.
.

Đưa Bảo hiểm tiền gửi lên tầm cao mới

Thứ Ba, 29/05/2012|22:26

 

Hiện nay, khoảng hơn 1.200 nghìn tỷ đồng của gần 30 triệu người gửi tiền ở hơn 1.200 tổ chức tín dụng đang được bảo đảm ra sao, ai sẽ là người giám sát hoạt động của những tổ chức nhận tiền gửi? Ai sẽ là người đứng ra chi trả nếu có rủi ro đổ vỡ của các tổ chức này? Người dân đã rất quen thuộc hay còn mơ hồ với chính sách mà họ được hưởng lợi trực tiếp từ đó? Những bất cập của chính sách và phương hướng phát triển của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia – Trong vòng 50 phút của thời lượng chương trình, cuộc giao lưu đã mang lại rất nhiều những thông tin hữu ích.  
Tối ngày 25/5/2012, Đài Truyền hình Việt Nam đã truyền hình trực tiếp chương trình Giao lưu chính luận về Bảo hiểm tiền gửi trên kênh VTV2 với khách mời là TS. Cao Sỹ Kiêm – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa; TS. Nguyễn Văn Thạnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam.

BHTG - Người bạn đồng hành tin cậy của người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG

Những thập niên 90, sự đổ vỡ dây chuyền của hàng loạt các quỹ tín dụng trên toàn quốc đã để lại nhiều hậu quả đối với nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân và gây ra khủng hoảng niềm tin đối với nhiều người gửi tiền. Sự ra đời của tổ chức BHTGVN trong thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc lấy lại niềm tin đã mất, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải cách và đổi mới hệ thống tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Các khách mời đều có chung nhận định, đánh giá cao vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền lời người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia. Vai trò này được ông Cao Sỹ Kiêm – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa khái quát một cách hình ảnh: “BHTG là một trong hai cái neo an toàn của hệ thống ngân hàng khi hoạt động”. Nếu như trong phóng sự được phát, bà Nguyễn Thu Hà – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam nhắc tới vai trò của BHTG bằng việc nói rằng “Ngân hàng kinh doanh bằng niềm tin và BHTG đã góp phần làm gia tăng niềm tin ấy” thì ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam đã minh chứng cho việc duy trì niềm tin bằng cách khẳng định: “BHTG đã làm tăng thêm uy tín của ngân hàng. BHTGVN đã góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn của BIDV, đặc biệt đối với khách hàng là cá nhân”.

Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, đã chứng kiến sự đổ vỡ của tổ chức tín dụng khi chưa có BHTG, TS Cao Sỹ Kiêm đánh giá cao vai trò giám sát rủi ro đối với các tổ chức tín dụng của tổ chức BHTGVN.  Hoạt động này giúp theo sát những diễn biến về tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định về rủi ro, cảnh báo, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về BHTG và các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển đầu tư nhận định: Hoạt động giám sát, kiểm tra của BHTGVN thúc đẩy BIDV nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung chú trọng thực hiện công tác quản trị rủi ro.

 

Vai trò của tổ chức BHTGVN còn được Chủ tịch HĐQT BHTGVN Nguyễn Văn Thạnh khẳng định bằng việc đưa ra những con số chân thực: “Kể từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã từng bước triển khai tốt các nghiệp vụ BHTG, cụ thể thực hiện giám sát thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, kết hợp với nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ nhằm phát hiện sớm rủi ro phát sinh, từ đó có cảnh báo kịp thời tới các tổ chức tham gia BHTG và đề xuất phương án phù hợp lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. BHTGVN đã tiến hành chi trả cho hơn 1.622 người gửi tiền tại 38 tổ chức tham gia BHTG là quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với tổng số tiền chi trả là 21,838 tỷ đồng. Số tiền chi trả tuy không lớn nhưng đã góp phần ngăn ngừa đổ vỡ hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và không dùng ngân sách Nhà nước để chi trả. Khi tổ chức tham gia BHTG tạm thời khó khăn về thanh khoản, nguồn hỗ trợ tài chính kịp thời từ BHTGVN sẽ giúp tổ chức tham gia BHTG nhanh chóng vươn lên, tiếp tục hoạt động lành mạnh”.

Những bất cập chính sách

Thực tế cho thấy, mặc dù BHTGVN ra đời hơn 10 năm nay và chính sách BHTG mang lại quyền lợi trực tiếp cho người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG nhưng vẫn tồn tại một thực trạng là có rất nhiều người chưa biết đến thuật ngữ này. Điều này phần nào thể hiện hạn chế của công tác thông tin tuyên truyền. Ông Trần Xuân Hoàng cho rằng: Công tác tuyên truyền chưa thực sự mạnh mẽ ở các tổ chức tín dụng, mới dừng ở việc niêm yết Chứng nhận BHTG tại các quầy giao dịch. Còn đối với bản thân tổ chức BHTG, đây cũng là việc cần nhìn nhận một cách khách quan và thực tế để công tác này được chú trọng nhiều hơn nữa

Một bất cập thấy rõ hơn cả và được rất nhiều người quan tâm, đó là hạn mức chi trả BHTG. Theo quy định hiện hành, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia BHTG thuộc đối tượng quy định, tối đa là 50 (năm mươi) triệu đồng. Tuy nhiên, hạn mức này được áp dụng từ năm 2005 đến nay chưa thay đổi. Ông Cao Sỹ Kiêm đồng tình với quan điểm cho rằng: Hạn mức chi trả thấp và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Nguyễn Văn Thạnh - Chủ tịch HĐQT đưa ra thông tin: “Từ năm 2005 đến 2011, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao, thu nhập quốc dân tính theo đầu người tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005. Hạn mức BHTG hiện tại chỉ tương đương 1,9 lần GDP bình quân đầu người. Trong khi theo thông lệ quốc tế, hạn mức được quy định gấp từ 5 đến 9 lần GDP”. Những tiêu chí xác định hạn mức chi trả được ông Thạnh cho biết, đó là dựa trên các yếu tố như bảo hiểm được đa số người gửi tiền, thu nhập bình quân đầu người, chỉ số lạm phát, tăng trưởng và tránh rủi ro đạo đức.

