.
.

Tái cấu trúc Bảo Việt: Bắt đầu từ quản trị tài chính

Chủ Nhật, 19/02/2012|13:50

Trong điều kiện lạm phát đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu giảm thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết là giảm chi phí giá thành có ý nghĩa “sống còn” đối với quá trình tái cấu trúc Tập đoàn Bảo Việt cũng như các Tập đoàn và TCty nhà nước khác. Đó là chia sẻ của ông Lê Quang Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt.

Theo ông Bình, đến nay, tổng tài sản đã tăng 2,7 lần, doanh thu tăng 2,6 lần so với năm 2006… Cùng với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược HSBC, Bảo Việt đang dần thích ứng với môi trường hoạt động ngày càng cạnh tranh và chủ động cải tiến mô hình kinh doanh, đổi mới mô hình quản trị nhằm đảm bảo vị thế dẫn đầu ngành tài chính - bảo hiểm tại thị trường VN.

- Theo ý kiến của các chuyên gia, vấn đề căn cơ trong quá trình tái cấu trúc các tập đoàn và TCty nhà nước là tiết giảm chi phí và hạ giá thành. Vậy, quan điểm của ông?

Tôi cho rằng, tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các tập đoàn và TCty nhà nước là vấn đề quan trọng. Vì vậy, Tập đoàn Bảo Việt cũng sẽ tập trung vào việc xem xét lại định hướng ngành nghề cốt lõi để tập trung bố trí chiến lược cho phù hợp với yêu cầu cạnh tranh trong thời gian tới. Bảo hiểm kết hợp với ngân hàng và đầu từ chứng khoán, quản lý tài sản để định hướng việc phát triển ngành nghề, tạo đột phá, từ đó phân bổ nguồn vốn cho phù hợp đem lại hiệu quả cao với tinh thần bền vững và ổn định, đảm bảo cổ tức cho các nhà đầu tư. Vấn đề thứ hai được Bảo Việt tập trung là nâng cao năng lực quản trị, bao gồm việc phối hợp giữa Cty mẹ và Cty thành viên. Một trong những vấn đề đặt ra là làm sao có sự gắn kết, hợp lực giữa các lĩnh vực trong tập đoàn như bảo hiểm, ngân hàng để tạo ra năng lực cạnh tranh, cung ứng dịch vụ tài chính đa dạng không chỉ trong bảo hiểm mà còn trong quản lý tài sản, thanh toán, ngân hàng… Một vấn đề quan trọng khác là sự phân cấp điều hành giữa chủ sở hữu với Cty mẹ và Cty thành viên, phân cấp, phân quyền cho rõ và chịu trách nhiệm với nhau trong hệ thống tập đoàn thông qua hệ thống quản trị rõ ràng.

- Tuy nhiên, đối với một tập đoàn thì vấn đề nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng. Thế nhưng, chi phí cho đào tạo để tái cơ cấu nguồn nhân lực cũng rất tốn kém, thưa ông?

Đầu tư cho người lao động thông qua các khóa học, đào tạo cũng là đầu tư cho sự phát triển của tập đoàn, Cty. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đầu tư này không dễ đánh giá và qui ra các giá trị hữu hình. Vì từ trước tới nay, bộ phận nhân sự thường bị cho là nơi tiêu tiền của DN tuy nhiên trên quan điểm của quản trị hiện đại xem người lao động là tài sản quý giá nhất thì bộ phận nhân sự có vai trò rất lớn trong việc đầu tư vào nguồn nhân lực cho sự phát triển chung của Cty. Vì vậy, bộ phận nhân sự ngày càng chuyên môn hóa cao, hiệu quả sử dụng lao động càng lớn. Hoạt động nhân sự phải tập trung vào việc định lượng các giá trị xoay quanh việc phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, thay đổi cơ cấu nhân sự là một giải pháp bắt buộc để tập đoàn có thể thích nghi với tình hình mới.

- Được biết, tập đoàn đã đi trước một bước trong công khai minh bạch về tài chính. Vậy, trong năm 2012, Bảo Việt sẽ triển khai thực hiện ra sao, thưa ông ?

Nếu hệ thống kế toán không minh bạch, các nhà đầu tư không tiếp cận được thì đó là điều không tốt cho tập đoàn. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống kế toán đáp ứng yêu cầu của VN và theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi đảm bảo với các nhà đầu tư và cổ đông rằng: cổ tức trong năm 2012 tối thiểu là 12%. Đây là con số rất cao trong bối cảnh hiện nay.

- Thưa ông, Bảo Việt là tập đoàn đầu tiên ký cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Vậy, tập đoàn đã bắt đầu triển khai cam kết này như thế nào ?

 

Cổ tức của tập đoàn Bảo Việt trong năm 2012 tối thiểu là 12%.

Thực hiện chủ trương về kiểm soát chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, ngày 6/2/2012, Tập đoàn Bảo Việt đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong hệ thống đề nghị xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đề phòng hạn chế tổn thất trong các lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư; rà soát để triển khai đầu tư các dự án hiệu quả. Kết quả thực hiện các giải pháp nhằm: hoàn thành mục tiêu tiết giảm chi phí đã được đề ra, nâng cao hiệu quả kinh doanh và góp phần tương ứng trong tăng lợi nhuận toàn tập đoàn.

 

Phải xác định rằng, việc cắt giảm chi phí quản lý đối với bản thân tập đoàn chúng tôi nói riêng và các tập đoàn, TCty nhà nước nói chung bây giờ không còn là kêu gọi, hay động viên nữa, mà là mệnh lệnh thực thi theo Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

- Tuy nhiên, khó khăn mà tập đoàn gặp phải trong quá trình tái cơ cấu cũng không phải ít, thưa ông?

Có thể nói, nếu về trước mắt thì Tập đoàn cũng chưa thể từ bỏ hoàn toàn mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Vì, để tăng trưởng theo chiều sâu phải sử dụng công nghệ hiện đại và phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do vậy, để nhanh chóng thích ứng với quá trình tái cấu trúc trên cơ sở tiết giảm chi phí và hạ giá thành thì cần phải có thời gian để tập đoàn làm quen và đi vào khuôn khổ hoạt động.

- Xin cảm ơn ông !

Mai Thanh thực hiện

Theo DDDN

.
.
.
.