.
.

Ðẩy nhanh quá trình chuyển giao vốn nhà nước cho SCIC

Thứ Hai, 04/08/2014|09:57

Quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2013/NÐ-CP ngày 1-11-2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định số 57/2014/NÐ-CP ngày 16-6-2014 về Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, theo đó SCIC được giao tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN, thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DN.

Hiệu quả đồng vốn nhà nước sau khi chuyển giao cho SCIC

Thành lập năm 2006, sau hơn tám năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 965 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 7.900 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của SCIC được cho là khá hiệu quả, thể hiện ở đồng vốn nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn tăng lên đáng kể sau khi được chuyển giao về SCIC. Các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm thành lập: tổng tài sản đạt hơn 65.000 tỷ đồng, tăng 12 lần so với thời điểm thành lập năm 2006; vốn chủ sở hữu đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với 2006. Tổng vốn đầu tư SCIC đã thực hiện đạt hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư thêm vốn vào những DN hiện hữu mà nhà nước cần nắm giữ vốn hoặc hoạt động có hiệu quả khoảng 7.900 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6-2014, danh mục DN của Tổng công ty bao gồm 335 DN với giá trị vốn nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng, tổng số vốn điều lệ hơn 65.000 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước tại DN, SCIC đã thực hiện đánh giá và phân loại các DN, từ đó tiến hành tái cơ cấu DN thông qua việc nâng cao năng lực quản trị, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thông qua đó gia tăng giá trị của DN và phần vốn nhà nước tại DN. Giá trị vốn nhà nước đầu tư tại DN được bảo toàn và phát triển: Giá trị phần vốn nhà nước tại 349 DN nhận bàn giao (xác định tại thời điểm 20-12-2013 theo quy định của Nghị định 151/2013/NÐ-CP) đạt hơn 71.000 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với giá trị sổ sách (gần 10.500 tỷ đồng).

Trên thực tế, hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. So với thời điểm tiếp nhận, vốn nhà nước theo giá trị sổ sách của các DN đến nay đã tăng 85% và vốn điều lệ tăng 78%; lợi nhuận tăng trưởng gấp gần ba lần so với thời điểm tiếp nhận. Một số DN có vốn SCIC chi phối đã mạnh dạn mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực như Công ty cổ phần sữa Việt Nam có 20% số sản phẩm được phân phối tại thị trường Ô-xtrây-li-a, Cam-pu-chia, Phi-li-pin và Mỹ; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong mở rộng thị trường tại Lào; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang có 85 sản phẩm có số đăng ký ở các nước như: Môn-đô-va, Nga, Mông Cổ, Cam-pu-chia, Ni-giê-ri-a, Phi-li-pin, Mi-an-ma...

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang được chuyển giao phần vốn nhà nước về SCIC từ tháng 5-2007. Từ đó tới nay, mức tăng bình quân của công ty đạt 30% về doanh thu và 70% về lợi nhuận. Công ty có các chỉ số tài chính hấp dẫn các nhà đầu tư. ROA bình quân đạt 17%/năm và ROE bình quân hơn 30%/năm. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga, từ khi SCIC quản lý phần vốn nhà nước tại DN, kết quả kinh doanh, giá trị DN và uy tín thương hiệu Dược Hậu Giang ngày càng gia tăng. SCIC đã hỗ trợ Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tiếp cận với thị trường vốn, tư vấn nâng cao năng lực quản trị, hài hòa lợi ích giữa cổ đông, DN và người lao động, gia tăng giá trị DN.

Thúc đẩy quá trình chuyển giao vốn

Theo Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Ðạo, thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước, các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã chủ động làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các bộ, UBND của các tỉnh, thành phố trong cả nước để phối hợp thúc đẩy việc chuyển giao vốn nhà nước tại những DN đủ điều kiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Về cơ bản, việc tiếp nhận được thực hiện thận trọng, theo đúng pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, tiến độ chuyển giao vốn nhà nước cho SCIC còn rất chậm. Hiện tổng số vốn nhà nước tại SCIC mới chỉ chiếm gần 3% vốn nhà nước tại các DNNN. Những DN chuyển giao về cho SCIC làm đại diện chủ sở hữu nhà nước chủ yếu là DN vừa và nhỏ, các DN lớn vẫn chưa được sắp xếp lại và chưa thuộc quyền quản lý của đơn vị này. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, một số bộ, địa phương trì hoãn việc chuyển giao DN hay né tránh chuyển giao cho SCIC bằng cách thực hiện sáp nhập hoặc giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN vào các Tổng công ty khác hoặc thành lập các Tổng công ty nhà nước mới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu DNNN, trong hai năm 2014 - 2015 cần cổ phần hóa 432 DN. Trong báo cáo mới đây về một số kiến nghị giải pháp nhằm đổi mới phương thức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, các chuyên gia của CIEM cho rằng, cần tiếp tục thực hiện định hướng giảm thiểu tình trạng nhiều cơ quan, nhiều cấp đại diện chủ sở hữu nhà nước, tiến tới mỗi DNNN chỉ có một đầu mối thực hiện tập trung và thống nhất hầu hết các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Nghị định số 151/2013/NÐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC đã quy định các đối tượng được SCIC tiếp nhận hoặc chuyển giao bao gồm: công ty TNHH Nhà nước một thành viên, TNHH có hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ các DN độc lập 100% vốn nhà nước, liên doanh có vốn góp nhà nước do các bộ, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Tại Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; Chỉ thị 06/CT-TTg về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và Thông báo số 85/TB-VPCP tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2014-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để chuyển giao DN đã cổ phần hóa về SCIC.

Ngày 16-6-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2014/NÐ-CP về Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, đã xác định rõ mô hình tổ chức hoạt động; tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động của SCIC. Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Ðạo cho biết, trong thời gian tới, SCIC sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, báo cáo Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định 151/2013/NÐ-CP và Nghị định 57/2014/NÐ-CP nhằm mở ra cơ chế thuận lợi và rõ ràng hơn cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC; chủ động làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo Ðổi mới doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương để rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp còn vốn nhà nước thuộc đối tượng chuyển giao nhưng chưa chuyển giao về SCIC, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, UBND, địa phương để thẩm định hồ sơ chuyển giao ngay sau khi nhận được hồ sơ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu DN.

Hoàng Ly (Theo Nhân dân)

.
.
.
.