Phí BHTG thu theo mức đồng hạng cũng là một trong những bất cập được nhắc tới. Theo quy định hiện hành, phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG có nghĩa vụ nộp cho tổ chức BHTG (BHTG Việt Nam) để bảo hiểm cho tiền gửi của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Thạnh cho rằng: “ Phương thức thu phí BHTG đồng hạng với tỷ lệ 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG như hiện nay đã không còn phù hợp trong bối cảnh ngân hàng mở cửa và hội nhập”. Theo TS Cao Sỹ Kiêm: Để tránh tình trạng cào bằng và thúc đẩy sự tăng trưởng của các tổ chức tín dụng, những tổ chức có mức độ rủi ro càng cao thì càng phải đóng phí nhiều.

Định hướng và giải pháp nhân lên niềm tin

Quốc hội đang thảo luận để thông qua Luật BHTG tại kỳ họp thứ 3 này, trong đó có một số nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ những bất cập trong chính sách BHTG, hướng tới việc bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, từ đó nâng cao niềm tin công chúng.

Đối với TS Cao Sỹ Kiêm, Luật BHTG được thông qua vào trung tuần tháng 6 tới sẽ là mấu chốt để giải quyết những bất cập cũng như những tồn tại của chính sách BHTG. “Luật BHTG sẽ đáp ứng kịp thời những vấn đề mới kể cả mô hình tổ chức, phạm vi hoạt động, hạn mức chi trả, phí. Luật ra đời cũng thể hiện sự hội nhập theo thông lệ quốc tế mà chúng ta đang hướng tới”.

Đại diện của tổ chức bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, ông Nguyễn Văn Thạnh khẳng định: Thực tiễn hoạt động trong hơn 10 năm với những thành tựu và cả những bất cập, hạn chế của chính sách đã và sẽ được tổ chức BHTGVN tổng kết, đánh giá và đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhằm hướng tới mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống tài chính - ngân hàng. Kể từ khi BHTGVN thành lập và đi vào hoạt động, không có hiện tượng đổ vỡ ngân hàng, không có khiếu nại của người gửi tiền, không xảy ra hiện tượng hoảng loạn ngân hàng, lòng tin của người dân vào hệ thống ngày càng được duy trì và nâng cao. Nguồn vốn nhà nước giao cho BHTGVN được bảo toàn và phát triển tốt, thể hiện trên sự tăng trưởng của Quỹ BHTG qua các năm, từ nguồn ban đầu được cấp 1000 tỷ đồng, sau hơn 10 năm hoạt động, quỹ của BHTGVN hiện nay là trên 10.000 tỷ đồng.

Về vấn đề phí, ông Thạnh cũng khẳng định: “Xu hướng trên thế giới các quốc gia áp dụng hệ thống phí BHTG theo mức độ rủi ro nhằm đảm bảo nguyên tắc thị trường, công bằng giữa các tổ chức tham gia BHTG, tạo động lực tăng cường quản trị rủi ro của tổ chức tham gia BHTG đồng thời đẩy nhanh tốc độ tích luỹ quỹ BHTG”.

Quyết tâm chung tay với tổ chức BHTG trong hoạt động truyền thông được ông Trần Xuân Hoàng thể hiện bằng cam kết:  “Thời gian tới, tổ chức chúng tôi sẽ có sự phối hợp tốt hơn với BHTGVN, đặc biệt khi Luật BHTG ra đời sẽ triển khai tuyên truyền một cách rõ nét và hiệu quả”. Ông cũng dẫn ra giải pháp cụ thể: “Để tạo niềm tin hơn nữa cho người gửi tiền, sổ tiết kiệm của người gửi tiền sẽ đóng dấu: Tiền gửi được bảo hiểm”.

Về phía BHTGVN, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thạnh nhấn mạnh tổ chức BHTG cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là khi Luật BHTG có hiệu lực. BHTGVN cũng sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng trong việc đào tạo, giáo dục tài chính cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về tài chính nói chung, BHTG nói riêng.

TS Cao Sỹ Kiêm gợi mở về sự phát triển của tổ chức BHTG: Khi cả đất nước tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, một trọng những yếu tố cần làm là sắp xếp, đổi mới lại hệ thống, hiện đại hóa công nghệ và lập lại kỷ cương, kỷ luật. BHTG cũng sẽ nằm trong guồng máy chung ấy. BHTGVN cũng cần chú trọng tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức BHTG và các định chế tài chính, giữa tổ chức BHTG với người dân. Đó là những việc làm thiết thực để đưa BHTGVN nâng lên một tầm mới.

BHTGVN

 

.
.
.
.