.
.

Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước,nhìn từ Tập đoàn Bảo Việt

Thứ Tư, 29/02/2012|13:35

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều đang đứng trước những thách thức to lớn và khó đoán định.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đặt ra nhiệm vụ cho các quốc gia và các tập đoàn kinh tế trên thế giới xem xét lại mô hình phát triển, việc nghiên cứu để tìm ra lời giải cho mô hình này là bài toán khó nhưng không thể không làm.

Cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện (bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, quản lý quỹ, chứng khoán và đầu tư), Tập đoàn Bảo Việt (tiền thân là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam) hiện có tới hơn 150 chi nhánh trên khắp cả nước. Ðến nay, Tập đoàn Bảo Việt đã phát triển thành một tập đoàn tài chính - bảo hiểm với tổng tài sản gần 46 nghìn tỷ đồng (tính tại thời điểm cuối năm 2011), thực hiện việc đầu tư vốn vào các công ty con

công ty liên kết, kinh doanh tài chính tổng hợp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bao gồm bảo hiểm nhân thọ (với khoảng hơn 40 sản phẩm); bảo hiểm phi nhân thọ (với hơn 80 sản phẩm); đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác. Ðồng thời, đây là tập đoàn có mạng lưới hoạt động rộng khắp tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, bao gồm hơn 400 điểm bán hàng, với hơn 5.500 cán bộ và gần 45 nghìn tư vấn viên, đại lý bảo hiểm.

Việc cổ phần hóa và thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt thành công là kết quả của việc thực hiện chủ trương đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết T.Ư 3 (khóa IX), Nghị quyết T.Ư 9 (khóa IX), Chỉ thị số 45-CT/T.Ư ngày 22-10-2004 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN và Quyết định số 175/2003/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2010". Thực tế cho thấy, Tập đoàn Bảo Việt đã có những thành công bứt phá sau khi chuyển đổi sở hữu. Báo cáo hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt mới đây cho thấy, so với thời kỳ trước khi cổ phần hóa, tập đoàn đã đạt nhiều kết quả tài chính vượt bậc. Năm 2011, tổng tài sản hợp nhất toàn tập đoàn ước đạt 46 nghìn tỷ đồng (gấp 2,8 lần so với năm 2006); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2011 đạt 23%/năm; tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 15 nghìn 413 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so với năm 2006), tăng trưởng bình quân 17%/năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.363 tỷ đồng (gấp 2,1 lần so với năm 2006), tăng trưởng bình quân 16%/năm; vốn chủ sở hữu ước đạt 11 nghìn 500 tỷ đồng (gấp 5,4 lần so với năm 2006), tăng trưởng bình quân 40%/năm, chia cổ tức hằng năm ở mức 11% - 12%; số thu về ngân sách nhà nước năm 2011 ước đạt 1.336 tỷ đồng (gấp 4,4 lần so với năm 2006), tăng trưởng bình quân 19%/năm. Ðiều quan trọng là trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sự ổn định, tăng trưởng bền vững của các chỉ tiêu tài chính thuộc các thành viên của tập đoàn luôn được đặt lên hàng đầu, do đó, trong điều kiện thị trường và nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt vẫn giữ được sự ổn định cần thiết, đồng thời luôn đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng của các chủ sở hữu của tập đoàn. Trước những yêu cầu quyết liệt của Chính phủ về tái cấu trúc nền kinh tế, việc Tập đoàn Bảo Việt quyết định đi tiên phong trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp (TCTDN) hiện đang là "điểm nhấn" trong tiến trình thực hiện TCTDN tại Việt Nam theo Nghị quyết T.Ư 3 (khóa XI) về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước. 

Tại Hội thảo về Tái cấu trúc tập đoàn tài chính - bảo hiểm mới đây tại Hà Nội, trả lời câu hỏi vì sao tiếp tục đặt vấn đề triển khai tái cấu trúc trong khi đã có một quá trình chuyển đổi sâu rộng và mạnh mẽ và cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, Chủ tịch HÐQT Lê Quang Bình nêu ra các lý do khiến Tập đoàn Bảo Việt đi đến quyết định này. Nhìn lại chặng đường gần năm năm đã đi qua kể từ khi cổ phần hóa, Tập đoàn Bảo Việt đã có những bước chuyển mạnh mẽ, tạo diện mạo mới - năng động và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bảo đảm  quyền lợi của các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư sáng lập và chiến lược), lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt nhận thấy cần có những bước hoàn thiện, điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn. Việc rà soát, hoàn thiện tái cấu trúc hoạt động kinh doanh đã được tập đoàn thực hiện thường xuyên, nhưng trong giai đoạn phát triển mới này càng cần đẩy mạnh hơn nữa, nhằm mục tiêu tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch thông tin, hướng tới niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. 

Chia sẻ về chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Vương Ðình Huệ cho biết: Tập đoàn Bảo Việt là một trong những tập đoàn kinh tế của Nhà nước, có thương hiệu từ lâu, vừa là đối tượng được chi phối bởi đề án tái cấu trúc các DNNN của Chính phủ, vừa là một định chế, một tập đoàn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm, nhưng bên cạnh đó còn có ngân hàng, chứng khoán... cho nên quá trình tái cấu trúc của Tập đoàn Bảo Việt cần diễn ra một cách toàn diện và mang tính đặc thù. Việc tái cấu trúc thành công Tập đoàn Bảo Việt được Bộ Tài chính mong muốn và kỳ vọng sẽ trở thành một tập đoàn có thương hiệu về tài chính, bảo hiểm hàng đầu không chỉ trong nước mà còn mang tầm khu vực, hướng tới những chuẩn mực của quốc tế.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2012, với dự báo cạnh tranh thị trường sẽ gay gắt hơn, Tập đoàn Bảo Việt tập trung triển khai đề án tái cấu trúc tập đoàn, trong đó tập trung hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, đầu tư phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, rà soát định hướng chiến lược phát triển, đánh giá và cơ cấu đầu tư ngành nghề nhằm phát triển tập đoàn có khả năng cung cấp dịch vụ tài chính kết hợp; tập trung đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực hoạt động kinh doanh truyền thống; rà soát để củng cố và nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh của lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực dịch vụ tài chính khác. Theo định hướng chiến lược đến năm 2015, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt đặt mục tiêu tăng trưởng về tổng tài sản hợp nhất bình quân hằng năm là 17%; tổng doanh thu hợp nhất bình quân hằng năm tăng trưởng 16%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất bình quân hằng năm tăng trưởng 23%; tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2015 dự kiến đạt 14 đến 16%.

Ðể thực hiện được mục tiêu nêu trên, Tập đoàn Bảo Việt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã đặt ra theo từng giai đoạn. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn 2011-2012 được xác định là xây dựng một nền tảng mới cho Bảo Việt (xây dựng nền tảng công nghệ thông tin thống nhất, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, tăng cường năng lực tài chính). Giai đoạn 2012-2013 là giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh doanh (chú trọng chất lượng dịch vụ khách hàng, khách hàng cá nhân; cung cấp các dịch vụ tài chính kết hợp; phát triển lĩnh vực kinh doanh mới; hoàn thành chuyển đổi mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng dịch vụ khách hàng). Giai đoạn 2013-2015 được xác định là giai đoạn tạo sự chuyển biến mạnh trong tăng trưởng doanh thu và hiệu quả, hợp tác nội bộ mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu và chất lượng dịch vụ hàng đầu Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Nhân Dân
 
.
.
.
.