Sự ra đời BĐP ngành hàng là cơ hội quan trọng để chúng ta đột phá về tái cơ cấu ngành hàng. Nếu thành công, thì mô hình này sẽ được mở rộng ra các ngành hàng khác như cà phê, chè , lúa gạo…”, ông Sơn nhấn mạnh.

BĐP đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, như: Nghiên cứu đề xuất chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hàng cà phê; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động và nguồn lực của chương trình liên kết công tư trong sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ và kinh doanh cà phê; tham gia Tổ chức cà phê thế giới.

Thứ trưởng Bộ NNPNT, Trưởng BĐP ngành hàng Cà phê Lê Quốc Doanh cũng chia sẻ, đây là mô hình mới. Bộ NNPTNT đã quyết định chọn cà phê để thử nghiệm mô hình này, vì đây là cây trồng hàng hóa quan trọng rất nhiều tiềm năng, nhưng thách thức cũng rất lớn.

Đặc biệt trong tái cơ cấu nông nghiệp, cây cà phê cần có sự đầu tư nhiều hơn, như việc tạo ra những chính sách, tập trung chỉ đạo cụ thể để phát triển bền vững.

Bà Trần Thị  Quỳnh Chi, Ủy viên BĐP ngành hàng cà phê cho biết, sau 8 tháng ra đời, đến nay BĐP đã soạn thảo xong Đề án phát triển cà phê bền vững, trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét.

Hoạt động mạnh nhất của BĐP là tham gia vào các hoạt động tái canh cà phê, xây dựng kế hoạch hành động tái canh, tổ chức phê duyệt tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững.

Đỗ Hương (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.