.
.

Đảng ủy Tập đoàn Bảo Việt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai

Chủ Nhật, 31/03/2013|21:39

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng quý I năm 2013, tổng hợp ý kiến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai.

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: TH
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: TH

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu thống nhất, việc đặt ra quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngay ở Chương II đã thể hiện đây là nội dung cốt lõi mà Hiến pháp cần bảo vệ. Điều đó thể hiện rõ mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cùng với việc bổ sung một số quyền mới như Điều 15,21, 22,23, 44, 45, 46... đã cho thấy sự tiến bộ của Dự thảo so với Hiến pháp hiện hành.

 

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét một số vấn đề như: Chưa có nguyên tắc rõ ràng trong việc xác định quyền con người và quyền công dân nên việc trình bày những điều, khoản giữa quyền con người và quyền công dân còn lẫn lộn. Cùng với đó là, khái niệm quyền con người được diễn đạt bằng khái niệm “mọi người” chưa rõ, theo đó, cần diễn đạt theo nghĩa cá nhân và cá nhân trong quan hệ với quyền lực nhà nước. Do đó, khái niệm quyền con người nên được hiểu là quyền cá nhân và công dân.

Tại khoản 3, Điều 31 Dự thảo quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”, theo Bộ luật Hình sự năm 1999 thì không có tội vu cáo mà chỉ có tội vu khống. Tội vu khống được quy định tại Điều 122 “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là địa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội...” Ở đây, vu khống đã bao hàm nghĩa của cả từ vu khống và vu cáo.

Góp ý vào Chương 3 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ..., các đại biểu cho rằng, nội dung Chương 3 có nhiều tuyên bố về nhận thức, không có tính pháp lý như “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế...”... Dự thảo sửa đổi nên giải quyết theo hướng các chế định kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ thường được thể hiện dưới hình thức quyền con người, quyền công dân, cụ thể là quy định công dân có quyền tự do kinh doanh, sáng tạo khoa học, văn hóa – nghệ thuật, hưởng thụ giáo dục và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các quyền này...

Góp ý Dự thảo sửa đổi Luật đất đai, các đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần tuân thủ các nghị quyết, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển năm 2011 và được thông qua tại Đại hội XI của Đảng. Các quan điểm chỉ đạo đối với chính sách, pháp luật về đất đai cần khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch để xác định mục đích sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng...

Cùng với đó, đất đai phải được phân bổ hợp lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả cao; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Hơn nữa, việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai phải đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, huy động tốt nhất nguồn nhân lực từ đất đai; đảm bảo cho thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất; khắc phục tình trạng tham nhũng, khiếu kiện liên quan đến đất đai...

Góp ý vào nội dung cụ thể, Điều 52 về “thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai”, liệt kê 8 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, tương tự như Luật Đất đai hiện hành nhưng vẫn không rõ và không hợp lý, dẫn đến không thực thi trên thực tế. Chẳng hạn, điểm a, khoản 1, quy định thu hồi đất trong trường hợp “sử dụng đất không đúng mục đích” là quá chung chung. Nếu đất trồng lúa mà bị sử dụng vào việc trồng cây  hàng năm khác cũng là trái mục đích,  tuy nhiên khó có thể liệt vào trường hợp bị thu hồi...

Luật hiện hành cũng như Điều 6 về “người sử dụng đất” trong Dự thảo xác định người sử dụng đất bao gồm 9 đối tượng là: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư... Việc gọi chung chung là “người sử dụng đất” là không hợp lý, khó phân biệt, nhất là rất nhiều đạo luật quan trọng như: Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự... đều tách bạch giữa người và các chủ thể khác. Vì vậy, cần gọi 9 đối tượng trên là chủ thể sử dụng đất hoặc đối tượng sử dụng đất, vẫn ngắn gọn và rõ ràng, chính xác, dễ phân biệt.../.

Theo ĐCSVN

.
.
.
.