Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu kiểm tra công tác tại PVC và Thủy điện Hủa Na
Ngày 30/11, đồng chí Đỗ Văn Hậu và các Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đã đến kiểm tra tiến độ thi công và dự giao ban trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na.
* Tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí: Ngày 29/11/2011, đồng chí Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn cùng Đoàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đến kiểm tra công tác tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Ông Vũ Đức Thuận Tổng giám đốc PVC báo cáo với Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu và Đoàn công tác tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Trong những năm qua, PVC đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thương hiệu của PVC đã được khẳng định và có uy tín cả ở trong nước và quốc tế. Doanh thu tăng từ 611 tỉ đồng năm 2006 lên hơn 8.000 tỉ đồng năm 2010, dự kiến năm 2011 đạt con số 11.000 tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 118%/năm. Lợi nhuận và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách vì vậy cũng tăng tương ứng, 2011 dự kiến nộp ngân sách 437 tỉ đồng. Đời sống người lao động mỗi năm đều được nâng cao, thu nhập bình quân năm nay đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, PVC cũng không nằm ngoài những khó khăn chung như giá đầu vào tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản suy giảm, bên cạnh đó là việc thắt chặt tín dụng và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Công ty đã báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình trong thời gian qua và phân tích kỹ các tồn tại, nguyên nhân và đề ra giải pháp cũng như thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch 2011 và đề ra phương hướng năm 2012; đồng thời cũng đề xuất với Tập đoàn có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Do chưa lượng định hết những khó khăn và biến động của nền kinh tế trong nước và quốc tế cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực hiện kế hoạch, các công trình dự án của PVC lại trải rộng trên địa bàn cả nước, điều kiện thi công phức tạp nên phát sinh vướng mắc, giá trị khối lượng dở dang và công nợ phải thu còn lớn, nhiều dự án do chủ đầu tư buộc phải dừng giãn tiến độ, một số phải thay đổi thiết kế và phạm vi dẫn đến phát sinh chi phí… là nguyên nhân cơ bản của những khó khăn mà PVC đang gặp phải. Bên cạnh đó, những dự án do PVC nhận về từ các đơn vị khác theo chủ trương của PVN hiện đều đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, dự án bị đình trệ, vốn đầu tư dài hạn nay chuyển sang nợ ngắn hạn… đặc biệt, phương án tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỉ đồng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đã tạo một áp lực lớn về tài chính đối với PVC. Sau khi nghe báo cáo và những kiến nghị của PVC, những phân tích đánh giá và ghi nhận của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, các ban chuyên môn về những nỗ lực của PVC với vai trò mũi nhọn của PVN trên những dự án công trình trọng điểm, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu khẳng định PVN sẽ cùng PVC tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ mọi mặt để giải quyết những tồn tại. Tổng giám đốc chỉ đạo, trong thời gian tới, PVC cần tập trung vào những dự án thượng nguồn Dầu khí, chế tạo thiết bị và xây lắp các công trình đặc thù của công nghiệp khí, lọc hóa dầu, các công trình điện. Xây dựng các công trình Dầu khí là lĩnh vực sâu rộng vô cùng và đây chính là thế mạnh mà PVC cần phát huy. Đồng chí Đỗ Văn Hậu cho rằng, PVC cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn cán bộ quản trị điều hành, nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao và đầu tư trọng điểm, hiệu quả vào hệ thống phương tiện máy móc công nghệ hiện đại. Đồng chí cũng chỉ đạo PVC tập trung vào những hoạt động cốt lõi và thoái vốn ra khỏi những dự án ngoài ngành (đặc biệt là các dự án bất động sản) trong thời gian 2-3 năm tới. * Tại công trình Nhà máy Thủy điện Hủa Na – Vấn đề đầu tiên hiện nay là… tiền đâu?! Ngày 30/11, đồng chí Đỗ Văn Hậu và các Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đã đến kiểm tra tiến độ thi công và dự giao ban trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na.
Cùng tham dự giao ban có đồng chí Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí và đại diện các nhà thầu, một số ban nghiệp vụ của Tập đoàn. Thủy điện Hủa Na là công trình được xây dựng trong hoàn cảnh khó khăn nhất trong tất cả các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Việt Nam. Nếu như các nhà máy thủy điện khai thác chỉ cách thành phố, thị xã từ 30 đến 70km thì Thủy điện Hủa Na cách TP Vinh hơn 200km và ở địa bàn nghèo nhất nước. Giá cả lương thực, thực phẩm ở khu vực này đắt hơn dưới xuôi tới 30%, thậm chí rau xanh cũng phải chở từ Vinh lên. Cho tới nay, các hạng mục công trình chính đang được gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ xây dựng bê tông đập tràn vào tháng 6/2012, hoàn thành hầm dẫn nước vào tháng 9/2012, nút hầm dẫn dòng và tích nước vào tháng 6/2012 để cuối năm 2012 phát điện cả hai tổ máy. Nhìn chung, tiến độ thi công là cơ bản đúng tiến độ đặt ra. Nhưng gần đây, mặc dù chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na và lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đã có rất nhiều cố gắng, nhưng do nhiều lý do bất khả kháng mà tiến độ không được đảm bảo. Việc thi công rất khó khăn nhất là trong việc đào hầm không đạt chỉ tiêu do địa chất quá phức tạp; Công tác di dân cũng chưa đạt yêu cầu. Cho tới nay, mới di dân cơ bản được hơn 130 hộ trên tổng số gần 1.400 hộ phải di dời. Công tác di dân ì ạch do Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Quế Phong chậm vào cuộc, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hầu như chỉ do chủ đầu tư làm, còn chính quyền vẫn chưa nhập cuộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay đó là thiếu tiền. Do một số cổ đông góp vốn xin rút bởi gặp khó khăn về tài chính, cho nên Tổng Công ty Điện lực Dầu khí phải nâng tỉ lệ góp vốn từ 55,25% lên 82,2%. Việc giải ngân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nghệ An đang gặp khó khăn, bởi ngân hàng này đang gán nợ của Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVC Nghệ An) vào Dự án Thủy điện Hủa Na (mặc dù PVC Nghệ An không có liên quan gì đến Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na). Các nhà thầu không có tiền ứng trước, cho nên nhiều nhà thầu trên công trình hiện nay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, dẫn đến có thể một vài đơn vị ngừng thi công. Đại diện các nhà thầu là Tập đoàn Sông Đà, Tổng Công ty lắp máy Lilama đều cam kết sẽ đảm bảo đúng tiến độ thi công, nếu như có… tiền! Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu đã biểu dương những cố gắng của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí và Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na, cám ơn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Nghệ An với công trình đồng thời quyết định ngay một số biện pháp xử lý cấp bách, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu. Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã thẳng thắn phân tích những khó khăn chủ quan và khách quan trong công tác di dân vùng lòng hồ và khẳng định quyết tâm của tỉnh là sẽ hoàn thành việc này trước tết Nguyên đán. (Theo Petrotimes)